Buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Phòng bệnh sau mưa lũ" thu hút sự chú ý của độc giả với hàng trăm câu hỏi gửi về chương trình. Trong hai tiếng, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, giảng viên Đại học Y Hà Nội; Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương giải đáp những thắc mắc xung quanh cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, cách phòng bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, các bệnh viêm đường hô hấp... Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
- Các bệnh da liễu thường gặp sau mùa bão lũ là những bệnh nào thưa bác sĩ? (Trúc, 23 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, giảng viên Đại học Y Hà Nội:Sau bão lũ, người dân thường có nguy cơ gặp chấn thương da, mô mềm trong quá trình lội nước, tiếp xúc với vật sắc, nhọn hoặc nguy cơ tai nạn về điện. Bên cạnh đó, nguy cơ bị da nhiễm trùng tăng cao. Các bệnh lý nhiễm trùng thường gặp do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng như: Viêm nang lông, chốc, nấm da, ghẻ... Đặc biệt ở các bệnh nhân có bệnh lý nền như tiểu đường, suy giảm miễn dịch thì nguy cơ mắc bệnh lý trên càng tăng cao. Những chấn thương da, mô mềm tạo điều kiện thuận lợi cho những bệnh lý nhiễm trùng này.
Nhóm bệnh da thường gặp tiếp theo là viêm da tiếp xúc. Sau những đợt mưa lũ, nước lũ chứa hóa chất, nước thải, dầu, xăng, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa... từ các nhà máy, đồng ruộng, hộ gia đình đều có thể gây ra triệu chứng liên quan đến viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, người dân sẽ dùng chất sát khuẩn chứa cồn tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc nặng hơn ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý viêm da tiếp xúc bàn tay.
Ngoài ra, những người dân có bệnh lý da nền như viêm da cơ địa, vảy nến thì việc tiếp xúc với nước lũ có thể làm bệnh lý nền nặng hơn. Trong thời gian đối mặt với bão lũ, người dân còn gặp căng thẳng, lo âu, trầm cảm nhẹ... Những yếu tố này làm bệnh lý da nặng lên.
- Bác sĩ cho em hỏi cách điều trị viêm nang lông ở vùng da cánh tay với ạ. Trước e đi công tác ở miền trung, về nhà e bị viêm nang lông ở 2 cánh tay. (Thu Phượng, 25 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Đầu tiên phải xác định chính xác tình trạng ở cánh tay của bạn là dày sừng nang lông hay là viêm nang lông. Bệnh lý dày sừng nang lông không liên quan đến việc đi công tác ở miền Trung rồi về nhà bị mà liên quan đến cơ địa. Tình trạng dày sừng nang lông hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn nhưng có biện pháp hỗ trợ giúp cải thiện bệnh. Bạn có thể dưỡng ẩm da thường xuyên đều đặn bằng các chất dưỡng ẩm có thành phần urea cao đặc biệt trong những ngày thời tiết hanh khô, tẩy tế bào chết toàn thân khoảng hai lần một tuần. Một số loại thuốc bôi có thành phần acid salycilic hoặc tretionin có tác dụng bạt sừng bong vẩy, làm giảm đi tình trạng dày sừng ở cổ nang lông, giúp cải thiện bệnh.
Nếu bệnh dày sừng nang lông không được điều trị đúng và kịp thời dễ dẫn đến tình trạng viêm nang lông. Bạn cần đến khám ở các bệnh viện, phòng khám da liễu uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng.
- Cháu bị mụn do virus Herpes từ nhỏ rồi. Cứ mùa đông lạnh mụn lại mọc lên rất khó chịu và lâu khỏi. Gia đình cháu vừa trải qua đợt bão lũ, mong bác sĩ tư vấn cho cháu cách điều trị dứt điểm ạ? (Thúy Hà, 18 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Bệnh mụn nước do virus Herpes simplex thường hay tái phát, đặc biệt là vào mùa thu đông. Việc này có thể không liên quan gì đến việc bạn ở vùng mới trải qua đợt bão lũ. Những yếu tố tạo điều kiện cho bệnh lý mụn nước do virus Herpes simplex tái phát thường liên quan đến thể trạng, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu... Để tránh tình trạng này bạn cần chú ý vấn đề dinh dưỡng, hoạt động thể lực, nâng cao thể trạng, đặc biệt là vào mùa thu đông.
- Cần chú ý về dinh dưỡng như nào để phòng bệnh sau bão lũ ạ? (Phương Mai, 32 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:
Như các bạn biết, sau mưa lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn ở trong nước, chất thải của người và động vật. Do đó, người dân cần đặc biệt lưu ý cần ăn chín, uống sôi, không nên ăn rau sống trong giai đoạn này. Với những người có cơ địa đặc biệt: người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là sau mưa lũ, trong thời gian chịu đói, chịu rét dễ có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều hơn bình thường. Vì vậy, họ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, đạm, đường, chất béo.
Khi có biểu hiện đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng cần thông báo ngay cho y tế cơ sở để các bác sĩ tư vấn để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Trẻ em có nguy cơ những bệnh gì về đường hô hấp sau bão lũ thưa bác sĩ (Anh Tài, 22 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Sau bão lũ, trẻ em là một trong những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp cao do các em có sức đề kháng non yếu, sau một thời gian chịu lạnh kéo dài, dinh dưỡng không đầy đủ. Các bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ trong thời gian này như: cúm, viêm họng cấp, viêm amidan, viêm phế quản phổi, viêm phổi... Do đó để phòng bệnh sau mưa lũ, các em cần chú ý giữ ấm cổ họng, vệ sinh họng miệng bằng các nước muối, nước sát khuẩn thông thường, dinh dưỡng đầy đủ.
- Bác sĩ cho biết cách phòng dịch đau mắt đỏ sau lũ lụt ? (Xuân Lan, 36 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Bệnh đau mắt đỏ có thể do vi khuẩn, virus có trong nguồn nước ô nhiễm gây viêm giác mạc mắt và có thể thành các ổ dịch nhỏ. Vì vậy, để phòng tránh dịch đau mắt đỏ, người dân cần vệ sinh mắt bằng nước muối vô khuẩn. Khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần được thăm khám và tư vấn, điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Người dân không dùng chung khăn rửa mặt với người đau mắt đỏ, thường xuyên vệ sinh tay bằng các thuốc sát khuẩn thông thường vì bệnh thường lây qua đường tiếp xúc.
- Biểu hiện bị ghẻ khi phải sống trong những vùng bị lũ lụt như nào ạ? Cách phòng và chữa bệnh này? (Xuân Tưởng, 32 tuổi)
- Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Bệnh ghẻ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào sống ở vùng có điều kiện vệ sinh kém, không chỉ vùng sau bão lũ. Biểu hiện của bệnh ghẻ là: các mụn nước, sẩn đỏ riêng rẽ xuất hiện ở các vùng da mỏng như: kẽ tay, kẽ chân, nếp cổ tay, nếp vú, sinh dục... Bệnh nhân thường ngứa nhiều về đêm, có thể gây mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh ghẻ rất dễ lây lan giữa những người tiếp xúc gần, dùng chung chăn, màn, giường, chiếu, quần áo...
Để điều trị bệnh ghẻ cần luộc, giặt nóng chăn, màn, ga, quần áo của người bệnh và áp dụng với tất cả những người trong gia đình, tiếp xúc gần và có biểu hiện tương tự. Ngoài ra, cần dùng các thuốc bôi như: permethrin, dung dịch DEP. Một số trường hợp có thể cần dùng thêm thuốc bôi có chứa thành phần corticoid. Điều trị giảm ngứa bằng các thuốc kháng histamin.
Để phòng bệnh cần giữ vệ sinh môi trường sống đặc biệt là ở môi trường tập thể như: trường học, nhà trẻ, ký túc xá, bệnh viện. Khi có triệu chứng nghi ngờ, bạn cần đi khám ở cơ sở y tế hoặc bệnh viện da liễu uy tín để được chẩn đoán đúng và điều trị sớm.
- Cách đây hai tuần cháu có về quê ở Nghệ An, ở quê được hai ngày cháu bắt đầu có hiện tượng ngứa rát vùng da cổ và da mặt nhưng không hề ban đỏ hay nổi mề đay, chỉ ngứa và rát khi cháu cọ vào quần áo hay đưa tay lên mặt gãi. Sau đó cháu nghĩ hay do nguồn nước nên cháu trở lại nhà cháu luôn, cho đến nay đã hơn một tuần nhưng cháu vẫn ngứa và rát mỗi khi chạm tay vào mặt cổ đặc biệt nhiều về đêm. Vùng da thì vẫn như bình thường chỉ là cảm giác châm rát và ngứa rất khó chịu, có đêm cháu không ngủ được vì ngứa. Cháu có uống viên kháng histamin và bôi clobetasol nhưng không đỡ. Mong bác sĩ tư vấn cho cháu ạ. (Bạch Long, 17 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Tình trạng ngứa rát vùng da cổ và mặt của bạn có thể do viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng. Nguyên nhân có thể do các yếu tố ở môi trường như hóa chất, phấn hoa, lông động vật... Để biết chính xác tình trạng bệnh bạn cần đến khám ở các bệnh viện, phòng khám da liễu uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng. Việc tự điều trị bằng thuốc bôi clobetason lên vùng da cổ và mặt của bạn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Bạn nên dừng việc tự bôi thuốc và xin chỉ định của bác sĩ.
- Những biến chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy ? Khi nào cần phải tới bệnh viện thăm khám thưa bác sĩ? (Minh Quế, 25 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Các biến chứng thường gặp ở bệnh tiêu chảy cấp: mất nước, rối loạn điện giải, nặng hơn có thể gây tụt huyết áp, trụy mạch, sốc suy đa phủ tạng. Do đó, để phòng tránh các biến chứng trên người bệnh cần bồi phụ đủ nước và điện giải. Với những trường hợp tiêu chảy cấp có sốt cần tham vấn ý kiến bác sĩ để điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
- Dạ bác sĩ cho con hỏi là chân con xuất hiện các lỗ nhỏ ở gót bàn chân...Nó không đau không ngứa...xuất hiện lỗ nhỏ liti khiến rất khó chịu..và hình như càng sâu và rộng dần. đợt lũ vừa qua, cháu phải lội nước nhiều, Bác có thể cho con biết là bệnh gì không ạ? (Mạnh Cường, 19 tuổi)
- Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Theo mô tả của bạn về các triệu trứng, có thể bạn mắc bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân (pitted keratolysis), thường gặp ở những người tiếp xúc nhiều với nước. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường ẩm ướt. Những vết lõm là do một loại enzym do vi khuẩn tiết ra làm phân hủy cấu trúc của các lớp tế bào sừng. Để biết chính xác tình trạng bệnh bạn cần đến khám ở các bệnh viện, phòng khám da liễu uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng.
- Trên người em gần đây có xuất hiên rất nhiều nốt tròn to tựa nốt ruồi nhưng lại rất ngứa, khi em gãi nó thì máu chảy không ngừng. Đó là bệnh lí gì và cách điều trị thế nào ạ? (Quế Lâm, 23 tuổi)
- Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Nốt tròn to tựa nốt ruồi là biểu hiện tổn thương tăng sắc tố ở da, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả ung thư da. Để biết chính xác tình trạng bệnh bạn cần đến khám ở các bệnh viện, phòng khám da liễu uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng.
- Khi bị sốt xuất huyết nên ăn uống như thế nào?’ (Tùng Lâm, 30 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay là thời điểm cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Khi mưa lũ xảy ra là điều kiện thuận lợi để cho trung gian truyền bệnh là cung quăng, bọ gậy, muỗi vằn phát triển. Vì vậy, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sống, phun muỗi, che đậy bể nước mưa như chum vại, loại bỏ nước mưa trong lốp xe, lọ hoa, bể cá... Người dân cần nằm màn tránh muỗi đốt.
Khi người dân bị sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi, theo dõi nhiệt độ, hạ sốt bằng thuốc paracetamol khi sốt cao trêt 38,5 độ C, uống đủ nước và điện giải, ăn mềm dễ tiêu, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu người bệnh có biểu hiện cảnh báo như tăng cảm giác đau, đau bụng vùng gan, lừ đừ mệt lả, buồn nôn, nôn nhiều, chảy máu cam, chân răng bất thường cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám theo dõi và điều trị một cách hợp lý.
- Cháu năm nay 19 tuổi. Cháu bị bệnh nấm bẹn một tháng nay rồi ạ. Do biết ảnh hưởng nguồn nước sau đợt bão lũ mà gia đình cháu vừa trải qua, cháu đã cố gắng phòng ngừa nên không bị lây lan, chỉ bị hai bên bẹn nhưng cháu dùng một số loại thuốc rồi mà chỉ được một khoảng thời gian rồi lại bị tái phát lại. Bác sĩ cho cháu hỏi loại thuốc nào có thể chữa khỏi ạ? (Tú Anh, 19 tuổi)
- Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh:
Đầu tiên bạn cần biết chính xác có phải bị nấm bẹn hay không. Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám và tư vấn. Việc dùng thuốc bôi cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nếu bạn dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc bôi có nhiều thành phần bao gồm cả coticoid có thể làm tình trạng bệnh nặng lên, tái đi tái lại.
- Làm gì khi mới mắc bệnh bệnh tiêu chảy thưa bác sĩ ? (Thục Anh, 27 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Khi người dân mới bị tiêu chảy cần bổ sung nước và điện giải, theo dõi thêm tình trạng tiêu chảy như số lần đi ngoài, màu phân, số lượng nước mất kèm theo phân, có sốt hay đau bụng kèm theo hay không. Người dân không nên dùng thuốc cầm ỉa (nhóm thuốc Loperamid) vì sẽ làm tăng nguy cơ giữ lại các độc tố của vi khuẩn trong lòng ruột.
Khi người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau bụng nhiều kèm theo tiêu chảy cần được bác sĩ thăm khám, điều trị phù hợp.
- Sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết như thế nào trong mùa bão lũ ạ? Đối tượng nào dễ bị biến chứng nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết? Khi nào thì phải đi đến cơ sở y tế thưa bác sĩ? (Mộc Trà, 32 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ dễ bùng phát hơn trong mùa mưa lũ. Những người có bệnh về máu, bệnh mãn tính như: xơ gan, tiểu đường, bệnh tự miễn, ung thư... có nguy cơ bị bệnh nặng hơn khi mắc sốt xuất huyết. Các biến chứng thường xảy ra vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 sau khi khởi phát sốt.
Người bệnh sốt xuất huyết có các biểu hiện như là sốt cao, đau đầu nhiều, mệt lả, lừ đừ mệt mỏi, buồn nôn, nôn nhiều, tăng cảm giác đau, xuất huyết niêm mạc, chảy máu cam, người sống một mình ở xa cơ sở y tế, người có bệnh lý nền mạn tính thì nên nên đến cơ sở y tế sớm để được theo dõi và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng của bệnh.
- Bệnh tiêu chảy có khả năng gây dịch sau bão lũ không? Bệnh lây truyền qua đường nào ạ? (Thanh Quốc, 25 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền::
Lịch sử cho thấy, sau bão lũ dễ có các nguy cơ có thể xảy ra các bệnh dịch đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy nhiễm khuẩn. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa: tay - miệng. Do đó, để phòng các bệnh dịch lây qua đường tiêu hóa sau bão lũ, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh tay trước và sau khi chế biến thực phẩm, vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, vệ sinh môi trường bề mặt bằng các thuốc khử khuẩn thông thường.
- Các thuốc nào không được dùng khi mắc sốt xuất huyết? (Thu Lan, 30 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Khi bị sốt xuất huyết, người dân tuyệt đối không nên dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt nhóm NSAID như Aspirin, Ibuprofen,... Vì những thuốc này có nguy cơ gây viêm loét xuất huyết đường tiêu hóa và gây toan hóa máu.
- Thời tiết giao mùa nhất là sau bão lũ nhiều trẻ em bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (rsv), xin bác sĩ cho biết triệu chứng và các biện pháp điều trị ? (Thu Hằng, 27 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền:
Triệu chứng của trẻ bị nhiễm virus hợp bào đường hô hấp RSV là: sốt, đau rát họng, ho, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi. Một số trường hợp có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây ho, khạc đờm vàng.
Các biện pháp điều trị cho trẻ nhiễm RSV là cho trẻ nghỉ ngơi, vệ sinh họng miệng bằng nước muối hoặc thuốc sát khuẩn thông thường, uống thuốc chống viêm giảm phù nề như Alphachymotripsin. Với trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn cần cho trẻ sử dụng thêm kháng sinh hướng hô hấp.
Chúng tôi cảm ơn độc giả đã gửi câu hỏi về chương trình!
Ngọc Thi