Cá mập trắng (Carcharodon carcharias)
Năm 2024, thế giới được chiêm ngưỡng một thước phim cực hiếm khi drone lần đầu tiên ghi hình một con cá mập trắng được cho là mới sinh. Cá mập trắng là loài cá lớn nhất hành tinh săn con mồi lớn hơn bộ Hình tôm, nhưng việc quan sát sự sinh sản của chúng không đơn giản. Thước phim trên là bằng chứng sát nhất mà con người có được trong quá trình tìm hiểu cá mập trắng con đến từ đâu.
Sinh vật trong video chỉ dài 1,5 m, chiều dài phù hợp với các ước tính về cá mập trắng sơ sinh. Nó dường như đang trút bỏ một lớp trắng trên cơ thể trong khi bơi. Không thể loại trừ khả năng đây là con non mắc một loại bệnh về da, nhưng cũng có thể con vật nhỏ đang thải bỏ các chất trong tử cung sau khi vừa chào đời. Các quan sát về một số con cá mập lớn, có thể đang mang thai, vào những ngày trước đó cũng củng cố cho quan điểm này.
Vùng biển từ ngoài khơi Santa Barbara, California, đến phía bắc Baja California, Mexico, có khả năng là nơi cá mập trắng sinh sản. Nhưng tại thời điểm này, con người chưa từng quan sát được quá trình cá mập trắng con chào đời.
Cá mập voi (Rhincodon typus)
Danh hiệu loài cá lớn nhất hành tinh thuộc về cá mập voi, "kẻ khổng lồ" ăn những sinh vật tí hon thuộc bộ Hình tôm, có thể dài tới khoảng 20 m và nặng 20 tấn. Theo Dự án Cá mập voi Galapagos, 21 con non sơ sinh đã được bắt gặp trong tự nhiên, nhưng chưa ai từng thấy loài này sinh con.
Rạn san hô Ningaloo, Australia, có thể là nơi sinh sản của cá mập voi vì chúng tụ tập ở đây với số lượng lớn mỗi năm sau khi san hô sinh sản và sinh vật phù du nở hoa. Việc tìm ra đáp án chính xác cho những sinh vật đồ sộ này càng khó khăn hơn vì đôi khi chúng lặn sâu vượt tầm hoạt động của các thiết bị theo dõi, sâu tới 2.000 m.
Cá voi xanh (Balaenoptera musculus)
Loài động vật có vú lớn nhất thế giới cũng lẩn tránh khỏi ánh mắt tò mò của con người khi sinh sản. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã ghi hình chúng biểu diễn vũ điệu giao phối ấn tượng. Trong vũ điệu, một nhóm cá voi xanh đực theo đuổi một con cái, sử dụng cơ thể to lớn của mình để cố gắng đánh bại đối thủ.
Những quan sát hiếm hoi về cá voi xanh bao gồm cả việc chúng cho con non bú sữa. Con non mới sinh cũng đã rất lớn, nặng khoảng 2.200 - 2.700 kg, theo Trung tâm Động vật có vú Biển. Trong suốt vòng đời, cá voi xanh ghé thăm mọi đại dương ngoại trừ Bắc Băng Dương. Dù chưa từng quan sát được quá trình con non nào chào đời, giới khoa học cho rằng cá voi xanh di chuyển đến vùng nước ấm ngoài khơi Trung Mỹ để sinh sản.
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis)
Sinh vật biển có thể thoát khỏi sự theo dõi của con người dưới đại dương sâu và rộng lớn, nhưng những bí ẩn cũng tồn tại ngay trên cạn, trong đó có trường hợp của sao la hay "kỳ lân châu Á". Đây là một trong những loài động vật quý hiếm nhất thế giới và nằm trong họ Trâu bò (Bovidae).
Sao la được tìm thấy ở Lào và Việt Nam, dọc theo dãy Trường Sơn, nơi chúng sống sâu trong rừng. Con người biết đến sự tồn tại của chúng qua bẫy camera, xương trong các ngôi làng với cặp sừng đặc trưng và thông tin từ địa phương, nhưng chưa nhà sinh vật học nào may mắn bắt gặp chúng trong tự nhiên và cũng chưa ai từng thấy chúng sinh con.
Báo tuyết (Panthera uncia)
Báo tuyết đã được nhân giống trong các vườn thú, giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về quá trình chúng sinh sản. Tuy nhiên, việc tìm thấy nơi sinh sản của loài vật này ngoài tự nhiên gần như bất khả thi. Loài vật bí ẩn này sống ở những vùng núi cao xa xôi và cực khó bị phát hiện nhờ khả năng ngụy trang khéo léo, hòa mình vào khung cảnh núi đá.
Tổ chức Snow Leopard Trust và Panthera đã tìm được hai ổ sinh sản sau khi theo dõi những con cái đeo vòng cổ sóng vô tuyến. Cả hai đều nằm trên cao, trong các hẻm núi đá, một ổ ở nơi trú ẩn nhân tạo, ổ còn lại nằm giữa khe đá hẹp.
Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus)
Tê giác Java, một trong 5 loài tê giác còn tồn tại trên Trái Đất, là một trong những loài động vật lớn quý hiếm nhất thế giới. Chỉ con đực mới có sừng và sừng của chúng tương đối ngắn, mập. Chúng hiện thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nhưng tin vui là camera đã ghi hình được những con non hoang dã mới sinh vào đầu năm nay.
Toàn bộ quần thể tê giác Java hoang dã chỉ sống trong công viên quốc gia Ujung Kulon, đảo Java, Indonesia. Vì vậy, dù chưa ai tận mắt chứng kiến, giới khoa học biết rằng đây là nơi chúng sinh con. Cung cấp không gian cho động vật hoang dã là điều quan trọng giúp chúng có sức khỏe tốt và những con tê giác non ở Ujung Kulon được theo dõi từ xa với sự hỗ trợ của các bẫy camera.
Thu Thảo (Theo IFL Science)