Thứ ba, 24/12/2024
Thứ hai, 2/9/2019, 09:20 (GMT+7)

Những 'mẹ nuôi' của thú hoang

TP HCMHơn 40 nhân viên tại Thảo Cầm Viên mỗi ngày chăm sóc hơn 1.000 cá thể động vật, giúp chúng khỏe mạnh, lớn nhanh và thân thiện với con người.

Thảo Cầm Viên (TP HCM) nổi tiếng là vườn thú lớn và lâu đời nhất nước với khoảng 125 loài... Đằng sau sự khoẻ mạnh của mỗi con thú tại đây là sự quan tâm, chăm sóc tận tình của đội ngũ nhân viên, bác sĩ thú y Phòng kỹ thuật và Xí nghiệp Động vật - những người được xem như "cha, mẹ nuôi" của các loài thú hoang.

Ông Trần Ngọc Luận (58 tuổi), nhân viên Tổ chăm sóc thú dữ thuộc Xí nghiệp Động vật, bên con linh cẩu cái châu Phi. "Công việc của tôi là vệ sinh chuồng trại và chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho các loài hổ, báo, gấu, sư tử và linh cẩu. Ngày nào cũng chạm mặt chúng nên thân quen lúc nào không hay", ông nói.

Từ 6h30, ông Luận tất bật quét dọn chuồng trại và chuẩn bị nước uống cho các loài thú ăn thịt. "Với tôi, công việc ở đây vất vả nhưng vui. Điều quan trọng là phải có niềm đam mê và tình yêu động vật mới có thể làm được", người đàn ông làm việc tại Thảo Cầm Viên từ năm 2007, chia sẻ.

Ông Luận xẻ thịt trâu để chuẩn bị cho hai con hổ Đông Dương ăn lúc 15h. Ông cho biết, khẩu phần ăn của mỗi con hổ là 5kg thịt mỗi ngày và được chia làm hai bữa chiều và tối.

Vừa giơ bàn tay trái, ông Luận vừa gọi "Con ơi. Con lại đây!". Tức thì, một con hổ trắng lao đến đưa hai chân trước chồm lên lớp kính dày 3 phân, mặt như mừng rỡ.

"Đây là con hổ trắng được anh em chăm sóc từ nhỏ do mẹ nó thiếu sữa. Bây giờ nó đô con, nặng gần hai tạ. Ngày nào đi qua chuồng, hễ thấy tôi và những ai từng chăm, nó đều chồm chân lên mừng. Đáng yêu lắm!", ông Luận nói.

Con hổ trắng lúc 2 tháng tuổi được nhân viên của Xí nghiệp Động vật Thảo Cầm Viên ghi hình vào năm 2015.

"Nuôi thú non cực lắm, đặc biệt là hổ con vì phải chăm nó liên tục, từ khâu cho bú sữa, rồi massage, tắm nắng và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nuôi nó tới đủ 3 tháng tuổi thì phải thả về chuồng, để nó hoà nhập với đồng loại", Tổ trưởng Tổ thú dữ Nguyễn Phạm Minh Phương cho biết.

Đều đặn lúc 8h30 hàng ngày, ông Trần Văn Tám, nhân viên Tổ chăm sóc chim, đem thức ăn phân phát tới các "đảo chim" trong khuôn viên sở thú. "Đây là con chim điên điển (còn gọi là chim cổ rắn). Nó khôn lắm. Cứ thấy tôi sắp lội qua đảo là nó bơi sang rồi trèo lên thang để đòi ăn trước tiên", ông Tám nói.

Ngoài việc cho chim ăn, ông Tám còn phụ trách việc chuyển đồ ăn lên cây cho một gia đình vượn bạc má sống trên đảo. Toàn bộ thức ăn tươi được đặt trong rổ nhựa, sau đó kéo lên cao bằng ròng rọc.

Vừa thấy đồ ăn được kéo lên, một con vượn bạc má cái lấy ngay một quả chuối. Theo các nhân viên, đây là gia đình vượn bạc má (có 3 thành viên) duy nhất ở Thảo Cầm Viên đang sống trên đảo nhân tạo.

Ngoài khu chăm sóc, thuần hoá thú hoang, Thảo Cầm Viên mới đây còn có chuồng trại chuyên chăm sóc các loài thú được cứu hộ, đặc biệt là các cá thể voọc. Theo lãnh đạo vườn thú, từ năm 2016 đến nay, nhóm cứu hộ của vườn thú đã tiếp nhận 6 con voọc từ nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Phú Yên, Đà Lạt...

Chị Huỳnh Lê Ngọc Diễm, nhân viên Phòng kỹ thuật, bế con voọc chân nâu đực được cứu hộ từ Đà Nẵng vào tháng 2 năm nay. "Ai nuôi voọc cứ thử một lần là biết: nuôi con khó một, chăm voọc khó mười, vì loài này kén chọn thức ăn, đường tiêu hoá cũng phức tạp hơn các loài khác, đòi hỏi mình phải tỉ mỉ và kiên nhẫn", chị nói.

Chị Diễm tập cho voọc con ăn hoa và lá non. "Lúc mới tiếp nhận nó, nhiều đêm tôi căng thẳng không ngủ được vì lo không biết nó có bị sao hay không. Chăm miết, đến giờ coi nó như con mình", nữ nhân viên có thâm niên 10 năm chăm sóc thú, chia sẻ.

Cũng theo chị Diễm, voọc con đã 8 tháng tuổi nhưng thức ăn chính của nó vẫn là sữa tươi không đường. "Mỗi ngày, voọc con được cho bú 4 cữ, mỗi cữ cách nhau khoảng 3 tiếng, lượng sữa quá nhiều cũng bệnh, ít quá cũng bệnh nên phải tính toán hết sức thận trọng", chị nói.

Du khách tham quan khu vực thú linh trưởng. Ít ai biết, những con thú lớn này chính là kết quả chăm sóc của hơn 40 cán bộ, nhân viên đang công tác tại Phòng Kỹ thuật và Xí nghiệp Động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Từ năm 1869, nơi đây mở cửa thường trực cho công chúng vào xem. Đây là vườn thú có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, đồng thời là một trong những công viên vui chơi giải trí ưa thích nhất của người dân TP HCM và các tỉnh lân cận.

Thành Nguyễn