Theo chuyên trang về tài chính Gobankingrates, có những lời khuyên bạn nên cân nhắc trước khi áp dụng.
Cắt giảm tiền cà phê hàng ngày sẽ giúp bạn trở thành triệu phú
Ý tưởng rằng nếu mỗi ngày bạn tiết kiệm vài USD tiền cà phê, mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm được hàng trăm USD, và sau 40 năm, bạn có thể tiết kiệm được đến hàng trăm nghìn USD - một con số không hề nhỏ. Số tiền này, nếu được đầu tư đúng cách, có thể sinh lãi và giúp bạn có một khoản kha khá cho tương lai. Từ ý tưởng này, nhiều chuyên gia khuyên bạn nên cắt giảm tiền cà phê.
Tuy nhiên, thực tế, ly cà phê có thể mang lại cho bạn nhiều ích lợi hơn là một loại đồ uống. Nếu hàng ngày chúng mang lại cho bạn niềm vui và cảm hứng, cho bạn ý tưởng và cho phép bạn làm việc hiệu quả hơn, thì lợi nhuận thực sự trong cuộc sống của bạn có thể còn nhiều hơn thế.
Trên thực tế, nếu khéo léo và quyết tâm, bạn có thể tìm ra cách khác để cắt giảm hàng trăm USD trong số các khoản chi tiêu hàng tháng, rồi đầu tư số tiền đó, trong khi vẫn không cần cắt giảm cà phê mỗi ngày.
Không dùng thẻ tín dụng
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng dùng thẻ tín dụng có thể gây ra tình trạng bội chi và khuyên bạn không nên sử dụng nếu không thực sự cần thiết.
Đương nhiên, thẻ tín dụng thường có lãi suất "cắt cổ", đi kèm nhiều loại khoản phí khác nhau. Nhưng đó không phải là lý do bạn nên tẩy chay thẻ tín dụng. Nếu là người tiêu dùng thông minh, bạn sẽ nhận ra ngoài yếu tố thuận tiện là không phải mang theo tiền mặt, hầu hết các thẻ tín dụng hiện nay đều cung cấp cho bạn một khoản thưởng khi sử dụng, bao gồm cash back (thưởng tiền mặt), thưởng dặm bay (ngân hàng liên kết hãng hàng không), hay hưởng các đặc quyền ưu đãi khi vào khách sạn, phòng chờ sân bay, miễn phí hành lý...
Nếu bạn có thể nghiêm túc thực hiện việc thanh toán đầy đủ hóa đơn tín dụng hàng tháng đúng hạn, việc sử dụng thẻ tín dụng có thể giúp bạn không ít so với dùng tiền mặt.
Đừng lãng phí tiền vào những dịch vụ tiện ích
Nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên cắt giảm tối đa việc đổ tiền vào những dịch vụ tiện ích, ví dụ giặt là, làm tóc, làm nail, mua sắm trực tuyến, mua thẻ thành viên phòng tập cả năm...
Tuy nhiên chuyên gia tài chính cá nhân Eric J. Nisall, Mỹ cho rằng điều này không hợp lý: "Đúng vậy, bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách tự mình làm những việc đó, nhưng như thế đồng nghĩa với việc bạn đánh cắp thời gian mà nhẽ ra bạn có thể gặp gỡ bạn bè và gia đình, hoặc thời gian tự chăm sóc bản thân. Nếu bạn có đủ khả năng, hãy cứ bỏ tiền ra mua các dịch vụ đó, để giải phóng sức lao động và quỹ thời gian của chính mình. Nhờ thế, bạn tập trung tốt hơn vào gia đình và kiếm được nhiều tiền hơn nhờ dành thời gian cho công việc".
Ngôi nhà là tài sản giá trị nhất
Một số người bị ám ảnh bởi giá trị ngôi nhà mình ở và đầu tư rất nhiều tiền bạc vào đó. Nhưng thực tế, khi về hưu, nhiều người nhận ra rằng tài sản tưởng chừng lớn nhất ấy thực sự không mang lại cho họ bất cứ khoản thu nhập nào. Theo chuyên gia lập ngân sách Jacob Wade, Mỹ, việc có một ngôi nhà đồ sộ, nhưng tiền mặt hạn chế, không phục vụ đủ cho cuộc sống hưu trí hoàn toàn là sai lầm.
Nợ nần rất đáng sợ
Riley Adams, chuyên gia của hãng tài chính có trụ sở ở California nói rằng: "Khi khoản nợ được sử dụng một cách khôn ngoan, đó là một nguồn tài nguyên tuyệt vời". Ông cho rằng khi sử dụng nợ để thanh toán cho các khoản mua sắm quan trọng nhằm nâng cao giá trị tài sản, ví dụ bất động sản, lúc này, khoản nợ đóng vai trò là động lực tạo ra của cải.
Thùy Linh (Theo Gobankingrates, Forbes)