Thuộc nằm lòng những "bí quyết" sau sẽ khiến du khách có chuyến du lịch thoải mái và dễ chịu.
Trang phục và thời tiết
Tùy vào thời gian mà bạn đến châu Âu để chuẩn bị hành lý cho phù hợp. Nhưng tốt nhất là phải có giày loại nhẹ, đế mềm thuận tiện để di chuyển. Quần áo nên là quần jean, áo thun, và một chiếc khăn choàng hay áo khoác nhẹ để đề phòng bất cứ thời tiết thay đổi nào.
Lên kế hoạch và đặt vé sớm
Nếu xác định đi châu Âu, nên đặt phòng khách sạn, vé tàu, máy bay... sớm ít nhất 3 tháng để bạn có thể được hưởng những tiện nghi và ưu đãi như giá rẻ.
Tiền bạc
Thường ở các nước châu Âu, người ta sử dụng loại tiền chung phổ biến là euro, bạn cũng có thể dùng bảng Anh nhưng không nên mang theo USD vì ở đây không nhiều người, nhiều cửa hàng dùng USD. Ở hầu hết các sân bay đều có quầy đổi tiền nhưng tốt nhất bạn nên chủ động đổi tiền ở nhà, vì nếu đổi ở các sân bay hoặc các nơi đổi tiền, tỷ giá khá thấp.
Ở châu Âu, hệ thống thẻ tín dụng được sử dụng rộng rãi và được chấp nhận ở hầu hết mọi nơi, bạn nên mang theo thẻ tín dụng, không nhất thiết phải mang theo nhiều tiền mặt.
Mang theo thuốc trị bệnh
Chi phí y tế tại châu Âu rất đắt, và bạn phải có hóa đơn của bác sĩ mới mua được thuốc. Vì vậy nên mang theo thuốc đặc trị cho những chứng bệnh riêng như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, đường ruột...
Phương tiện giao thông
Phương tiện giao thông ở các nước châu Âu rất thuận tiện. Bạn luôn hết sức lưu ý khi đi bộ, băng qua đường và phải luôn đi trên vỉa hè hoặc phần đường dành cho người đi bộ.
Nếu đi taxi phải cài dây an toàn. Đi xe buýt tiện lợi và giá rẻ nhưng bạn cần phải nắm rõ được lịch trình của từng chuyến. Xe điện ngầm cũng là một phương tiện thuận lợi và nhanh chóng, nhưng bạn cũng phải tìm hiểu kỹ lịch trình. Nên nhớ là không bao giờ hút thuốc trên xe.
Đừng hy vọng có nhiều đá trong đồ uống
Thường nhân viên phục vụ chỉ bỏ 2 viên đá nhỏ vào trong đồ uống của bạn. Nếu hỏi xin thêm, cũng chỉ được thêm 2 viên nhỏ nữa.
Điện thoại
Bạn đừng nên gọi điện thoại từ khách sạn vì rất đắt tiền. Tốt nhất nên mua thẻ điện thoại (telecard) để gọi hay mua sim card để sử dụng. Nhưng nên nhớ là bạn phải xuất trình passport khi mua.
Tiền tip và thuế
Tại Anh hay Italy, tiền tip thông thường khoảng 10%. Ở Tây Ban Nha, ở các nhà hàng, tiền tip từ 7-13% tùy vào mức độ dịch vụ mà bạn nhận được. Ở Pháp, nếu thấy có dòng chữ “Service compirs” ở dưới cùng của hóa đơn có nghĩa thực khách không cần phải tip, tùy vào sự hào phóng khách có thể tự tip thêm. Ở Đức, không nên đề nghị các tiếp viên trả lại bạn vài cent tiền thừa vì họ sẽ nghĩ rằng mình phục vụ không tốt.
Rất nhiều nhà hàng ở châu Âu thường tiền tip đi kèm trong hóa đơn và luôn cả thuế và du khách không phải trả một khoản nào. Tuy nhiên, tiền tip vẫn được hoan nghênh tại đây.
Hàng giả
Tại châu Âu, bạn có thể gặp rắc rối với hải quan nếu mua túi xách, giày dép... các thương hiệu nổi tiếng mà không phải mua ở cửa hàng chính hãng. Ở Việt Nam thường có nhiều các loại hàng nhái của các hãng nổi tiếng như LV, Prada..., tốt nhất bạn không nên mang theo túi xách, giày dép nhái... của các hãng này khi du lịch ở châu Âu.
Anh Phương
Ảnh: Sắc Việt