Pad Thái Món này xuất hiện khoảng cuối năm 1930 trong một chiến dịch tránh lãng phí lúa gạo. Ban đầu, Pad Thái chỉ được bán trong các cửa hàng nhỏ. Hiện nay, nhiều nhà hàng lớn, khách sạn cũng bổ sung vào thực đơn như cách quảng bá ẩm thực truyền thống quốc gia. Thành phần món này gồm bánh phở, trứng, giá, tôm, hành. Trước tiên, người làm sẽ xào phở cho mềm rồi mới đập trứng, bỏ các nguyên liệu còn lại vào. Tùy khẩu vị người ăn, gia vị sẽ được điều chỉnh hợp lý. Khi hoàn thành, món này hấp dẫn thực khách nhờ các sắc nâu, vàng, đỏ kết hợp với nhau khá ăn ý. Bạn có thể thưởng thức kèm nước dừa hoặc cam vắt. Ảnh: Xin Rong. Tom yum Trong tiếng Thái, tom yum nghĩa là canh chua cay với hai vị phổ biến là tôm và gà. Thành phần chính của món này gồm tôm hoặc thịt gà, nấm và các loại gia vị như lá chanh, sả, riềng, nước cốt chanh, ớt tươi, me, rau thơm... Để nước dùng được thơm và đặc, người bản địa thường cho thêm sữa hoặc nước cốt dừa. Ngoài ra, hai nguyên liệu này còn giúp mùi của các thành phần khác bớt hăng và nồng. Tom yum có mùi thơm dịu nhẹ, vị chua cay hài hòa. Món này được dùng như canh trong bữa ăn của người Thái. Theo thời gian, một số đầu bếp sáng tạo, sử dụng các loại gia vị, hải sản khác nhau để tạo ra nhiều biến thể, một trong số đó là lẩu Thái... Ảnh: Diệu Huyền. Som tam Đây là món gỏi cay làm từ đu đủ xanh bào sợi. Các nguyên liệu phụ khác gồm đậu đũa, dưa chuột, xoài, ớt, đường, tỏi, chanh, nước mắm... Sau khi sơ chế, người làm sẽ cho tất cả vào cối và giã đều tay. Nhờ đó, món này có đủ vị chua, cay, mặn ngọt đặc trưng của Thái Lan. Du khách có thể cảm nhận được cái giòn nhưng vẫn mềm của đu đủ. Sợi nào sợi nấy thấm đẫm nước chanh tươi, ớt và bám đều tôm khô, đậu phộng. Các hàng som tam có mặt trên nhiều con đường ở Thái Lan. Một số nơi bán như món ăn chơi, địa điểm khác lại kết hợp cùng bún, tóp mỡ hay gà nướng tạo hương vị mới mẻ, lạ lẫm. Ảnh: Fat Les. Cà ri Không chỉ Ấn Độ, Thái Lan cũng là quốc gia nổi tiếng với món cà ri. Tuy nhiên, số lượng chỉ gồm 5 loại là xanh, đỏ, vàng, penang và massaman. Trong đó, cà ri xanh, đỏ là hai loại phổ biến nhất. Nguyên liệu chung để chế biến gồm các loại thịt, cà tím, chanh, ớt, nước cốt dừa... Món này có đặc điểm béo, nhẹ và không quá nồng mùi quế, hồi. Du khách thường được phục vụ cùng cơm hoặc bún. Ảnh: Red M.K. Khao niaow ma muang Thái Lan nổi tiếng với xôi xoài khao niaow ma muang. Thành phần chính gồm xoài chín, xôi và nước cốt dừa. Nhờ vậy, món ăn có màu sắc nhẹ nhàng, bắt mắt thực khách. Người dân nơi đây thường dùng như món tráng miệng hoặc ăn chơi, lót dạ buổi chiều. Thưởng thức khi xôi còn nóng hay nguội đều được. Xoài mát, thanh ngọt, nước cốt dừa bùi ngậy và xôi dẻo, mềm quyện đều cùng nhau. Nếu thích ăn béo, bạn nên cho thêm nhiều nước cốt dừa. Ảnh: Lọ Mọ. Kluay buat chee Một trong những món không thể không thử khi vi vu nơi này là chè chuối kluay buat chee. Nguyên liệu chế biến khá quen thuộc gồm chuối, mè hoặc đậu phộng và nước cốt dừa. Đầu tiên, người làm sẽ đun sôi nước, đổ từ từ nước cốt dừa vào, sau đó thả chuối đã cắt miếng cùng đường. Mè hoặc đậu phộng được rắc sau cùng để trang trí. Chén chè đạt chuẩn phải có mùi thơm dịu nhẹ của nước cốt dừa và mềm ngọt bởi chuối. Cũng nhờ điều này mà món ăn được nhiều trẻ nhỏ yêu thích. Ảnh: Diệu Huyền. Diệu Huyền10 món ngon đường phố hấp dẫn tại Thái Lan Những 'thiên đường ăn vặt' ở Bangkok