Không cầu kỳ như những giỏ bánh mứt hay rượu Tây, các món đặc sản Đà Nẵng như chả giò, chai nước mắm, con cá tươi... đều là quà biếu Tết đáng quý với cả người trong và ngoài thành phố bởi sự giản dị, thấm đẫm hương vị quê hương.
Hải sản
Đây luôn là lựa chọn tuyệt vời cho quà biếu Tết của người dân vùng biển miền Trung như Đà Nẵng. Dù cận Tết, những chuyến đánh bắt cá của ngư dân vẫn tiếp diễn, mang lại nguồn hải sản tươi ngon phục vụ người tiêu dùng.
Cá thu, cá chim, cá mú, tôm, mực... là những loại thường được chọn làm thức ăn Tết và quà biếu bạn bè người thân. Dù giá cả dịp này tăng cao gấp rưỡi, có lúc gấp đôi nhưng nhiều người vẫn chọn.
Để có được những con cá tươi ngon, bạn phải cất công đến các bến cảng vào lúc sáng sớm, giá ở đây có phần mềm hơn. Chợ cá vùng ven biển như Sơn Trà cũng là nơi hải sản tươi sống được bày bán.
Một con cá thu lớn có thể lên đến 100 kg, giá 300.000 – 350.000 một kg. Bạn có thể mua cùng nhiều người khác hoặc chọn những khoanh cá (đầu, thân, đuôi) và thương lượng với người bán. Hải sản còn được nhiều gia đình đóng thùng xốp ướp lạnh gửi máy bay đi các nơi khác như Hà Nội, TP HCM để làm quà cho người thân ở xa.
Chả bò, chả lụa
Đà Nẵng nổi tiếng với chả bò ăn rất thơm, được làm từ thịt bò đùi loại ngon, lọc bỏ hết gân, xay nhuyễn và không trộn thêm bất kỳ nguyên liệu nào khác. Cắt khoanh chả bò Đà Nẵng, người dùng sẽ thấy mùi thơm của rau thì là thoảng nhẹ, miếng chả có màu đỏ hồng, vị hơi ngọt nhưng cũng rất đậm đà, giòn và dai.
Chả cá có nhiều loại như chả cá thu, cá đéc, cá hồng... bạn có thể tự làm ở nhà theo hướng dẫn bằng cách mua nguyên liệu tươi, tẩm ướp gia vị rồi xay, giã tùy ý. Hoặc nếu quá bận rộn, bạn có thể mua chả cá làm sẵn ở các chợ hải sản, gồm loại còn tươi hay đã chiên sẵn.
Chả bò, chả lụa nổi tiếng Đà Nẵng bán trên đường Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám. Dịp Tết, giá có thể lên 250.000 – 300.000 đồng một kg.
Tré bà đệ
Tré là món ăn dân dã được nhiều người nhắc đến khi ghé thăm Đà Nẵng, vị chua chua ngọt ngọt, không ngán như nem nướng và nem rán (chả giò).
Để làm món tré, đầu bếp cần thịt đầu và đùi heo luộc lên, xắt chỉ dài chừng một lóng tay. Riềng gọt sạch, thái sợi nhỏ rồi trộn chung với thịt heo và gia vị gồm thính, mè, tỏi băm nhuyễn, nước mắm, bột nêm, tiêu... tùy theo khẩu vị.
Bạn cần lưu ý ngày sản xuất khi mua tré để canh chừng ngày ăn thì mới đúng lúc "chín". Tré có thể ăn ngay những sẽ càng tuyệt hơn khi trộn với rau và các gia vị như đậu phụng, tương ớt Hội An, rau húng, bánh tráng.
Tré Đà Nẵng nổi tiếng ở đường Hải Phòng, các khu chợ trung tâm cũng có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này. Dù rất dân dã nhưng tré vẫn được chọn làm một trong những món tiếp khách, làm quà của nhiều người trong dịp Tết.
Bánh tráng Túy Loan
Cất công đi ngược về hướng Tây thành phố, đến làng Túy Loan vào những ngày cận Tết, bạn sẽ thấy các hàng quán bày bán những tập bánh tráng to dày, vàng sữa. Làng nghề bánh tráng này đã tồn tại gần 200 năm, có đủ vị cay, nồng, mặn, ngọt. Từng chiếc bánh gói gém cả hương vị thôn quê, mùi thơm của gừng tỏi, ngọt mặn từ muối đường khiến người ăn nhớ mãi.
Nước mắm Nam Ô
Nam Ô là làng đánh cá nhỏ, nằm ngay trên quốc lộ một tại Đà Nẵng. Nguyên liệu làm nước mắm Nam Ô ngon nhất là cá cơm than đánh bắt vào tháng Ba. Nước mắm ngon một phần nhờ chọn thứ muối Cà Ná hạt to để lâu vài ba năm.
Cá cơm than được lựa chọn kỹ, phải tươi ngon, không to hoặc nhỏ quá. Những thùng, chum, vại muối làm bằng gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít mới đúng cách. Trải qua nhiều công đoạn ướp, muối, chưng cất cầu kỳ, cá muối vào tháng Ba, gần Tết âm lịch bắt đầu lọc mắm thì mới dùng được. Nước mắm Nam Ô đỏ sậm như mầu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn.
Từ xa xưa, loại nước mắm này đã rất nổi danh. Dù là thức bình dị, nhưng ngày Tết, lễ, người dân trong, ngoài tỉnh chọn làm quà biếu nhau để thể hiện tình cảm quý trọng.
Thùy Trang