Khác với du học cử nhân hay thạc sĩ, bậc tiến sĩ yêu cầu cao hơn rất nhiều về cả khía cạnh học thuật và kinh nghiệm nghiên cứu. Do đó, quá trình chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển cần sự đầu tư kỹ lưỡng, từ tìm hiểu trường, quyết định hướng nghiên cứu... đến rèn luyện kỹ năng học thuật. Đồng thời, việc tham vấn từ những người có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm cũng sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích. Việc này không chỉ gia tăng khả năng thành công khi nộp đơn đăng ký, mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho quá trình nghiên cứu sau này.
Tìm hiểu về giáo sư, người hướng dẫn
Giáo sư hướng dẫn (supervisor) là người đồng hành cùng nghiên cứu sinh trong suốt quá trình nghiên cứu bậc tiến sĩ. Vì vậy, sau khi xác định mục tiêu, người học cần tìm supervisor có cùng mối quan tâm để nhận hướng dẫn và hỗ trợ trong quá trình làm luận án, thúc đẩy quá trình hiện thực hóa ý tưởng.
Chị Lê Thị Hoài Ân - Tiến sĩ ngành Xây dựng tại Đại học Massey (New Zealand) cho biết, bản thân bắt đầu tìm hiểu về các giáo sư từ website của trường trước. Tiếp đến, chị tìm đọc các công bố (publication) những năm gần đây để hiểu rõ hơn định hướng nghiên cứu của giáo sư từ đó, tìm ra người hướng dẫn phù hợp cho luận án của mình.
Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, nữ tiến sĩ chỉ gửi thư nguyện vọng cho một giáo sư duy nhất ở mỗi trường. Trong thư, chị cũng chủ động đề xuất về việc cân nhắc giới thiệu bản thân với những giáo sư khác nếu không phù hợp. "Cách này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc cùng lúc gửi thư nguyện vọng cho nhiều giáo sư tại cùng trường. Nhưng trên quan điểm cá nhân, tôi thích cách này hơn", chị khẳng định.
Sau khi gửi thư, sinh viên và các giáo sư thường có buổi phỏng vấn, trò chuyện trực tiếp để hai bên hiểu nhau hơn. Lúc này, ngoài thảo luận về đề tài muốn làm, chị Hoài Ân còn trao đổi về kỳ vọng của giáo sư đối với nghiên cứu sinh, quan điểm nghiên cứu. Qua đây, chị hiểu biết khái quát về người hướng dẫn, bao gồm việc giáo sư là người chú trọng quá trình hay kết quả; theo đuổi nghiên cứu lý thuyết hay ứng dụng để giải quyết vấn đề thực trạng; coi trọng số lượng công bố, hay ý nghĩa sự đóng góp của nghiên cứu.
Theo chị, đây là là một cơ hội tốt để nghiên cứu sinh hiểu thêm về người sẽ đồng hành cùng mình trong công việc từ 3 đến 4 năm. "Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc mất thời gian trong quá trình học tập và nghiên cứu sau này. Vì trên thực tế, mình có biết một vài trường hợp đã phải đổi giáo sư hướng dẫn sau 1, 2 năm làm việc cùng do khác biệt về quan điểm", chị nói thêm.
Ngoài ra, ứng viên có thể tìm hiểu thêm về phong cách làm việc, hướng dẫn của giáo sư thông qua các nghiên cứu sinh đang được họ đồng hành. Các bạn có thể tìm thông tin về tiền bối trên website riêng của giáo sư hoặc trường.
Nhờ chiến lược phù hợp cùng chút may mắn, chị Hoài Ân đã tìm được giáo sư hướng dẫn khá phù hợp. Chị đã thuận lợi bảo vệ thành công luận án vào tháng 7/2021 và đang làm Nghiên cứu sau tiến sĩ (Postdoc) tại Đại học Massey.
Chuẩn bị đề cương nghiên cứu
Đề cương nghiên cứu (Research proposal) là yếu tố rất quan trọng trong quá trình nộp đơn ứng tuyển chương trình tiến sĩ, đặc biệt là khi xin học bổng. Qua đây, ứng viên trình bày ý tưởng, định hướng và ý nghĩa lĩnh vực nghiên cứu,thể hiện năng lực của bản thân. Xây dựng đề cương nghiên cứu chi tiết có thể giúp tăng cơ hội thành công cho các nghiên cứu sinh tương lai.
Ngay cả trước khi tìm kiếm một chương trình học ở nước ngoài, ứng viên cần nắm chắc về lĩnh vực nghiên cứu dự định làm. Theo đó, trong quá trình làm đề cương, các bạn nên đọc nhiều tài liệu, từ đó, tìm hiểu về những khoảng trống nghiên cứu trong các lý thuyết hay công trình trước đây, cũng như xác định kinh nghiệm, tiềm lực của bản thân phù hợp với lĩnh vực nào. Như vậy, việc chọn đề tài và hướng nghiên cứu sẽ dễ dàng hơn.
Chị Nông Thị Thúy Hà - Tiến sĩ Phát triển nông thôn tại Đại học Lincoln (New Zealand) lưu ý , các nghiên cứu sinh tương lai cần nhận thức về tầm quan trọng của nguồn số liệu. Trong quá trình chuẩn bị, ứng viên nên tập trung trả lời những câu hỏi "xương sống" về số liệu, bao gồm công cụ, phương pháp, thời gian, lộ trình thu thập và chuẩn bị cho việc phân tích, báo cáo kết quả. Điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho đề cương nghiên cứu, đồng thời, giúp ứng viên phân bổ thời gian và nguồn lực khoa học hiệu quả hơn. "Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể đưa ra phương án giải quyết các khó khăn trong quá trình học Tiến sĩ dựa trên nền tảng hiểu biết về nguồn số liệu cho đề tài nghiên cứu", chị nhấn mạnh.
Nhờ đó, chị Thúy Hà đã hiện thực hóa ước mơ của mình. Chị ấp ủ dự định du học tiến sĩ tại New Zealand từ năm 2013. Khi phỏng vấn không thành công vào năm 2014, chị tiếp tục trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là đề cương nghiên cứu. Kết quả, chị đã nhận được học bổng từ Chính phủ nước này sau đó một năm.
Chị chia sẻ, New Zealand nổi tiếng với các ngành học liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn - lĩnh vực chị có nhiều kinh nghiệm. "Tuy việc học tiến sĩ là một quá trình dài hạn và nhiều thử thách, nhưng thời gian làm nghiên cứu sinh tại New Zealand là quãng thời gian đáng quý nhất của tôi", chị nói thêm.
Trau dồi năng lực nghiên cứu
Quá trình học tiến sĩ đòi hỏi sinh viên cần có kỹ năng nghiên cứu. Do đó, các ứng viên có thể trau dồi bằng cách tìm hiểu, tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ năng học thuật hay dự án nghiên cứu trước khi quyết định du học. Bên cạnh đó, việc tự trang bị trước một số kiến thức nền tảng về toán thống kê và số liệu học cũng rất cần thiết, bên cạnh quá trình tìm hiểu và chuẩn bị đề tài nghiên cứu.
Với quan niệm tuổi trẻ là để trải nghiệm, học hỏi và phát triển bản thân, Bùi Thị Phương Thảo, nghiên cứu sinh ngành Phát triển Xây dựng tại Đại học Massey, luôn nuôi dưỡng ước mơ học bậc Tiến sĩ sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Anh. Chia sẻ về trải nghiệm của mình, chị Phương Thảo cho biết, thời gian trở về Việt Nam từ Anh, bản thân vẫn nuôi dưỡng ý định học lên Tiến sĩ nên đã trau dồi kiến thức, đồng thời, xây dựng hồ sơ nghiên cứu. "Nỗ lực đã được đền đáp, tôi nhận được học bổng bao gồm 100% học phí và sinh hoạt phí hàng năm từ Đại học Massey, New Zealand", chị kể lại.
Từng trải nghiệm qua nhiều môi trường học thuật, chị nhận định, một trong những vấn đề khó khăn của người học Tiến sĩ là tiếp cận, trau dồi các phương pháp và kỹ năng cần thiết cho công việc nghiên cứu kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, các trường đại học tại New Zealand nói chung, Đại học Massey nói riêng đều có nhiều hỗ trợ khác nhau liên quan đến kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, chị khuyên các bạn chưa tự tin về yếu tố này nên tìm hiểu kỹ những chương trình hỗ trợ phù hợp tại các trường đại học.
Cụ thể, các đơn vị tại đây có nhiều chính sách hỗ trợ dành riêng cho nghiên cứu sinh bao gồm khóa học và đào tạo về kỹ năng nghiên cứu cùng nhiều kỹ năng mềm quan trọng khác. Hơn hết, các chương trình này hoàn toàn miễn phí và được phân chia phù hợp cho các nhóm nghiên cứu sinh từ năm nhất đến năm cuối. Tận dụng ưu thế này, chị Phương Thảo đã dành nhiều thời gian trong năm đầu tiên để tham gia hầu hết các khóa học đào tạo tại trường, từ kỹ năng viết đánh giá tài liệu đến thu thập số liệu, viết luận văn, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình...
Hiện tại, chị Phương Thảo tự tin hơn rất nhiều trong quá trình làm việc. Kết quả nghiên cứu bước đầu của chị đã được công nhận bởi Hiệp hội các nhà nghiên cứu trong quản lý xây dựng quốc tế. Đồng thời, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã thông qua các bài báo công bố của chị tại các hội thảo và tạp chí quốc tế.
Nhật Lệ
Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, độc giả có thể đăng ký tham gia hội thảo "Ask new anything: The PhD journey" do Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand) tổ chức. Sự kiện diễn ra vào lúc 10h -11h sáng thứ Bảy, ngày 22/1 trên nền tảng Zoom. Tại đây, người tham gia có thể giao lưu cùng Tiến sĩ Xây dựng - Lê Thị Hoài Ân, nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Massey, New Zealand.
Độc giả đăng ký chương trình tại đây.