Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 13/8/2022, 02:20 (GMT+7)

Những mảng màu đa sắc của Việt Nam

Tháng 8 này, du khách tới Đà Lạt sẽ được tham dự triển lãm ảnh ngoài trời Dalat Rendez-vous của 6 tác giả.

Tình yêu nhiếp ảnh kết nối 6 tác giả trong và ngoài nước (Huỳnh Thanh Huy, Đinh Công Tâm, Đức Vũ, Voshida Truong, Trung Bảo và Fred Abery) hội ngộ ở Đà Lạt, với triển lãm Dalat Rendez-vous, được tổ chức từ 15/8 đến hết tháng 11 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Stop and Go Art Space tại 88, Lý Tự Trọng, phường 2. Các tác phẩm đều được chọn lọc và giám tuyển bởi nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long, nghệ sĩ thị giác Phan Quang.

Nhiều tác phẩm mang những mảng đa sắc màu của Việt Nam thể hiện qua ống kính, gửi đi thông điệp tích cực trong cuộc sống thường ngày. Mỗi tác giả có phong cách sáng tác ảnh riêng, như Huỳnh Thanh Huy (quê Bến Tre, sống tại TP. HCM), mang đến hai bộ ảnh, trong đó có “Những mảng màu trên phố Sài Gòn”, ghi lại nhịp sống đời thường của người Sài Gòn. Trên ảnh là cảnh người dân thành phố cổ vũ hết mình trong mưa khi đi xem bóng đá trận bán kết Việt Nam - Hàn Quốc ngày 29/8 tại Asiad 2018, được trực tiếp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Sắc màu mưa phố, chụp trước một cổng trường ở đường Hoàng Sa, phường 14, Quận 3.

“Sài Gòn phồn hoa luôn nhộn nhịp, đường phố nơi đây dù cho xô bồ người đi kẻ đến, nhưng đâu đó những góc phố bất kể ngày nắng hay mưa, thì những sinh hoạt đời thường ngoài phố vẫn luôn toát lên những vẻ đẹp thú vị, với nhiều gam màu rực rỡ mang lại cho tôi nhiều lạc quan, thêm yêu cuộc sống đô thị này hơn sau những giờ làm việc căng thẳng”, anh Huy chia sẻ.

Bức họa trên mảng tường một cửa hàng bánh ngọt gây chú ý du khách, ở con đường nhộn nhịp Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP HCM. Anh Huy nói tình yêu dành cho TP HCM đã cuốn hút anh, luôn cầm sẵn trên tay máy ảnh mỗi khi bước chân ra ngoài, thôi thúc ghi lại những khoảnh khắc nhịp sống diễn ra trên phố.

Đợt triển lãm này tác giả Nguyễn Vũ Ngọc Đức (thường gọi Đức Vũ, sinh năm 1982 tại Huế, sống tại TP HCM) mang đến bộ ảnh “Lockdown - Bầu trời trên cao” chụp tại TP HCM trong thời điểm chịu ảnh hưởng của Covid-19, khoảng từ tháng 12/2019. Lúc này ngành du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, đóng cửa, ngừng các hoạt động tham quan, tổ chức sự kiện.

Lúc TP HCM lockdown, mọi người buộc phải ở nhà, nên anh Đức Vũ quan sát rất nhiều nếp sống sinh hoạt của người dân từ trên ban công cho tới mọi thay đổi ở ngỏ hẽm và ghi lại khoảnh khắc.

"Những lúc ấy, trong Sài thành chật hẹp, ngột ngạt thì bầu trời đem đến cho con người phút thư giãn, không gian cuối cùng còn không khí sạch, không khí tươi mới. Ai đã thấu qua cái cảm giác ngột ngạt, bức bí, ức chế của những ngày thành phố đóng cửa mới thấu hiểu những đám mây nhẹ bay hay mảng màu tối sáng trên cao cứu cánh cho con người bước qua những cùng cực tinh thần”, anh Đức Vũ chia sẻ bối cảnh chụp.

Trong khi đó, bạn trẻ Trần Trung Bảo (sinh năm 2001, sống tại TP HCM) mang đến một bộ ảnh trừu tượng “Lại là cảm giác này" (Peace in Entropy) được chụp tại các điểm du lịch nổi tiếng, đô thị sầm uất Việt Nam. Trên ảnh là quang cảnh TP HCM trên cao, với điểm nhấn là Landmark 81, một tòa nhà chọc trời trong tổ hợp đô thị cao cấp Vinhomes Central Park.

Trung Bảo nói bạn tự nghĩ, bâng khuâng về những cảm xúc rất trừu tượng và khó tả, thỉnh thoảng lại trỗi dậy vào những lúc rất kỳ lạ. Giống như khi ngắm nhìn những đám mây của một buổi chiều hoàng hôn nhảy múa trên bầu trời rồi lại nhanh chóng dập tắt vào bầu trời đêm yên lặng; hay giống như nhìn thấy một người mà bạn yêu đang sẵn sàng chia xa.

Tác giả một mình giữa rừng thông Đà Lạt. Phố núi Đà Lạt là điểm đến nổi tiếng Việt Nam, bối cảnh tác giả chụp có chút gợi buồn man mác, phù hợp tâm trạng con người cô đơn giữa rừng thông hay lúc chiều hoàng hôn lặng gió.

“Xuyên suốt cuộc hành trình trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, tôi luôn cố gắng tạo ra một không gian nội tâm nơi tôi có thể quan sát, chiêm nghiệm và bày tỏ được những cảm giác đấy khi mà từ ngữ, ít nhất là với tôi, không thể diễn tả được”, Bảo chia sẻ.

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh với các đảo đá vôi nhấp nhô trong gam màu trầm qua ảnh của Trung Bảo.

“Sự tương phản của màu sắc, sự đối lập của ánh sáng và bóng tối, và cảm giác mênh mông, rộng lớn, là cách mà tôi truyền tải được một cách trực quan từ tôi đến bạn, vẻ đẹp rất thuần khiết và hiện sinh này”, Bảo cho biết thêm.

Tác giả Đinh Công Tâm (sinh năm 1972, ở Sóc Trăng) gửi đến triển lãm bộ ảnh “Đường tu” với các tác phẩm chụp từ năm 2015 đến 2022, ghi lại nét tín ngưỡng độc đáo của người Khmer Nam Bộ, cụ thể là tỉnh Sóc Trăng. Vùng đất này nhiều điểm du lịch tâm linh, các chùa Khmer nổi tiếng.

Anh Công Tâm chia sẻ đường tu gắn liền với chiếc áo cà sa, chiếc áo mà xưa kia các nhà sư phải tự mình ghép lại từ nhiều mảnh mà thành, chiếc áo mà Phật chỉ mang theo người ba bộ còn gọi là tam y, gồm một bộ mặt trong người, một bộ làm gối nằm và một bộ làm chăn đắp lên người khi ngủ. Phật y còn là một vật phẩm cao quý mà phật tử dâng chùa trong dịp lễ dâng y. Trên ảnh anh Công Tâm chụp nhà sư trong trang phục áo cà sa tại khu vực Tượng Phật nằm khổng lồ, chùa Som Rong nổi tiếng ở TP Sóc Trăng.

Chiếc ghe ngo cổ tại chùa Săng Ke, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Ghe ngo ban đầu là loại thuyền độc mộc làm từ cây sao, về sau được nối thêm phần đầu và đuôi cong lên. Mỗi chiếc ghe dài khoảng 22 – 27 m, có thể chứa khoảng 50 người, mặt ngoài được sơn bằng nhiều họa tiết và màu sắc sặc sỡ. Hoạt động đua ghe ngo được xem là truyền thống, là dịp để cộng đồng các dân tộc trong tỉnh Sóc Trăng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long giao lưu, học hỏi lẫn nhau và tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển.

Anh Công Tâm là một bác sĩ nhưng yêu thích nhiếp ảnh và thường dùng thời gian ngoài giờ làm việc của mình để đi chụp ảnh, coi đây là cách cân bằng cuộc sống. Đề tài tác giả thường chụp là di sản và văn hóa các dân tộc. Trên ảnh anh chụp nhà sư thắp nến trong mùa an cư kiết hạ tại chùa Băng Kro Chap Thmay, huyện Long Phú. Thông thường từ 16/6 đến 15/9 Âm lịch là khoảng thời gian an cư ba tháng mùa mưa của chư Tăng Phật giáo hệ phái Nam Tông.

Huỳnh Phương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net