Thứ sáu, 10/1/2025
Thứ ba, 26/3/2024, 09:00 (GMT+7)

Những món ăn sáng nên thử tại Singapore

SingaporeBữa sáng thịnh soạn là văn hóa đặc trưng đảo quốc, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách với đa dạng món như bánh mì nướng, laksa, mì thịt bằm…

Buổi sáng tại đảo quốc là một trong những thời điểm sống động nhất trong ngày. Dù không khí bận rộn, hối hả tới đâu, bạn vẫn bắt gặp khung cảnh người dân đang nhấm nháp café, thưởng thức những món ăn sáng đặc trưng. Đó là cách họ nạp năng lượng, sẵn sàng cho ngày làm việc năng suất.

Bữa ăn sáng được xem là nét văn hóa đặc trưng của người Singapore. Nếu có dịp ghé thăm đảo quốc, du khách nên thử thưởng thức bữa sáng truyền thống tại đây, từ đó khám phá thêm nhiều điều thú vị về văn hóa địa phương qua nền ẩm thực phong phú. Từ bánh mì nướng kaya thơm mùi bơ, mì thịt bằm, đến laksa (bún nước dừa cay) béo ngậy... mỗi món ăn đều là kết tinh của di sản ẩm thực phong phú của đất nước. Ảnh: Singapore Tourism Board

Kaya Toast

Món bánh mì nướng kaya (Kaya toast) giòn, béo ngậy ăn kèm trứng luộc lòng đào mềm và cà phê (kopi) hoặc trà (teh) là một trong những bữa sáng truyền thống, đơn giản nhưng lại mang đậm màu sắc Singapore nhất. Trong đó, kaya là loại mứt làm từ dừa, trứng và đường. Đây cũng là combo bữa sáng bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu khi đến đảo quốc.

Lịch sử của Kaya Toast bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20, khi những người nhập cư Hải Nam mang kỹ thuật và công thức nấu ăn của họ đến Singapore. Người sáng lập thương hiệu Ya Kun Kaya Toast và Kheng Hoe Heng Coffeeshop (tiền thân của Killiney Kopitiam) là những người tiên phong trong việc mang bữa sáng thú vị này đến đảo quốc.

Một trong những cách lý tưởng nhất để thưởng thức Kaya Toast là ăn theo kiểu truyền thống. Trước tiên đập trứng vào tô, thêm nước tương và hạt tiêu trắng cho vừa ăn, sau đó chấm bánh mì quết mứt kaya vào rồi thưởng thức. Sự kết hợp giữa vị béo của trứng, bánh mì nướng thơm lừng và mứt kaya béo ngọt khiến món ăn này thêm độc đáo và bắt miệng. Ảnh: The Spruce Eats

Yakun Kaya Toast có mặt tại Singapore từ năm 1944, là chuỗi cửa hàng bán bánh mì nướng kaya lâu đời nhất đảo quốc. Ông Loi Ah Koon, nhà sáng lập thương hiệu, từng làm việc tại một quán cà phê Hải Nam. Đó cũng là cơ duyên khiến ông biết đến món ăn sáng trứ danh này. Sau hơn 15 năm mở cửa hàng tại Telok Ayer Basin, Ah Koon đã chuyển điểm kinh doanh sang khu ẩm thực Lau Pa Sat và đặt tên là Ya Kun Coffeestall.

Cuối cùng vào năm 1998, quán Ya Kun Kaya Toast chính thức có mặt tại Far East Square cho đến bây giờ. Hiện thương hiệu di sản này được các con ông quản lý và phát triển với hàng loạt chi nhánh khắp đảo quốc. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy quầy hàng này tại các trung tâm thương mại hoặc khu ăn uống của Singapore. Ảnh: CapitaLand

Ngoài Yakun Kaya, Tong Ah Dining House (35 Keong Saik Rd, mở cửa 7h-22h) cũng nổi tiếng với món bánh mì nướng phết mứt dừa và trứng lòng đào trong suốt nhiều thập kỷ, từ năm 1939. Tong Ah có đến bốn loại bánh mì nướng bán theo combo cùng trà hoặc café. Một trong những gợi ý đáng thử khi đến đây là món bánh mì nướng Kaya mỏng giòn (Crispy Thin Toast Kaya). Hoặc nếu thích một chút biến tấu, bánh mì nướng Kaya kiểu Pháp (French Toast with Kaya) sẽ là lựa chọn lý tưởng. Ảnh: Singapore Tourism Board

Bak Chor Mee

Món ăn sáng gợi ý tiếp theo, mì thịt băm Bak Chor Mee là một trong những lựa chọn khoái khẩu của du khách Việt. Hương vị quen thuộc gợi nhớ đến tô mì khô ở quê nhà sẽ là lựa chọn an toàn với du khách lần đầu thưởng thức hương vị ẩm thực nguyên bản của đảo quốc. Nước dùng đậm đà kèm sợi mì dai và nước sốt ớt độc quyền là điểm đặc trưng của món này.

Những quán Bak Chor Mee tại đảo quốc đều sở hữu công thức nấu gia truyền riêng, được duy trì qua các thế hệ. Mì dẹt (Mee Pok) hoặc mì sợi nhỏ (Mee Kia) thường được trộn với giấm, thịt băm, vài lát thịt và gan heo, nấm hầm thái lát, thịt viên và một ít tóp mỡ chiên giòn. Bạn có thể thêm ớt cho đậm vị nếu ăn cay được. Cũng giống hủ tiếu, món này có thể chọn ăn nước (mì nước lèo) hoặc khô (mì trộn). Những người bán hàng cũng thường sẽ thêm vài miếng cá chiên giòn nhỏ và rau xà lách để trang trí. Ảnh: Miss Tam Chiak

Hai trong số các điểm bán Bak Chor Mee nên thử ít nhất một lần khi đến Singapore là Tai Wah và Outram Park Fried Kway Teow. Hai quán nằm đối diện nhau, cùng tọa lạc trên tầng hai Trung tâm Thực phẩm & Chợ Hong Lim (531A Upper Cross St). Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp khung cảnh thực khách xếp thành hai hàng dài trước quầy phục vụ trong giờ cao điểm. Ảnh: Miss Tam Chiak

Dimsum

Món Dimsum, tức "điểm tâm", có nguồn gốc từ thói quen dừng chân nghỉ ngơi của du khách trên Con đường Tơ lụa (Silk Road). Theo thời gian, các trà quán dọc đường trở thành trạm dừng chân lý tưởng, không chỉ phục vụ thức uống giải khát, mà còn bán các món ăn nhẹ. Cũng từ đó, Dimsum phát triển và phổ biến rộng rãi, trở nên đa dạng như ngày nay. Trải qua nhiều thập kỷ, món ăn đã được người dân Singapore biến tấu với những hương vị khác biệt, mang đặc điểm riêng của ẩm thực địa phương.

Nhà hàng Swee Choon Tim Sum tại Jalan Besar (địa chỉ 183/185/187/189, Jln Besar, 191/193, mở cửa 7h đến 4h sáng hôm sau, nghỉ thứ 3) là điểm đến lý tưởng để thưởng thức món ăn truyền thống này. Menu quán gồm nhiều lựa chọn từ bánh bao cổ điển, bánh rán nhân mè đen, bánh cuốn tôm cho đến tàu hủ ky cuộn hải sản. Đây cũng là một trong những quán dimsum đường phố lâu đời nhất Singapore. Ảnh: Swee Choon

Yi Dian Xin Hong Kong Dim Sum (1012 Upper Serangoon Rd, #1012, mở cửa 7h-15h cả tuần trừ thứ 3) là gợi ý kế tiếp để thưởng thức món ăn truyền thống này. Nếu chỉ muốn tìm một quán ăn bình dân, đậm phong vị địa phương và không quá xô bồ, đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn và gia đình.

Đầu bếp chính của Yi Dian Xin là Foong, trước đây từng làm việc tại nhà hàng Tung Lok nhưng sau đó anh quyết định mở cửa hàng nhỏ của riêng mình. Những món nên thử khi đến đây là món tàu hủ ky cuộn tôm chiên, khi cắn vào sẽ phát ra âm thanh giòn rụm hay món bánh cà rốt hấp mềm mịn, dùng kèm với sốt đậm đà. Ảnh: Miss Tam Chiak

Chai Tow Kway (Bánh cà rốt)

Bữa ăn sáng đường phố cuối cùng trong danh sách là bánh cà rốt Chai Tow Kway. Món ăn này có nguồn gốc từ tỉnh Triều Sơn ở miền Nam Trung Quốc, sau đó được những người gốc Triều Châu mang theo khi nhập cư Singapore.

Điểm độc đáo của Chai Tow Kway là tuy được gọi là bánh cà rốt chiên nhưng không hề có nguyên liệu từ cà rốt, cũng không có màu cam. Thay vào đó, đầu bếp dùng củ cải trắng hấp với bột gạo thành bánh. Sau đó, bánh được cắt thành những miếng vuông rồi đem đi chiên với tỏi, trứng, củ cải muối. Bánh cà rốt có hai phiên bản trắng và đen. Trắng là bản gốc. Còn khi chiên với nước tương ngọt, bánh sẽ có màu sẫm.

Bánh cà rốt Chey Sua (127 Toa Payoh West Market & Food Center Lor 1 #02-30, mở cửa 6h-13h, nghỉ thứ 2) do hai chị em Grace và Shirley quản lý, đến nay vẫn giữ nguyên công thức gia truyền từ thế hệ trước. Giá một phần bánh dao động 2-4 SGD (khoảng 40.000-75.000 đồng). Bánh của Chey Sua là phiên bản màu trắng, được chiên giòn và tạo hình khối chữ nhật, bên ngoài được phết một lớp ớt mỏng. Độ dày của bánh cũng dẹt hơn, tránh ngán cho thực khách khi ăn nhiều.

Với các gợi ý trên, chuyến “du hành” khám phá văn hóa ẩm thực đặc trưng của đảo quốc sư tử sẽ thêm phong phú và thú vị. Việc trải nghiệm ăn bữa sáng truyền thống tại Singapore cũng là một cách độc đáo để khám phá đất nước này, biết thêm về con người nơi đây và thói quen cũng như những câu chuyện về di sản của họ. Ảnh: Groupe Michelin

Thy An

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net