"Cố vượt qua đi"
Câu nói này không có ý nghĩa động viên mà đang ám chỉ đối phương yếu đuối, coi thường nỗi đau của họ. Người nói chỉ đang nghĩ đến điều có thể tốt với họ nhưng không phù hợp với người đang gặp khó khăn.
Những câu nói mang tính khuyên nhủ người khác phải mạnh mẽ, thiếu sự đồng cảm về cảm xúc có thể gây khó chịu cho người đang tổn thương, buộc họ phải tự hoài nghi về cảm xúc của chính mình.
"Bạn quá nhạy cảm"
Câu nói thể hiện sự vô cảm của bạn, khiến người khác cảm thấy bị tự ti, tự đổ lỗi cho bản thân, sợ khi phải chia sẻ, bày tỏ cảm xúc thật. Điều này cũng có thể khiến họ bị ám ảnh sâu sắc, thay vì cố gắng vực dậy thì lại càng chìm vào nỗi buồn lâu hơn.

Ảnh minh họa: Pexels
"Tại sao bạn không thể quên chuyện đó đi?"
Đây như một lời trách móc thay vì thấu cảm. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy việc đặt câu hỏi kiểu này có thể ngăn cản cá nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, chữa lành những tổn thương tinh thần của họ. Bởi họ có thể cảm thấy bị phán xét hoặc cảm thấy mình không đủ cố gắng, mạnh mẽ để vượt qua.
"Tôi hiểu cảm giác của bạn"
Câu nói này dụng ý rằng bạn hiểu nỗi đau của người khác. Tuy nhiên, điều này thể hiện bạn thiếu tinh tế bởi mỗi người trải qua cảm xúc khác nhau tùy vào những trải nghiệm sống riêng biệt. Vì vậy rất khó để có thể hiểu hết cảm xúc của người khác, ngay cả khi bạn đã trải qua hoàn cảnh tương tự.
Nói "Tôi hiểu cảm giác của bạn" vô tình ngụ ý rằng cảm xúc của họ không hợp lý hoặc không quan trọng, từ đó làm giảm giá trị và khiến họ im lặng không bày tỏ cảm xúc của mình.
"Ít nhất bạn vẫn còn sống"
Câu nói này thể hiện bạn là người có nhận thức kém, thiếu sự nhạy cảm và thấu cảm vì không muốn đón nhận cảm xúc của người khác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Psychotraumatology (một tạp chí nghiên cứu học thuật chuyên về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần) kết luận rằng người nghe câu an ủi này có thể thêm tổn thương, sốc tinh thần và buồn bã hơn.
"Đừng sống trong quá khứ"
Câu nói này thường thể hiện sự thiếu hiểu biết về bản chất phức tạp của vấn đề đối phương đang gặp phải khiến họ phải buồn bã,
Hội Khoa học Tâm lý Anh Quốc khuyến nghị nên công nhận nỗi đau và khó khăn mà họ đang trải qua, đồng thời thể hiện sự thấu cảm đối với hoàn cảnh của họ. Những lời nhận xét lạnh lùng của bạn có thể khiến họ trở nên tiêu cực hơn.
"Tôi cũng gặp trường hợp tương tự"
Việc tạo ra những so sánh có hại hiếm khi mang lại lợi ích cho người đang bị kích động. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc so sánh xã hội theo chiều hướng đi xuống (so sánh với những người được cho là tồi tệ hơn) sẽ khiến đối phương có cảm giác họ không xứng để được nhận sự đồng cảm, giúp đỡ.
"Đừng cố gây chú ý nữa"
Những lời nói tổn thương này mang tính đổ lỗi, cho rằng đối phương đang lợi dụng tình trạng của mình để kiếm sự thương hại. Điều này cũng có thể gây kích động, chạm vào nỗi đau bên trong của họ.
Bị gắn mác "cố tình gây chú ý" có thể khiến người đang tổn thương cảm thấy bị phán xét một cách tiêu cực, khiến họ sống thu mình và không dám bày tỏ với ai.
Thanh Thanh (Yourtango)