Ảnh: P.N. |
Ngoài việc đi khám thai đầy đủ, siêu âm..., thai phụ cần lưu ý một số điều sau để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ cũng như tăng cảm giác hài lòng với thời kỳ thai sản:
1. Tăng cân hợp lý
Từ những năm 1970, các chuyên gia khuyến cáo nên tăng ít nhất 11,5 kg để phòng đẻ non và thai kém phát triển. Đến năm 1990, Học viện Y học Mỹ khuyến cáo tăng cân theo chỉ số cơ thể (BMI) trước khi có thai.
Phụ nữ có BMI bình thường (18,5-23,9) nên tăng 11,5-16 kg. Với những chị em gầy, BMI < 18,5 thì nên tăng trên 16 kg. Ngược lại với những trường hợp thừa cân, béo phì BMI > 24 thì chỉ nên tăng 7-11,5kg. Chỉ số cơ thể được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao.
Tăng cân quá mức liên quan đến tiểu đường, tiền sản giật ở mẹ. Đối với thai thì gây thai to, phì đại cơ tim, nguy cơ trẻ béo phì sau này. Tình trạng phù chân do tư thế thường gặp ở những tháng cuối do tử cung chèn ép. Trong trường hợp này, chị em có thể kê cao chân, nằm nghiêng trái làm giảm phù, giúp tăng cường tuần hoàn từ tĩnh mạch chân về hệ thống tuần hoàn trung tâm.
2. Du lịch
Thai phụ không nên ngồi quá lâu vì nguy cơ ứ trệ tĩnh mạch và tắc mạch. Thông thường chị em không nên ngồi quá 6 giờ, 2 giờ nghỉ một lần để vận động đi lại trong khoảng 10 phút. Ngoài ra nên uống nước nhiều, đi tất có tác dụng đàn hồi nâng đỡ.
3. Tiêm phòng
Thai phụ nên tiêm phòng uốn ván. Các vắcxin chế từ virus sống, giảm độc lực không nên sử dụng vì nguy cơ đối với thai nhi.
4. Đau rát vùng dạ dày
Đây là dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ mang thai do giãn cơ thắt thực quản. Ăn nhiều cũng là một yếu tố. Vì thế, thai phụ nên chia nhỏ phần ăn, không nên đi nằm ngay sau ăn và dùng gối kê cao.
5. Tê, nặng chân
Biểu hiện này gặp ở 10-20% phụ nữ mang thai ở nửa sau thời kỳ thai nghén. Thường gặp khi bắt đầu ngủ, cảm giác tê chân hay khó chịu, muốn cử động chân, tuy nhiên mọi cử động không làm giảm triệu chứng này. Người thiếu máu, thiếu sắt có nguy cơ bị rối loạn này, vì thế điều trị thiếu máu có thể giúp làm giảm triệu chứng. Ngoài ra, chị em cần lưu ý tránh uống cafe, chè, sô đa sau buổi trưa.
6. Chuột rút
Nếu bị chuột rút, gây khó chịu thai phụ có thể uống magnesium lactat hoặc citrat sáng và tối trong 3 tuần. Ngoài ra có thể dùng phối hợp với vitamin tổng hợp.
7. Đau thần kinh tọa
Thai phụ thấy đau từ sau mông lan xuống đùi và kết thúc ở bàn chân, có cảm giác tê bì chân bị đau, thường chỉ bị một bên. Biểu hiện này thường chỉ gặp ở khoảng 1% thai phụ, nguyên nhân là do thoát vị đĩa đệm hoặc do tử cung chèn ép.
8. Táo bón
Đây là biểu hiện sinh lý trong khi có thai do giảm nhu động ruột và phân rắn hơn. Vì thế thai phụ nên chọn chế độ ăn với nước hoa quả tươi, rau củ, uống nhiều nước.
Nếu điều chỉnh chế độ ăn không được thì cần cho thêm thuốc làm mềm phân: các chất xơ Metamucil hoặc thuốc tác dụng bề mặt như Colace (docusate), ít khi dùng thuốc gây sổ do tác dụng phụ (tiêu chảy, đau bụng).
9. Đau lưng
Đau lưng gặp ở trên 50% phụ nữ mang thai. Nguyên nhân có thể do tăng cân, lưng cong quá về phía trước, giãn dây chằng do tăng relaxin và estrogen. Vì thế để phòng đau lưng, chị em nên kiểm soát việc tăng cân, tập thể dục đều trước khi mang thai. Ngoài ra cũng cần chú ý đi giày đế thấp, mềm, nghỉ ngơi có kế hoạch, gác chân cao, đeo băng không chun giãn dành cho phụ nữ mang thai giúp giảm đau.
10. Khám sau sinh
6 tuần sau sinh chị em nên đi khám để đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất và tâm lý. Từ đó có thể được bác sĩ tư vấn thêm về nuôi dưỡng cũng như cách tránh thai.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tân Sinh
Bệnh viện Bạch Mai