Cá mút đá
Cá mút đá dùng miệng bám chặt vào vật chủ để hút máu và dịch cơ thể
Cá mút đá nhìn giống lươn hay rắn, dài tới 35 cm. Chúng không có hàm nhưng có miệng tròn như chiếc đĩa, đầy răng sắc nhọn, theo Mother Nature Network. Loài này thường sống ở bờ biển Đại Tây Dương của châu Âu và Bắc Mỹ, ở phía tây Địa Trung Hải và Ngũ Đại Hồ.
Cá mút đá còn bị gọi là ma cà rồng do sống ký sinh, hút máu và dịch cơ thể của các loài cá khác. Cá trưởng thành cắn vào thân con mồi, dùng răng và lưỡi bám chặt, hút máu con vật cho đến khi no nê mới nhả ra. Nhiều con cá chết sau khi bị cá mút đá hút máu, nhưng đa số trường hợp vẫn sống tiếp.
Trên thực tế, rất ít người nhìn tận mắt loài cá này. Chúng được sinh ra ở vùng nước ngọt, sau đó bơi ra đại dương khi trưởng thành. Đến mùa sinh sản, chúng bơi ngược về nơi sinh ra.
Rùa da
Thức ăn chủ yếu của rùa da là sứa
Rùa da là loài rùa biển lớn nhất thế giới. Cá thể lớn nhất được biết đến có chiều dài 3 mét, nặng 916 kg. Trung bình một ngày, một con rùa có thể tiêu thụ lượng thức ăn tương đương 73% trọng lượng cơ thể.
Các gai nhọn trong miệng rùa da có hình nón ngược, nhọn và sắc. Chúng đóng vai trò giống như hàm răng, giúp rùa da giữ thức ăn trong miệng. Thức ăn chủ yếu của rùa là những con sứa di chuyển chậm.
Rùa da có bộ tiêu hóa được thiết kế đặc biệt giúp chúng tiêu thụ nhiều thức ăn, nhưng chúng lại không thể phân biệt sứa và các loại rác nhựa trôi nổi trong nước. Hạn chế này khiến rác bị mắc kẹt trong họng và gây nguy hiểm cho rùa.
Cá Pacu
Hàm răng đáng sợ của cá Pacu
Cá Pacu là loài cá nước ngọt sống ở Nam Mỹ, có quan hệ họ hàng với cá piranha ăn thịt. Chúng sống nhờ ăn các loại hạt và trái cây rơi xuống nước. Những chiếc răng dạng khối, thẳng của cá pacu dễ khiến nhiều người nhầm lẫn với hàm răng con người.
Cá Pacu có thể phát triển chiều dài gấp 4 lần kích thước bàn chân người trưởng thành và nặng tới 25 kg.
Hà mã
Miệng của hà mã với những chiếc răng lớn, sắc nhọn
Hà mã là loài động vật có vú ăn cỏ, sống nửa dưới nước nửa trên cạn tại các sông, hồ, đầm lầy ở châu Phi. Chúng sở hữu những chiếc răng lớn, sắc, miệng có khả năng há rộng. Hàm của hà mã có thể nghiền nát một hoặc hai con cá sấu dài khoảng 3 mét.
Thân hình hà mã tròn trịa, gần như không lông. Tuy có trọng lượng trung bình lên tới 1,5 tấn, nhưng hà mã có khả năng chạy với tốc độ gần 50 km/h. Chúng trở nên đặc biệt hung hãn khi lãnh thổ bị xâm phạm.
Cá mập yêu tinh
Miệng cá mập yêu tinh có những chiếc răng dài, nhọn hoắt
Cá mập yêu tinh là sinh vật sống dưới đáy biển sâu khoảng 1.200 m và có cơ thể khá kỳ dị, bao gồm phần mõm dẹt chứa những chiếc răng dài, nhọn hoắt. Bộ hàm của chúng có thể há rộng chạm tới phần mũi giống thanh kiếm bên trên.
Con đực trưởng thành dài khoảng 2,4 đến 3,1 mét, con cái dài 3,1 đến 3,5 mét. Cá thể lớn nhất được tìm thấy dài tới 3,9 mét, nặng 210 kg. Điều thú vị là 25% trọng lượng cơ thể của loài cá này là gan.
Dưới đáy biển sâu, màu hồng đỏ của cá mập yêu tinh trở thành màu đen, nhờ đó chúng có thể dễ dàng bắt mồi và tránh kẻ thù mà không bị phát hiện.
Cá hagfish
Cá hagfish sống ở đáy biển sâu
Cá hagfish là một trong số những loài có bộ hàm kỳ lạ nhất, sống ở các vùng nước sâu và lạnh trên thế giới. Chúng sở hữu hàm răng kép với những chiếc răng nhọn hoắt, xếp dày như răng lược, thực hiện hoàn hảo chức năng xé thịt.
Cá hagfish có lớp da trơn màu đen, đường kính cơ thể khoảng 4 cm, dài từ 30 - 40 cm. Chúng thường ăn con mồi bằng cách cắn một lỗ để tiếp cận các bộ phận nội tạng, sau đó tiêu thụ con mồi từ trong ra ngoài.
Cá ma cà rồng
Cá ma cà rồng có hai chiếc răng nanh dài tới 15 cm ở hàm dưới
Cá ma cà rồng là một loài cá săn mồi nước ngọt. Chúng sở hữu hai chiếc răng nanh dài tới 15 cm nhô ra từ hàm dưới, dùng để đâm xuyên con mồi. Cấu tạo đặc biệt ở hộp sọ với hai hố ở hàm trên cho phép cá ma cà rồng giấu kín răng nanh trong khoang miệng và ngăn chúng tự đâm mình.
Lê Hùng