Dù lượn là một môn thể thao mang rất nhiều yếu tố mạo hiểm. Việc chơi dù lượn có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và bản thân người phi công điều khiển. Vì vậy, trong khi tập luyện và chơi, đòi hỏi người chơi phải tập trung, nghiêm túc, nắm vững mọi kỹ thuật và tâm lý vững vàng để đối phó với những bất ngờ xảy đến trên bầu trời.
Kiểm tra kỹ thiết bị trước khi cất cánh
Trước khi bay, bạn nên cùng huấn luyện viên hoặc những người có chuyên môn kiểm tra toàn bộ các thiết bị có liên quan để chắc chắn rằng những thiết bị ấy sẽ hỗ trợ tốt trong quá trình bay. Chỉ một chiếc quai mũ bảo hiểm bị lỏng, một dây dù bị sờn… đều có thể là nguyên nhân khiến bạn gặp phải những tai nạn đáng tiếc.
Quan tâm đặc biệt đến yếu tố thời tiết
Tốc độ gió và thời tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn của buổi bay. Hầu hết vòm dù được thiết kế có tốc độ cao nhất là 40 km/h, nên nếu tốc độ gió đạt khoảng 30 km/h, bạn nên thu dù đợi đến ngày khác thời tiết thuận lợi hơn. Ở địa hình đồi núi, tốc độ gió còn ảnh hưởng đến độ an toàn hơn gấp nhiều lần và bạn phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro cao hơn.
Hiểu rõ điểm bay
Ở dưới mặt đất, bạn có thể hỏi đường, thăm dò và lựa chọn đường đi, nhưng khi đã ở trên bầu trời, bạn chỉ có một mình để phán đoán. Vì vậy, nếu bay ở điểm mà bạn chưa từng bay qua, hãy nghiên cứu kỹ trên internet để tìm mọi thông tin và nắm chắc về điểm bay này. Đồng thời, cần trao đổi với những người am hiểu tường tận địa hình ở đây, những người đã có kinh nghiệm bay trước đó để nắm rõ những mối nguy tiềm tàng và những gì cần phải để mắt tới. Điều nên làm là hãy nói cho họ biết trình độ bay và kinh nghiệm của bản thân để có những thông tin và lời khuyên quý giá.
Rõ ràng, dứt khoát trong mọi quyết định
Nếu còn lăn tăn bất kỳ điều gì về sự an toàn, câu trả lời đưa ra luôn là “không”. “Có thể”, “có lẽ” và những từ ngữ tương tự hoàn toàn không có trong khái niệm dành cho phi công dù lượn.
Biết rõ sức mình tới đâu
Nắm rõ điểm mạnh điểm yếu, lường trước những rủi ro có thể xảy ra với bản thân và biết tự lượng sức mình là vô cùng quan trọng. Vì trình độ bay của mỗi người là không giống nhau nên bạn không nên cố gắng thực hiện các động tác cơ động phức tạp chỉ vì nhìn thấy người khác làm được một cách dễ dàng, trừ khi bạn đã được huấn luyện thành thục và tự tin vào khả năng của mình.
Bảo quản và chăm sóc trang thiết bị
Dây dù cần được kiểm tra về tình trạng hao mòn, chùng hay giãn. Đối với vòm dù, thông thường khoảng sau 2 năm, phải đem vòm dù đi kiểm tra mức độ thẩm thấu khí của vải dù, đo độ sờn của các dây dù... Tuổi thọ của vòm dù phụ thuộc vào số giờ bay. Thông thường sau khoảng 250 - 300 giờ phơi nắng, vải dù sẽ nhũn và để không khí lọt qua nhiều hơn, nên khó cất cánh hơn và kém an toàn hơn. Sau thời gian này người chơi nên nghĩ đến việc thay dù mới cho an toàn.
Thông tin thêm: Dù lượn được 2 phi công người Pháp là Stephane và Didier du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 ở Đà Lạt. Câu lạc bộ dù lượn đầu tiên của người Việt được Phạm Duy Long thành lập năm 2002 lấy tên là Vietwings. Hiện nay, số lượng phi công dù lượn tại Việt Nam khoảng trên dưới 100 người thuộc các câu lạc bộ: Vietwings (2002), Mê Kông (2006), Vietwings Hanoi (2007), Hà Nội Paragliding (2007) và Saigon Flying Club (2010). Các thiết bị cần thiết để "chơi" dù lượn gồm dù, đai ngồi, dù dự phòng, các thiết bị điện tử (bộ đàm, máy định vị toàn cầu GPS, máy đo độ cao) và mũ bảo hiểm. Hiện nay, để sở hữu đầy đủ một bộ dù, người chơi phải bỏ ra trung bình từ 20 đến 60 triệu đồng (tùy bộ mới hay cũ). |
Lê Thương