Với những ai đang gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, Tết càng khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Trong một cuộc khảo sát năm 2014 của Liên minh Quốc gia về bệnh tinh thần (NAMI), 64% người tham gia thừa nhận tâm lý của họ xấu đi do các kỳ nghỉ lễ.
Ở Việt Nam, chưa có thống kê nào về tình trạng căng thẳng do lễ Tết bởi mọi người chưa có thói quen tìm đến nhà tâm lý. Tuy nhiên, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội) cho rằng, hiện tượng này có tồn tại và năm nay, do Covid-19, người dân sẽ dễ bị căng thẳng ngày Tết hơn.
Sự căng thẳng ngày Tết của người Việt có thể xuất phát từ các nguyên nhân chính sau.
Làm quá nhiều
Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm. Ai cũng muốn căn nhà của mình thật tươm tất, dẫn tới áp lực phải dọn dẹp thật sạch sẽ và trang trí thật đẹp. Chưa kể, việc chuẩn bị các mâm cơm ngày Tết cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Mệt mỏi về thể chất dễ kéo theo căng thẳng về tinh thần.
Chi tiêu quá nhiều
Mùa lễ Tết, chúng ta dễ "vung tay quá trán" để sau đó phải đối mặt với những hậu quả lâu dài như nợ nần. Đặc biệt, do Covid-19, không ít người bị giảm thu nhập song vẫn cố gắng sắm sửa Tết thật đầy đủ tươm tất, từ đó càng tạo ra áp lực tài chính.
"Văn hóa mừng tuổi cũng dễ khiến bạn bội chi", thạc sĩ An nói. "Ví dụ như những trường hợp vì sĩ diện, thấy người ta mừng tuổi con mình bao nhiêu cũng cố mừng tuổi cho con họ như vậy mặc dù điều kiện tài chính không thực sự dư dả".
Quá gần nhau
Tết là dịp gia đình sum họp, nghĩa là các thành viên sẽ dành nhiều thời gian bên nhau hơn. Đây là điều tuyệt vời nhưng ngay cả những gia đình hòa thuận cũng có thể bị "sốc" nhìn thấy nhau quá thường xuyên, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân được khuyến khích ở nhà.
Tương tác quá nhiều, các thành viên gia đình dễ mâu thuẫn về lối sống, cách ứng xử hoặc thậm chí các câu nói của nhau. "Những chuyện nhỏ như quét nhà, rửa bát cũng có thể trở thành cớ để mọi người cãi vã", thạc sĩ An nói.
Sự gần gũi thái quá còn thể hiện ở việc phải gọi điện chúc Tết cho quá nhiều người. Thạc sĩ An từng gặp trường hợp một du học sinh sợ Tết vì cứ về nhà nghỉ lễ là bố mẹ yêu cầu gọi cho toàn bộ họ hàng chúc Tết dù quan hệ giữa họ rất hời hợt, cả năm không nói chuyện, thậm chí chẳng nhớ mặt nhau.
Cô đơn
Trái ngược với sự gần gũi quá mức là sự cô đơn. Trong bối cảnh một số khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh, nhiều gia đình không thể ăn Tết với nhau. Cảm giác cô độc trong khi các gia đình khác vẫn sum vầy dễ dàng khiến con người bị stress. "Bên cạnh đó, những người lần đầu ăn Tết xa quê, ví dụ quê ở Hải Dương mà phải ở lại Hà Nội, có thể cảm thấy lạc lõng, như mình không thuộc về chỗ này", thạc sĩ An phân tích.
Để phòng ngừa stress trong ngày Tết, bạn có thể áp dụng các cách sau đây.
Chấp nhận cảm xúc của mình
"Không cần cứ Tết là phải vui", thạc sĩ An nói. Buồn bã vì năm nay không thể đón Tết với gia đình hay vì mất người thân do dịch bệnh là điều bình thường. Bạn hãy cho phép mình bộc lộ cảm xúc, thậm chí khóc. Đừng ép bản thân vui vẻ chỉ bởi Tết đã đến gần.
Kết nối
Nếu thấy mình lạc lõng và cô đơn, bạn nên chủ động kết nối với người khác. Đó có thể là bạn bè, gia đình hay một nhóm nào đó trên mạng xã hội. Ngay cả trong hoàn cảnh phải hạn chế ra ngoài, bạn vẫn còn nhiều phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính.
Sống thực tế
Tết năm nay có thể không giống như Tết năm ngoái. Một số thứ có thể thay đổi như họ hàng hạn chế đến nhà nhau hơn. Thay vì căng thẳng bởi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, hãy cố gắng tìm các cách khắc phục phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ, người thân và bạn bè chia sẻ hình ảnh, video để có cảm giác vẫn ăn Tết với nhau.
Chấp nhận sự khác biệt
Đừng phủ nhận các thành viên trong gia đình ngay cả khi họ không đáp ứng mọi kỳ vọng của bạn. Hãy tạm gác lại những bất bình cho đến thời điểm thảo luận thích hợp hơn. Và hãy thông cảm nếu người khác tỏ ra khó chịu bởi nhiều khả năng họ cũng đang bị stress do Tết.
Ngoài ra, nên coi nhẹ những câu hỏi như "bao giờ cưới", "lương tháng bao nhiêu" bởi nhiều khi, chúng chỉ là lời hỏi thăm xã giao. Hơn nữa, mỗi người có một quan điểm riêng. Có thể với bạn, 30 tuổi chưa phải là lúc thích hợp để kết hôn nhưng người lớn tuổi lại nghĩ khác. "Không ai cần đúng cả", thạc sĩ An nói.
Chi tiêu hợp lý
Trước khi sắm Tết, hãy thử tính xem bạn có thể chi bao nhiêu tiền, sau đó bám chặt ngân sách của mình. Đừng cố gắng mua niềm vui ngắn hạn bằng những món đồ không cần thiết để rồi mất hàng tháng trời trả nợ.
Bạn cũng không nên cảm thấy tội lỗi nếu mừng tuổi cho người thân ít đi bởi ai cũng biết Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Duy trì thói quen lành mạnh
Để giảm bớt căng thẳng do ngày Tết, hãy duy trì các thói quen lành mạnh như ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, tập hít thở sâu, tránh lạm dụng rượu bia và thuốc lá. Bạn cũng nên điều chỉnh thời gian dành cho mạng xã hội để tránh tiếp nhận quá nhiều thông tin gây stress.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu đã cố gắng mà vẫn cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, mất ngủ, tuyệt vọng trong thời gian dài (khoảng 4-6 tuần) hoặc tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm và diễn biến theo chiều hướng xấu đi, bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý. "Đừng nghĩ những cảm xúc tiêu cực này sẽ biến mất sau Tết bởi nếu đã ở mức độ này, chúng rất có thể sẽ quay lại", thạc sĩ An khuyến cáo.
Minh Trang