Chọn địa điểm, mặt bằng kinh doanh
Đây là lựa chọn quan trọng vì ảnh hưởng tới thành bại cũng như mọi quyết định sau này của bạn. Bạn phải xác định rõ các tiêu chí sau khi lựa chọn: thành phần cư dân, thu nhập và mức sống. Điều này giúp bạn lựa chọn phân khúc hàng bình dân hoặc cao cấp. Nếu có hướng cụ thể mới tìm nguồn hàng để từ đó tính chi phí đầu tư ban đầu, chi phí cần thiết mỗi tháng và giá bán.
Đồ trẻ con cũng có nhiều loại, nhiều cấp bậc khác nhau, tùy theo thị hiếu tiêu dùng ở khu bạn kinh doanh. Ví dụ nơi bạn mở cửa hàng là khu dân trí và thu nhập cao thì mặt hàng kinh doanh của bạn phải đẹp, chất lượng. Còn khu bạn mở cửa hàng mà chủ yếu là người có thu nhập bình dân thì phân khúc sản phẩm chất lượng và giá cả chỉ tương đối...
Chị Duyên, một người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này chia sẻ nên chọn những cửa hàng ở khu dân cư đông đúc nhưng không quá gần các siêu thị. Các bà mẹ thường có tâm lý thích đi mua sắm ở gần nhà. Nếu cửa hàng quá gần các siêu thị, lượng khách hàng có thể bị phân tán.
Về mặt bằng, không nhất thiết là diện tích phải rộng bao nhiêu vì còn tùy vào quy mô cửa hàng của bạn. Tuy nhiên, mặt bằng không nên quá nhỏ để bày biện, tạo không gian thoáng, nhiều màu sắc cho cửa hàng.
Chọn tên cửa hàng
Bạn nên chọn những cái tên gần gũi với bé, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Có thể là tên tiếng Anh hoặc tiếng Việt đều được nhưng khi nhắc đến nó, khách hàng có thể liên tưởng ngay đến mặt hàng bạn đang kinh doanh. Tên cửa hàng cũng có thể gợi cho khách về quy mô, số lượng sản phẩm... Bên cạnh đó, không nên chọn những cái tên quá dài, phức tạp hoặc khó nhớ, khó phát âm.
Chọn sản phẩm
Tâm lý của bất cứ ông bố bà mẹ nào khi đi sắm đồ sơ sinh cho bé đó là muốn mua được đầy đủ đồ đạc tại một cửa hàng. Do đó, để thành công, cửa hàng của bạn nên đáp ứng được tiêu chí đầy đủ và đa dạng về mặt hàng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thành công nếu chỉ chọn bán một nhóm sản phẩm ví dụ như đồ chơi, quần áo, thời trang, các sản phẩm chăm sóc bé.... Điều quan trọng là bạn phải làm cho danh mục hàng hóa ngày một giàu có.
Sự đa dạng về chủng loại cũng cần được ưu tiên. Chủng loại sản phẩm khác nhau có thể nhằm phục vụ những sở thích khác nhau. Có một đặc điểm của những ông bố, bà mẹ khi mua đồ cho con là luôn chọn những sản phẩm có tên tuổi, xuất xứ rõ ràng, và gắn bó với một vài thương hiệu mà họ cho là chất lượng tốt. Do đó, để phục vụ được nhiều đối tượng của khách hàng, bạn phải làm cho cửa hàng của mình giàu có sản phẩm.
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu kinh doanh, bạn đừng vội ôm đồm nhiều thứ vì như vậy vốn dàn trải, hàng hóa khó phong phú, không nhập được hàng liên tục. Với cửa hàng mới mở, số vốn và kinh nghiệm còn hạn chế, chưa nắm được xu hướng thị trường nên trước mắt bạn nên nhập các mặt hàng thiết yếu nhất cần cho mẹ và bé.
"Bước tiếp theo bạn nên làm đó là tìm kiếm và chọn lọc được nhà cung cấp hoặc bán buôn tiềm năng. Việc chọn lựa đơn vị nào sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của bạn. Do đó, bạn nên tìm hiểu và so sánh kỹ lưỡng", lãnh đạo một hệ thống siêu thị tại Hoàn Kiếm chia sẻ.
Tài chính
Đây là một việc làm không thể thiếu khi bắt tay vào kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào. Với kinh doanh đồ trẻ em, bạn cũng phải dự trù chi phí cố định như thuê mặt bằng, quầy, kệ, vốn nhập hàng... Ngoài ra, bạn cũng nên tính toán cả vòng quay của vốn, dự kiến tỷ lệ lợi nhuận….
Thiết kế, bài trí cửa hàng
Một trong những đặc điểm quan trọng của những người kinh doanh chuyên nghiệp là phải tạo được màu sắc riêng cho cửa hàng của mình. Với các sản phẩm dành cho trẻ em, điều này càng trở nên quan trọng.
Đặc điểm chung của mặt hàng này là những màu sắc sinh động, hình thù ngộ nghĩnh... Bạn nên lựa chọn biển hiệu, màu sắc trang trí cho cửa hàng dựa trên những tiêu chí đó, đồng thời làm sao để không bị "lẫn" với những thương hiệu khác hoặc cửa hàng xung quanh.
Lựa chọn và đào tạo nhân viên
Nhân viên trực tiếp bán hàng cần phải hiểu sở thích và biết lựa chọn hàng hóa phù hợp đối với lứa tuổi của bé. Ngoài ra, họ phải là người cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm tốt bởi vì các sản phẩm dành cho trẻ thường rất dễ hư hỏng hay vỡ... Bên cạnh đó, nhân viên phải có những phẩm chất mà bất kỳ người bán hàng nào cũng cần như giao tiếp tốt, nhẹ nhàng, cởi mở.
Bạn cũng cần xây dựng cho mình một chiến lược chăm sóc khách hàng tốt, tư vấn tỉ mỉ, cụ thề vì hiện các sản phẩm dành cho trẻ em đang phải cạnh tranh khá mạnh. Nếu công tác này làm tốt, bạn mới ghi điểm được với khách và kéo họ về phía mình.
Ngọc Minh