Từ những loại cá giống nhau nhưng với cách chế biến đa dạng và độc đáo, người miền Tây đã tạo ra những món bún với hương vị hoàn toàn khác nhau, mỗi món mang một đặc trưng rất riêng biệt của miền sông nước. Điểm nhấn là hầu hết các món bún ở đây đều ăn kèm với bông điên điển - một loại bông màu vàng chỉ có ở miền Tây, đặc biệt là vào mùa nước nổi.
Bún cá lóc nước lèo
Cá lóc sau khi luộc được làm sạch da và xương, chỉ để lại phần thịt trắng đem xào sơ qua với nghệ, tỏi, bột ngọt ... cho thấm gia vị. Xương lợn được hầm bằng nước luộc cá cho có vị ngọt dùng làm nước lèo. Trong phần nước lèo còn cho thêm nước cốt nghệ tươi, sả và mắm ruốc nên nước bún có màu hơi vàng. Bông điên điển là một thứ không thể thiếu trong nồi nước lèo bún cá.
Khi ăn, bún được cho vào trước, sau đó cho thêm thịt cá và cho nước lèo vào. Vì người ta ướp cá bằng nghệ tươi nên đã khử được mùi tanh của cá. Món bún nước lèo luôn được ăn kèm với một đĩa rau muống bào, giá tươi và bông điên điển. Một chén nước mắm ngon bên cạnh để chấm cá kèm theo một lát chanh làm tăng thêm độ ngon của món bún. Vị ngọt của cá và hơi lạ miệng của bông điên điển sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Bún cá kèn dừa
Nếu không phải dân miền Tây, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thắc mắc "kèn dừa" là gì? Người miền Tây gọi nước cốt dừa là "kèn dừa". Chính vì vậy món bún cá nấu với nước cốt dừa gọi là bún cá kèn dừa.
Cá lóc đồng được làm tương tự như khi nấu bún cá lóc nước lèo, tuy nhiên người ta sẽ chừa ra một phần nhỏ để giã nát, cho vào nấu chung với nước dùng. Nước dùng gồm có nước cốt dừa, bột cà ri, đinh hương, bông tai vị... hòa chung với nhau. Mỗi thứ được cho một lượng vừa phải nên không có cảm giác quá ngấy lại không nồng mùi cà ri. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của cà ri và những gia vị đặc trưng, đồng thời hơi béo của nước cốt dừa.
Bún ở Châu Đốc dùng là bún của người Khơ me, sợi nhỏ được xếp ngay ngắn thành từng đoạn dài. Khi bán, người ta sẽ tách ra thành từng phần nhỏ và cho vào tô, sau đó cho cá và nước dùng vào, rắc một ít bột ớt lên trên. Mùi tanh của cá đã hoàn toàn biến mất. Vắt một lát chanh để hương vị càng thêm hấp dẫn, sau khi ăn hết phần bún, bạn có thể chấm bánh mì với phần nước dùng, giống như ăn cà ri bánh mì nhưng lại có cảm giác rất lạ.
Bún cá kèn dừa là đặc trưng ở Châu Đốc, do một bà lão bán bên lề đường Phạm Văn Vàng vào buổi sáng sớm. Quán khá đông khách nên khoảng 9 giờ sáng thì một nồi nước bún to đã hết sạch, thường thì bạn phải chờ rất lâu mới đến lượt mình.
Bún mắm miền Tây
Khác với bún mắm miền Trung hay miền Bắc là chỉ có bún và mắm, món bún mắm miền Tây được nấu cầu kì hơn, với nhiều loại hải sản và thịt heo.
Nước dùng của bún mắm được nấu từ nước dừa tươi, nước xương heo hầm và đặc biệt là mắm cá linh và cá sặc - hai loại mắm đặc trưng của miền Tây sông nước. Sả và tỏi cũng được cho vào chung với các loại trên để khử mùi mắm. Nước dùng được nấu đến khi các loại mắm trong nồi nhừ ra, lọc bỏ xác, lấy nước tạo nên một nồi nước dùng có vị ngọt tự nhiên từ xương và nước dừa mà không cần dùng bột ngọt, lại có vị "sông nước" từ các loại mắm miền Tây.
Cho một ít bún sợi to vào tô, phía trên cho thịt quay, cá bông lau, tôm, mực, huyết heo và một ít rau thơm, sau đó chan nước dùng đã được nấu sẵn. Bún mắm ăn kèm với các loại rau của vùng sông nước như thân bông súng, bông điên điển, rau đắng, kèo nèo, bắp chuối, rau muống chẻ.
Yên Hạ