Thủy tinh thể, hay còn gọi là nhân mắt, là thấu kính hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Do bệnh bẩm sinh hoặc do dùng thuốc (thường là corticoid) hay quá trình lão hóa, thủy tinh thể có thể bị đục, khiến thị lực giảm. Theo khảo sát tại Mỹ, 50% người ở nhóm 65-74 tuổi bị đục thủy tinh thể, tỷ lệ này tăng lên 70% với những người trên 70 tuổi. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, con số này còn cao hơn. Đây là bệnh gây mù lòa hàng đầu trên thế giới. Một khảo sát của bệnh viện Mắt Trung ương trên 16 tỉnh thành cho thấy 66% số người mù là do đục thủy tinh thể. Hiện nay, thay thủy tinh thể được coi là biện pháp duy nhất để người bệnh có thể lấy lại khả năng ghi nhận hình ảnh.
Bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng khoa mắt Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khi bị đục, thủy tinh thể như tấm kính chắn không cho ánh sáng vào mắt, gây tình trạng nhìn không rõ, nhìn lóa, nhìn một thành hai...
Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là phẫu thuật Phaco, lấy thủy tinh thể cũ đã bị đục, thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Đây là phẫu thuật rất nhanh, bác sĩ tay nghề cao, thành thạo có thể chỉ cần thao tác trong 7-10 phút. Tuy nhiên, Bộ Y tế xếp đây là loại phẫu thuật đặc biệt, tương đương với mổ tim, não, ghép tạng vì chi phí cao (so với các phẫu thuật mắt khác), cần sử dụng phương tiện máy móc hiện đại, bác sĩ phải đạt trình độ cao mới có thể thực hiện được. "Mắt là cơ quan rất tinh tế, đòi hỏi sự tinh xảo, chỉ cần sơ sót một chút là không đạt hiệu quả", bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Ông cho rằng, dù được xếp vào nhóm phẫu thuật chi phí cao, một ca mổ thay thủy tinh thể thường cũng chỉ tốn 6-7 triệu đồng, tùy thuộc vào loại thủy tinh nhân tạo thay thế.
Thủy tinh thể nhân tạo có rất nhiều loại, của nhiều hãng khác nhau, giá thành chênh lệch có thể từ vài triệu tới vài chục triệu. Các loại thuỷ tinh thể nhân tạo thông thường chỉ cho phép bệnh nhân nhìn rõ vật ở một khoảng cách nhất định. Nếu ưu tiên thị lực nhìn xa (nhìn xa, xem tivi) thì khi nhìn gần (đọc sách báo), bệnh nhân cần phải đeo kính hỗ trợ nhìn gần (kính lão thị). Nếu ưu tiên thị lực nhìn gần thì khi nhìn xa bệnh nhân phải đeo kính cận thị. Ngoài ra, còn có các loại thủy tinh cao cấp với các tính năng đặc biệt như có thể nhìn rõ cả xa cả gần, loại khử tình trạng loạn thị...
Đây là phẫu thuật không đau, không chảy máu, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày, phục hồi nhanh. Sau mổ, bệnh nhân cần tuân thủ sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê, tránh bụi bẩn, tránh các chấn thương, va đập và tái khám theo lịch hẹn để có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường, nếu có và điều chỉnh kịp thời. Đối với những người thay các loại thủy tinh thông thường (chỉ nhìn rõ vật ở khoảng cách nhất định) sau một tháng phẫu thuật - khi khúc xạ đã ổn định, cần đến khám thị lực để được cấp kính nhìn gần (hoặc xa).
Ở Việt Nam, nhiều người thường mổ thay thủy tinh thể muộn (so với nhiều nước trên thế giới), khi nhân mắt đã đục đen. Việc này khiến phẫu thuật thay thủy tinh thể khó khăn hơn, có thể gây biến chứng tăng nhãn áp do phồng thủy tinh hoặc thoát nhân ra ngoài bao. Bệnh nhân tiểu đường làm đục thủy tinh thể nhanh hơn nên người bệnh cần mổ sớm hơn và theo dõi sát sao.
Bác sĩ Sơn cho biết, có khoảng 10-15% bệnh nhân sau mổ thay thủy tinh thể mờ mắt trở lại do đục bao sâu, gây giảm thị lực. Tình trạng này có thể xử lý được bằng cách sử dụng laze củng cố. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân khi thấy mờ lại không đi khám để được điều chỉnh.
Ngoài ra, một số trường hợp sau mổ một thời gian mắt mờ đi, không nhìn được do các nguyên nhân khác chứ không phải chất lượng mổ hay thủy tinh nhân tạo như người bệnh bị tiểu đường, có bệnh về đáy mắt hoặc viêm màng bồ đào, tăng huyết áp gây vỡ mạch máu...
"Tay nghề và tâm huyết của bác sĩ cũng đóng vai trò quan trọng giúp giảm các biến chứng hay tỷ lệ mắt mờ lại sau mổ thay thủy tinh thể", bác sĩ Sơn cho hay.
Vương Linh