Ví trí cầu nối giao thương
Sở hữu vị trí trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên nằm tiếp giáp với các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội. Đồng thời, tỉnh vị trí thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách biên giới Trung Quốc 200km, cảng Hải Phòng 200km. Tỉnh là điểm nút giao lưu, thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối dễ dàng, thuận tiện với một số tỉnh thành phía Bắc.
Từ trước năm 2009, Thái Nguyên đã tập trung nhiều nguồn vốn, rót hàng nghìn tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Lãnh đạo tỉnh coi đó là bước đột phá, là tiền đề trọng yếu để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Một số tuyến đường huyết mạch của Thái Nguyên có thể kể đến: quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 đi Bắc Giang; hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng; đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên,...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án hạ tầng giao thông như dự án vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, đường nối quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) - khu công nghiệp Yên Bình và đường ĐT261 (giai đoạn 1). Khi các dự án này hoàn thành sẽ tăng tính kết nối giữa các trục công nghiệp và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đến Thái Nguyên.
Vị trí cầu nối giao thương cùng hệ thống hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ là một phần trong những điều kiện giúp Thái Nguyên thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ những năm trở lại đây.
Trung tâm công nghiệp
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước cơ hội chuyển mình về mô hình tăng trưởng lớn như lúc này. Tỉnh xác định công nghiệp với sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài là đòn bẩy chính của nền kinh tế.
Thái Nguyên đang đi đầu trong việc hình thành cụm công nghiệp điện tử vươn ra thị trường toàn cầu mà Samsung đóng vai trò dẫn dắt, giúp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15 lần trong vòng 3 năm. Kim ngạch xuất khẩu từ mức 245 triệu USD vào năm 2013 tăng lên 23,5 tỷ USD năm 2017, tạo ra cơ hội và lực hút lớn đối với các doanh nghiệp nội địa.
Đến năm 2018, tỉnh tiếp tục thu hút được 7,1 tỷ USD vốn FDI từ hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài như: Samsung (Hàn Quốc), Bujeon (Hàn Quốc), TAL (Hong Kong). Các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng đã góp mặt tại Thái Nguyên: Vingroup, ASC Group, Indevco, TNG...
Thái Nguyên đã phát triển nhiều khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Sông Công I (195ha), Sông Công II (250ha), Nam Phổ Yên (120ha), Yên Bình (400ha), Điềm Thụy (350ha), Quyết Thắng (105ha). Riêng 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Sông Công I, Nam Phổ Yên, Yên Bình và Điềm Thụy, thu hút 163 dự án, gồm 83 dự án FDI và 80 dự án đầu tư trong nước. Tổng vốn đăng ký khoảng 7 tỷ USD.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư mới 11 dự án đầu tư mới với quy mô vốn đăng ký gần 300 triệu USD. Nộp ngân sách 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 110.000 lao động.
Cùng với mở rộng các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông kết nối tại Thái Nguyên liên tục được tỉnh đầu tư xây dựng. Các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đại lộ Đông Tây và vành đai 5 đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Đây là những bước đệm vững chắc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Với việc tập trung nhiều các khu công nghiệp lớn, FDI tăng mạnh, tỉnh thu hút ngày càng nhiều dân nhập cư trong và ngoài nước đến đây sinh sống, lập nghiệp. Thống kê mới nhất của liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 133 doanh nghiệp đã hoạt động trong các khu công nghiệp với trên 81 nghìn lao động. Tuy nhiên, chỗ ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới chỉ đáp ứng được khoảng 27% nhu cầu.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp. Các dự án Vinaconex 3 - Phổ Yên Residence, khu đô thị Tân Việt, khu đô thị Phú Đại Cát, khu đô thị Lê Hồng Phong, khu đất nền Kosy Gia Sàng, khu đất nền dân cư Tân Tiến, khu đất nền The Crown villas cho thấy Thái Nguyên đang là một thị trường bất động sản sôi động.
Điểm đến của các dự án bất động sản
Tại Thái Nguyên, Sông Đà 2, Đầu tư APEC, DetechLand, TNG, Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc là những tên tuổi ghi dấu ấn sớm lên thị trường. Điều này giúp bất động sản Thái Nguyên phát triển bền vững theo chiều sâu, đa dạng phân khúc.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản các tỉnh lẻ phía Bắc ngày càng ghi nhận làn sóng đầu tư lớn. Khảo sát của đơn vị cho thấy khu vực thành phố Thái Nguyên có khoảng gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự liền kề được chào bán trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ hấp thụ tương đối lớn.
Thị trường ghi nhận có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và hơn 400 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề hoàn thành giao dịch. Các sản phẩm chủ yếu thuộc dự án của Tập đoàn Tiến Bộ, Riverside, Tecco Thái Nguyên, Khu đô thị Cosy Gia Sàng,... Mức giá bán căn hộ chung cư dao động 8-15 triệu đồng một m2.
Bước sang năm 2019, Thái Nguyên ghi nhận thêm một số dự án sắp ra mắt như Mia Forest, Phổ Yên, Crown Villas, khu đô thị Danko City Thái Nguyên. Đây đều là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo thành phố thủ phủ công nghiệp mới của phía Bắc.
Thành Dương