Tỷ lệ thừa cân béo phì ở nước ta đang tăng lên. Nhiều người muốn giảm cân nhưng lại thất bại trong quá trình thực hiện. Lý do là từ đâu?
Thạc sĩ Doãn Tường Vi, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 (Hà Nội) cho biết có vài sai lầm cơ bản khiến bạn khó giảm cân, mà lý do đầu tiên là việc muốn giảm thật nhanh.
Muốn giảm cân thật nhanh
Nhiều người muốn giảm cân càng nhanh càng tốt và cố gắng cắt giảm thật nhiều lượng thực phẩm ăn vào. Thực tế, một người đang ăn 4-5 bát cơm mỗi ngày ngay lập tức chỉ ăn một bát sẽ khó thực hiện. Việc giảm ăn cần thực hiện một cách từ từ, có kế hoạch cụ thể, khoa học.
Theo bác sĩ Tường Vi, nếu giảm đột ngột, nhịn ăn, cơ thể lúc nào cũng phải đấu tranh với cái đói, sẽ thấy rất khổ sở, mệt mỏi. Hơn nữa, theo bản năng sinh tồn, sau khi nhịn ăn quá mức, bạn sẽ muốn ăn thật nhiều để bù đắp và sẽ lại tăng cân.
Bạn không tăng cân trong một đêm và sẽ không thể giảm cân sau ngày một ngày hai. Việc luyện tập để giảm cân nhanh chóng cũng thường "dục tốc bất đạt". Việc tập luyện cần phù hợp với thể trạng, tuổi tác, thời gian và làm sao có thể duy trì đều đặn, lâu dài là tốt nhất.
Luyện tập với cường độ cao để giảm cân nhanh thường khiến bạn dễ mệt, dễ nản, thậm chí có thể nguy hiểm. Chẳng hạn, nhiều người cao tuổi vừa béo phì vừa bị đái tháo đường vừa tăng huyết áp tập luyện vài giờ trong ngày, trong khi chỉ định của bác sĩ chỉ là đi bộ bước nhỏ 30 phút mỗi ngày. Hậu quả có thể là hạ đường huyết, tụt huyết áp đột ngột và có thể ngất xỉu, thậm chí đột quỵ.
"Muốn giảm cân thì bạn cần phải kiên trì và có quyết tâm, càng sốt ruột sẽ càng dễ thất bại", bác sĩ chia sẻ.
Ăn nhiều cơm, ít đạm
Với ý nghĩ, những thứ nhiều "chất" sẽ gây tăng cân, không ít người cố gắng ăn thật ít thịt, cá, chỉ dùng cơm, ngô, rau... Carbonhydrate có trong cơm, bánh mì, bột mì, khoai tây, mì, cà rốt, hoa quả, một số loại rau nhiều tinh bột gây tích mỡ ở bụng, mông, đùi. Vì thế muốn giảm cân nên giảm ăn tinh bột từ từ.
Giáo sư Từ Giấy, nguyên viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia từng nói: Vị ngọt của đường lưu lại 5 phút ở miệng nhưng sẽ ở lại dạ dày 30 phút và tích tại mông, đùi tới 3 năm.
Tuy nhiên, không nên nhịn hẳn các thực phẩm chứa đường- bột vì chúng cung cấp glucose - nguyên liệu nuôi não, giúp não bộ hoạt động và phát triển. Ngoài ra, cũng không nên ăn quá nhiều các thực phẩm chứa đạm, vì có thể gây táo bón, rối loạn chuyển hóa... Cần đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất quan trọng là bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Tốt nhất, khi muốn giảm cân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn một chế độ luyện tập và ăn uống phù hợp với mình.
Ăn uống thả phanh sau khi luyện tập
Một phụ nữ 45 tuổi than thở, chị rất chịu khó tập thể dục, sáng đi bộ, tối ăn xong lại đi 1-2 tiếng, nhưng vẫn ngày càng tăng cân. Khi hỏi kỹ, bác sĩ phát hiện, sau mỗi lần tập thể dục, chị thường thấy đói và ăn bù bằng một cốc chè to hay bát cháo vịt.
Một nam giới thừa cân, sau 3 tháng thực hiện giảm cân theo hướng dẫn của bác sĩ và đạt được chút kết quả, đã thở phào nói: "Thế là từ mai tôi có thể ăn uống xả láng rồi, mấy tháng nhịn mồm nhịn miệng khó chịu quá".
Bác sĩ Tường Vi cho biết, những tình huống trên khá phổ biến trong thực tế. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ tập thể dục thì có thể làm cơ thể săn chắc nên ăn bao nhiêu cũng không lo béo. Thế nhưng, muốn giảm cân hay tăng cân thì việc hấp thụ năng lượng phải phù hợp với số năng lượng tiêu thụ. Bạn luyện tập để đốt cháy 1.000 calo nhưng sau đó lại nạp vào số năng lượng cao hơn mức này thì việc tăng cân là điều dễ hiểu.
Với những người vừa đạt kết quả giảm cân đã quay trở lại thói quen ăn uống cũ cũng tương tự. Không ít người thậm chí còn tăng cân nhanh hơn sau đó vì "ăn bù" khoảng thời gian họ cố gắng kiêng khem.
Béo vì "tiết kiệm"
Không ít phụ nữ than thở "tôi chẳng dám ăn nhiều, toàn nhường chồng nhường con hết những thứ ngon, bổ, thế mà lại càng ngày càng béo".
Điều này không khó lý giải. Phụ nữ Việt Nam thường có tính hay nhường nhịn, hy sinh cho người thân. Trong bữa ăn cũng vậy. Nhiều người để dành cho con miếng nạc, mình ăn miếng mỡ, miếng da. Không ít người trong bữa thì ăn ít nhưng khi cả nhà ăn xong thấy đồ thừa thì tiếc, cố ăn nốt. Những việc này khiến họ thu nạp nhiều năng lượng không cần thiết và dễ tăng cân.
Bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh, muốn giảm cân hay giữ nguyên cân nặng, bạn cần kiên quyết không ăn thêm khi đã dùng đủ. Sau bữa ăn gia đình, thực phẩm còn lại có thể để dành cho bữa sau, không nhất thiết phải cố ăn bằng hết. Phụ nữ trung niên vốn đã dễ tăng cân do sự thay đổi nội tiết, nên càng cần có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.
Ngoài ra, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt, chế biến bằng cách luộc hấp. Những thực phẩm này giúp cung cấp vitamin, khoáng chất vào quá trình chuyển hóa các chất, cung cấp chất xơ có vai trò như một chiếc chổi quét các cholesteron xấu và các sản phẩm chuyển hóa không có lợi.
Ăn quá nhanh
Những người thừa cân thường háu ăn và ăn rất nhanh, điều này khiến họ tiêu thụ mức năng lượng nhiều hơn, thậm chí không nhận biết được ngưỡng no để dừng lại. Nên ăn chậm, nhai kỹ, kiểm soát lượng thực phẩm đưa vào cơ thể. Ngoài ra, muốn giảm cân, không nên ăn ngay món khoái khẩu khi vào bữa vì bạn có thể ăn quá nhiều.
Có thể ăn trước một bát rau luộc, salad hay một bát canh, để lưng lửng dạ và ăn ít cơm hơn. Ngoài ra, nên chia nhỏ phần ăn. Chẳng hạn, bình thường bạn hay ăn hai bát cơm cùng thức ăn thì nay vẫn có thể ăn số đó nhưng xới mỗi bát thật ít cơm. Việc này bạn cần nhờ sự trợ giúp của người thân trong gia đình.
Vương Linh