Bún là món ăn phổ biến và khoái khẩu của nhiều người dân Hà thành, qua thời gian các món bún đã có mặt ở Sài Gòn và luôn được mọi người yêu thích, thưởng thức cùng gia đình, bạn bè trong những ngày nghỉ cuối tuần. Cùng điểm qua vài món bún hấp dẫn thực khách Sài thành.
1. Bún thang
Bún thang là một trong những nét ẩm thực đặc trưng của người Hà Nội. Những nguyên liệu để nấu tô bún thang không khó tìm như thịt gà, trứng, nấm, củ cải, giò lụa... tuy nhiên để nấu một tô bún ngon thì đó là điều không hề dễ và người nấu phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Nước dùng là khâu được xem quan trọng nhất, phải trong, ngọt mà không béo ngấy.
Tô bún thang hấp dẫn dậy mùi phải thêm mắm tôm, cà cuống, vài lát hành, rau răm và củ cải trắng nõn. Khi đó tô bún sẽ đẹp mắt như một bức tranh ẩm thực nhiều màu sắc. Thưởng thức tô bún thang thực khách sẽ cảm nhận những nét cầu kỳ, tinh tế của ẩm thực Hà Nội.
Bạn có thể ghé quán bún Tân Định, đường Đinh Công Tráng, quận 1 để được thưởng thức tô bún thang ngon, đúng chuẩn Hà Nội.
2. Bún mọc
Món ăn dường như quen thuộc trong ẩm thực của người dân Sài Gòn, có mặt mọi ngõ ngách của thành phố này, từ những khu thương mại sầm uất đến cả những khu phố lao động Sài Gòn với đủ khẩu vị và biến tấu khác nhau.
Một tô bún mọc ngon đòi hỏi phải có sự sắp xếp hài hòa trong việc kết hợp của bún, mọc, sườn non, chả quế, nấm hương và hành. Nước dùng được hầm từ xương heo, ninh nhừ và vớt bọt cho trong để tô nước dùng được ngọt ngào mà không cần phải nêm nếm quá nhiều.
Cái cầu kỳ nhất của tô bún mọc chính là các loại chả ăn kèm. Các loại chả đều được làm từ giò sống, tuy nhiên chỉ thay đổi một vài cách chế biến để cho ra nhiều loại chả hấp dẫn và phong phú khẩu vị như chả (giò) lụa, chả quế, chả chiên, chả lá. Đặc biệt hơn cả là nếu thêm một ít hành tiêu, nấm hương vo viên rồi cho thẳng vào nồi nước dùng trước khi múc cho khách thì được gọi là mọc.
Thực khách có thể đến quán bún mọc Thanh Mai ở đường Trương Định, phường Bến Thành, quận 1 hay bún mọc Bảo Trâm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1 để tìm cho mình tô bún mọc như ý.
3. Bún chả
Theo nhiều đánh giá, bún chả là món ngon Hà Nội mà khi du nhập vào Sài Gòn vẫn giữ được nhiều nét nguyên bản, kể cả hương vị và phong cách chế biến. Bún chả ngon là sự kết hợp hài hòa của nước chấm và chả. Nước chấm pha chua ngọt vừa đủ, dưa góp phải giòn, thịt nướng phải là loại ba rọi thái mỏng, tẩm ướp gia vị vừa phải để lúc nướng không bị cháy, bên ngoài se mặt, bên trong thì vừa chín thơm.
Đĩa bún chả được dọn ra, gắp miếng thịt cho vào chén nước có đầy đủ vị ngọt chua của dưa góp đu đủ xanh với cà rốt, ngắt thêm chút rau thơm, húng láng, tía tô… rồi cho vào chén với bún ta sẽ được một món ăn độc đáo với đủ dư vị của Hà Nội trong sắc trời thu Sài Gòn.
Thực khách có thể tìm đến ba quán sau để thưởng thức. Bún chả Hồ Gươm ở đường Trương Định, quận 3; bún chả Hà Nội ở Lê Thánh Tôn, quận 1 và bún chả Hồ Tây ở Trần Cao Vân, quận 1.
4. Bún riêu cua
Bún riêu cua “đặc sản của Hà Nội” cũng là gian hàng có mặt trong tất cả những con phố ở Sài Gòn. Tô bún riêu cuốn hút bởi miếng nước lèo vàng tươi sóng sánh, điểm thêm những sắc đỏ của cà chua, chút hành lá xanh bắt mắt và những cọng bún trắng tinh tươm. Tô bún riêu Sài Gòn còn thêm huyết heo, đậu hũ, một vài nơi còn thêm miếng chả hoặc ốc… Riêu được làm từ những con cua đồng tươi ngon đem vào từ vùng sông nước miền Tây, cua giã nhỏ rồi lọc kỹ mới cho ra nước dùng thơm phức, ngọt ngậy.
Để tô bún riêu trọn vị, trước khi thưởng thức thực khách nên cho thêm một ít mắm tôm, và vài miếng ớt cay nhẹ. Vị ngọt thơm của nước dùng cua đồng, pha thêm chút chua của cà, vị cay của ớt và đậm đà của vị mắm tôm hòa quyện trong tô bún sẽ làm cho bạn phải xuýt xoa khi thưởng thức.
Bạn dễ dàng tìm thấy trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn hoặc trong những hàng quán ở Nguyễn Cảnh Chân - quận 1, Lê Văn Sỹ - quận 3, Trần Kế Sương - Phú Nhuận hay vỉa hè đường Lê Thánh Tôn.
5. Bún ốc
Bún ốc là món khá cầu kỳ trong phong cách chế biến, đặc biệt là trong khâu làm sạch và luộc ốc, bởi nếu ốc luộc quá chín sẽ trở nên dai và khi gỡ sẽ gãy đôi không nguyên con. Tô bún ốc ngon vì nước dùng được chế biến cầu kỳ, tinh túy, xương ống ninh nhừ, vớt sạch váng bọt để nước dùng được trong veo. Tô bún bốc khói nghi ngút với những con ốc béo ngậy, giòn ngọt, thêm miếng đậu hũ chiên vàng ruộm, miếng cà chua đỏ tươi và điểm thêm vài lát hành xắt mỏng trông rất bắt mắt. Đi kèm với tô bún là đĩa rau mang đặc trưng của miền Bắc như tía tô, kinh giới, rau húng.
Ở Sài Gòn bạn có thể đến quán bún ốc trong con hẻm ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận hay bún ốc Thanh Hải ở đường Kỳ Đồng, quận 3.
6. Bún đậu mắm tôm
Vốn là món ăn rất đỗi bình dân với vài chiếc bún lá cắt nhỏ, một vài thanh đậu cắt miếng rán ngập mỡ cho giòn, ăn cùng với mắm tôm đã pha chế chút đường, ớt và quất. Gắp một miếng bún, miếng đậu chấm chút mắm tôm rồi ăn kèm với kinh giới, tía tô, mùi tàu bạn sẽ cảm nhận được vị béo thơm của bún, ngậy của đậu, mặn ngọt của mắm tôm pha chế vừa vặn... Thực khách sẽ vô cùng thích thú với cách phối trộn hài hòa của món ăn độc đáo này. Ngoài ra món này còn được ăn kèm với chả cốm, lòng lợn hay thịt ba rọi luộc. Kết hợp mọi thứ món ăn sẽ được tròn vị và đậm đà hơn.
Thực khách có thể tìm cho mình vài quán sau để thưởng thức, quán A Vừng ở Lương Hữu Khánh, quận 1, quán Cô Khàn trong con hẻm ở Cống Quỳnh, quận 1 hay quán đậu Homemade ở đường Hồng Hà, Tân Bình.
Văn Trãi