Tháng 9/1998, đại úy Vũ Quang Chương của tiểu đoàn DK1 về thăm gia đình ở huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk. Tiễn em gái út Vũ Thị Hồng nhập học ngành Sư phạm sau kỳ nghỉ hè, Chương ra Khánh Hòa thăm đơn vị cũ và có "chút việc quân đội".
Vừa đến nơi chưa kịp ngồi nóng ghế, Chương nhận lệnh phải đi công tác sau đó 12 giờ. Vội gói ghém vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân, 4h sáng 6/9, Chương lên tàu tiến về phía đại dương mênh mông. Sau chuyến hải trình, Chương cùng nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy lên nhà giàn DK1/6, Phúc Nguyên 2A.
Hôm ấy sóng lớn, canô không tiếp cận được nhà giàn nên họ phải bơi vào chân cầu thang để leo lên. Trong bộ quần áo ướt sũng, đại úy Chương ôm chầm lấy y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, người anh từng công tác chung ở một nhà giàn khác, khi anh Chương làm trạm phó. Lần này, cương vị mới của anh là Chỉ huy trưởng.
Trên nhà giàn, ngoài Chương, Thủy, Tôn còn có: Phó nhà giàn phụ trách chính trị Dương Văn Hoan, nhân viên cơ yếu Hà Công Dụng, nhân viên báo vụ Phí Ngọc Thuật, pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, nhân viên radar Lê Đức Hồng và nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An...
Cuộc sống của những chàng trai tuổi 20, 30 khi ấy xoay quanh nhiệm vụ trực gác, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền. Những lúc rảnh rỗi, họ câu cá, xem tivi hoặc tâm sự chuyện gia đình, vợ con. Buổi chiều, họ thường ngắm nhìn hoàng hôn, mặt trời lặn phía đất liền.
Ở nhà giàn, Chương viết thư gửi em gái út, người anh thân nhất nhà, để kể về cuộc sống mới. "Mùa này biển thường hay cáu kỉnh, nổi giận với những cơn giông, động tiếng hòa âm của sóng vỗ và gió ì ầm suốt cả ngày. Ngoài trời vẫn mưa, từng con chim từ đất liền vút bay ngang qua, phía xa con tàu đang leo lên sườn dốc của con sóng hướng mình về phía đất liền", đại úy Chương tả.
Chương cũng tâm sự về chuyến công tác gấp gáp đưa anh ra đây, khiến anh không kịp chuẩn bị gì. Hành trang người lính mang theo là "hơi ấm gia đình", điều thiêng liêng và là vũ khí của anh khi bước vào đời. "Thời gian anh công tác ngoài này không biết đâu mà nói trước được, bởi còn phụ thuộc vào đơn vị nữa, chắc Tết này anh không về, lại một xuân nữa anh vắng nhà", Chương thổ lộ.
Đại úy Chương không chỉ lỡ hẹn với mùa xuân như anh dự cảm, mà vĩnh viễn nằm lại nơi thềm lục địa phía Nam.
Tháng 12/1998, cơn bão số 8 (bão Faith) quét qua khu vực DK1. Nhà giàn Phúc Nguyên 2A rung lắc rồi đổ sập khiến Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An và nhân viên radar Lê Đức Hồng hy sinh.
Hơn hai mươi năm sau, cơn bão năm đó không thể phai mờ trong ký ức những người còn sống. Y sĩ Nguyễn Hữu Tôn kể lại, chiều 12/12/1998, mưa phủ trắng trời, sóng chồm lên từng đợt ập vào nhà giàn. Ngôi nhà rung lắc, lan can và các phòng đều ướt vì sóng và mưa tạt vào.
Đến đêm, nhà giàn bắt đầu nghiêng, giá gạo đổ sập, nhiều đồ đạc như bàn ghế, tủ, tivi... ngã đổ ngổn ngang. Sau khi ra lệnh cho Thủy báo cáo tình hình về đất liền, Chỉ huy trưởng Chương họp anh em rồi cương quyết: "Chúng ta quyết tâm bám giữ trạm đến cùng, trường hợp nguy cấp, có lệnh của tôi mới được rời vị trí". Anh cũng đã phòng trường hợp xấu nhất, phân công mọi người chuẩn bị áo phao, phao cứu sinh, phao bè.
Đến giữa đêm, nguồn điện của máy liên lạc về đất liền bị hỏng. Hoàng Văn Thủy cố gắng nối lại để báo tin nhà giàn không thể trụ được qua đêm nay. Ở đất liền, chị Vân, người trực thông tin liên tục động viên: "Chỉ huy sẽ điều tàu cứu các em".
Rạng sáng, sóng gió mỗi lúc một lớn, dây ăng ten liên lạc với đất liền lại bị đứt, Thủy lên nóc nhà giàn trong gió lớn, hứng chịu mưa táp vào mặt, quyết tâm nối lại để giữ liên lạc với sở chỉ huy.
Còn Đại úy Chương đã ra lệnh cho mọi người sẵn sàng rời nhà giàn, trước khi nhảy phải cột dây mồi vào tay nhau để khi xuống biển tìm thấy nhau. Nghe đồng đội bên ngoài hô: "Nhà giàn sắp sập rồi, nhảy đi nhảy đi", Thủy lạc giọng nói về đất liền: "Chị Vân ơi, nhà sắp bị đổ rồi. Em nhờ chị báo tin cho bố mẹ em, bố em tên là Hoàng Văn Sơn...".
Phụt. Cơn sóng ập vào khiến máy phát điện nổ, đèn tắt, đêm tối trùm lên. Đại úy Chương hô lớn: "Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao". Rồi đợi đồng đội nhảy trước, anh rời nhà giàn sau cùng, quấn trên mình lá cờ Tổ quốc.
Khi nhà giàn đổ ập xuống sóng cũng đánh vỡ phao bè, mọi người đều chìm xuống biển vật lộn với sóng. 30 phút sau, Tôn, Hoan, Thủy, Thuật, Dụng bám được vào phao bè cứu sinh. Vài phút sau họ phát hiện Thơ đang trôi dạt liền kéo vào. Sáu người nương tựa vào nhau giữa những con sóng phủ đầu lạnh buốt, họ chia nhau lương khô và ngậm gừng để chống chọi với cái đói.
Không ai biết Chương, An và Hồng đang ở đâu. Họ cứ thế trôi dạt, và kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình, quê hương. "Đất liền dưới chân ta chứ đâu", y sĩ Tôn nói, để động viên mình và đồng đội.
Đến đêm 13/12, sáu người được tàu Hải quân cứu vớt. Khi lên tàu, tất cả đều lặng lẽ nhìn nhau vì ba đồng đội còn chưa được tìm thấy. Chương vừa tròn 30 tuổi, vẫn còn nợ cha mẹ lời hứa cưới vợ, sinh con. An mang nỗi niềm chưa gặp con trai vừa chào đời 20 ngày chưa kịp đặt tên. Còn Hồng thì chưa có mối tình nào.
Tháng 9 vừa qua, những vườn cà phê ở huyện Krông Păk, Đăk Lăk đã trĩu trái chờ ngày thu hoạch. Chiều tối, sau khi thăm vườn, ông Vũ Quang Dương, bố liệt sĩ Vũ Quang Chương dò dẫm lên bàn thờ thắp nén nhang cho người con đã hy sinh ở nhà giàn Phúc Nguyên 2A hơn hai mươi năm trước.
Ông Dương quê Thái Bình, từng làm lính đặc công trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1968, ông vào miền Nam chiến đấu, để lại mẹ già và vợ đang mang thai. Đứa bé trong bụng ấy chính là Chương, đứa bé lớn lên không có bố.
"Bố đâu hả mẹ?", khi nghe con trai hỏi, người mẹ trả lời rằng ba đi bộ đội, ông Dương kể lại lời vợ. Vậy là có hôm thấy một đoàn bộ đội đi qua, Chương hồn nhiên về khoe: "Hôm nay con gặp được cả đoàn bố".
Mãi đến sáu năm sau, khi mất sức do bị thương, người lính đặc công mới được nghỉ về quê gặp con. Trong mắt người cha, Chương là con trai cả hiếu thảo, từ bé đã giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng. Anh còn là đứa con khỏe mạnh, sáng dạ, học giỏi nhất nhà.
Năm 1990, Chương thi đậu vào Trường Sĩ quan Lục quân 1, sau đó công tác ở Vùng 4 Hải quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa) trước khi chuyển sang tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu.
Thời gian ấy, mỗi bận Chương về thăm nhà ở Thái Bình đều gấp gáp vì thời gian đi tàu xe đã chiếm quá nhiều thời gian nghỉ phép, có khi về chưa tròn một ngày đã phải lên đường vào đơn vị.
Trong một lần ghé Tây Nguyên, Chương nhận thấy vùng đất này rộng lớn, lại có nhiều người cùng quê sinh sống, nên dành dụm tiền mua mảnh vườn 8 sào, dựng tạm căn nhà để đưa bố mẹ và ba em vào lập nghiệp, cũng là cách để rút ngắn quãng đường anh về thăm nhà, năm 1997.
Mảnh vườn ấy chính là nơi ông Dương đang ngồi, dường như góc vườn nào cũng có hình bóng của con trai ông. "Mỗi lần về quê Chương không chịu ngồi yên mà cứ ra vườn đào hố trồng cây, đào ao. Lần cuối về, nó còn vẽ thiết kế nhà và tính toán vật liệu, hứa năm sau sẽ xây nhà cho cha mẹ, lo cho các em rồi cưới vợ", ông Dương kể.
Cô em gái út Vũ Thị Hồng của Đại úy Chương giờ đã là một cô giáo, kể rằng khi còn sống, anh trai luôn dành dụm gửi cho cô mỗi tháng một triệu đồng để lo cho việc học.
Năm 1998, nghe tin bão Faith, chị Hồng vội vàng viết một lá thư dài hai trang giấy để hỏi thăm anh trai, nhưng mãi không thấy hồi âm. Hơn một tháng sau, gia đình mới hay tin. Mẹ và em trai của đại úy Chương không chịu đựng nổi cú sốc quá lớn, phải nhập viện cấp cứu.
Người cha từng là lính đặc công đau đớn khi con trai ông hy sinh giữa thời bình. Ông Dương nhiều lần định nhờ tìm xác con nhưng biển cả mênh mông, đành đề nghị đơn vị lấy mấy nhành san hô nơi con trai ông hy sinh về để thờ cúng. Nhành san hô ấy được để lại quê nhà ở Thái Bình, nơi người em trai bị ảnh hưởng chất độc da cam của đại úy Chương đang sinh sống.
Theo tài liệu của tiểu đoàn DK1, từ năm 1990, sau khi xây dựng các nhà giàn đầu tiên, những cơn bão đã làm công trình hư hỏng, ngã đổ. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ giữa sóng gió, biển động. Gần đây nhất, tháng 10/2014, sóng lớn đánh vào nhà giàn Tư Chính 3 (DK1/11). Đại úy Dương Văn Bắc đi kiểm tra thiết bị vật cản dưới sàn cập tàu đã rơi xuống biển và bị sóng nhấn chìm.
Chị Vương Thị Trâm, vợ liệt sĩ Bắc vẫn còn nhớ, vài giờ trước khi gặp nạn ở nhà giàn Tư Chính 3, anh đã gọi điện cho vợ hỏi thăm việc học của con. "Anh còn động viên tôi cố gắng vui vẻ và hứa rằng tháng nữa sẽ về ăn Tết".
Hôm anh Bắc được đưa về cảng ở Vũng Tàu, chị Trâm ngã quỵ, con trai lớn Nguyên Khôi khóc lớn gọi ba, còn con trai nhỏ Anh Quân khi đó mới hai tuổi, ngơ ngác nhìn đồng đội của ba.
Sau khi chồng mất, chị Trâm được tuyển vào làm quản lý ở Chi đội Kiểm ngư số 2, TP Vũng Tàu. Lương và tiền hỗ trợ của hai con đủ để chị xoay xở, nuôi hai con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Anh Quân giờ đã lên lớp hai, không còn hỏi mẹ "ba đi đâu không về" như trước.
Năm năm đã qua, chị Trâm vẫn nâng niu chiếc mũ cối, đôi găng tay anh mang khi kéo gạo từ xuồng lên nhà giàn, chiếc bình tông nước, hay hai bịch gạo rang anh mang theo để uống lấy sức chống say sóng, và chiếc thiệp cưới màu hồng mang theo để ngắm mỗi khi nhớ vợ. Chị vẫn dành một ngăn tủ đựng quần áo chồng.
"Tôi ước một ngày nào đó sẽ được ra thăm nhà giàn DK1/11, nơi chồng làm nhiệm vụ", chị Trâm nói.
Phước Tuấn - Đăng Khoa - Trần Hóa - Phạm Linh