Nguyễn Văn Quyết nhận Quả Bóng Vàng đầu tiên trong sự nghiệp khi đã vào tuổi 30. Trước anh, chỉ ba người làm được điều tương tự, gồm Trần Công Minh, Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Anh Đức. Điểm chung là thời điểm mà họ thăng hoa nhất thường rơi vào giai đoạn bóng đá Việt Nam sở hữu một thế hệ kế cận sáng sủa. Thế nên, để được ghi nhận, bên cạnh tài năng thì Văn Quyết hay các đàn anh kể trên còn để lại cho người hâm mộ sự khâm phục về tính kiên trì, nỗ lực và trên hết là đam mê nghề nghiệp. Chỉ những điều đó mới giúp họ chơi thứ bóng đá tốt nhất ở tuổi 30. Và thực tế còn cho thấy, các Quả Bóng Vàng ở "tuổi băm" này đều thi đấu thêm ít nhất năm năm nữa kể từ khi được vinh danh.
Vì thế, không thể nói là những chiến thắng của họ đến từ may mắn. Văn Quyết lên đỉnh vinh quang cá nhân trong giai đoạn bóng đá Việt Nam không thể tham gia các giải đấu quốc tế để những người cùng thời, như Quang Hải hay Công Phượng, có thể lấy làm lợi thế mà vượt qua. Trong lịch sử giải thưởng này, đã đôi ba lần, một chút ưu thế ở đội tuyển quốc gia đã tạo nên sự bất công không nhỏ cho các cầu thủ khác. Chỉ cần một vài trận xuất sắc trong màu áo đội tuyển, lại được chấm điểm cao hơn người chơi toàn diện cả mùa giải ở cấp độ CLB. Những lần về nhì của Lê Huỳnh Đức năm 2000 (thua Hồng Sơn) hay Nguyễn Minh Phương năm 2006 (thua Lê Công Vinh) từng khiến tính chuẩn xác của giải thưởng bị giới chuyên môn nghi ngờ.
Thế nên, chiến thắng của những cầu thủ như Văn Quyết thường mang tính biểu tượng và chứa những thông điệp có giá trị nhiều hơn.
Suốt 10 năm qua, Quyết "rừng" khoác áo CLB Hà Nội nên không khó hiểu khi anh dành những lời trân quý nhất cho ông Đỗ Quang Hiển. Đó là ông bầu luôn bị đặt giữa những luồng tranh cãi về vấn đề sở hữu nhiều đội bóng. Nhưng, lời cảm ơn của Văn Quyết lại nhắc nhớ rằng đội bóng của bầu Hiển đã và từng sở hữu đến năm cầu thủ giành Quả Bóng Vàng. Năm 2008, mới lên hạng Nhất nhưng Hà Nội T&T đã chiêu mộ thủ thành Dương Hồng Sơn để chính cầu thủ xứ Nghệ góp công lớn vào chiếc vé thăng hạng, chức vô địch AFF Cup 2008 và rồi bản thân đăng quang ở Quả Bóng Vàng. Khi Hà Nội ACB của bầu Kiên tan rã, bầu Hiển đưa "Sóc nhỏ" Phạm Thành Lương về, và sau đó ngôi sao này trở thành người giữ kỷ lục với bốn lần nhận Quả Bóng Vàng. Kế tiếp là Quang Hải (2018), Đỗ Hùng Dũng (2019) và bây giờ là Văn Quyết. Nếu ngày nào đó, một hậu vệ của Hà Nội FC như Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu hay Bùi Hoàng Việt Anh trở thành cầu thủ xuất sắc, đó không phải là điều bất ngờ.
Chuỗi liên hệ của những chiến thắng này là nền tảng CLB. Đó mới là bệ phóng tài năng và xương sống của mọi nền bóng đá, dù đôi khi ở Việt Nam, nó không được thừa nhận một cách đúng mực.
Giống như một câu hỏi quen thuộc, rằng "Vì sao không cầu thủ HAGL nào vào top 5?". Từ khi bước lên ánh sáng năm 2014, duy nhất Lương Xuân Trường được vinh danh với Quả Bóng Bạc năm 2016, nhưng khi đó anh khoác áo Incheon United ở K-League. Một hoặc hai lần thì có thể cho rằng các lá phiếu bầu chọn "có vấn đề", nhưng suốt một quãng thời gian dài như vậy, vấn đề sẽ nằm ở đâu đó chứ không hẳn từ tài năng của các cầu thủ. Bởi, chính Tuấn Anh (2014), Công Phượng (2015), Vũ Văn Thanh (2016) đã được chọn là cầu thủ trẻ xuất sắc, nhưng thời gian trôi qua, họ chưa thoát khỏi cái bóng của thời U19.
Văn Quyết do Thể Công-Viettel đào tạo, nhưng nếu không có bầu Hiển và một tập thể hùng mạnh như Hà Nội FC, chưa biết bóng đá Việt Nam đã có một Quyết "rừng" hay không, chứ đừng nói đến một Văn Quyết – Quả Bóng Vàng 2020. Tài năng nào cũng có một đường băng để cất cánh. Càng là tinh hoa, càng cần một bệ phóng hoàn hảo để bay thật xa. Câu chuyện đi lên của Văn Quyết khiến cũng chất chứa hy vọng một ngày nào đó, trên bục cao nhất của Quả Bóng Vàng, sẽ vang lên lời cảm ơn của một ngôi sao đến từ HAGL dành cho bầu Đức.
Với bóng đá Việt Nam, bầu Đức chắc chắn được ghi công. Nhưng ở khía cạnh của một con người, đôi khi chính tấm chân tình của "những đứa trẻ" trong ngày trọng đại nhất của nó, mới là điều mà ông chờ mong nhất.
Song Việt