Trăn gấm (9,9 m)
Là động vật bản xứ ở Nam Á, trăn gấm (Malayopython reticulatus) rất dễ nhận biết với hoạ tiết hình thoi lặp lại, là loài rắn dài nhất trên Trái Đất ngày nay. Ghi chép từ năm 1912 đề cập tới con trăn gấm bị bắt dài 10 m, tương đương xe buýt chở học sinh, dù con số này rất khó xác minh. Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh, trăn gấm thường dài hơn 6,25 m. Con trăn gấm dài nhất trong môi trường nuôi nhốt là 7,7 m, theo Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness.
Kích thước với bản tính thất thường của trăn gấm đôi khi đe dọa tính mạng con người. Năm 2018, nhà chức trách tìm thấy xác một người phụ nữ Indonesia trong bụng trăn gấm. Giống như nhiều loài trăn khác, con cái cuộn quanh ổ trứng và co giật cơ theo nhịp để sinh nhiệt sưởi ấm cho con non, giúp tăng cơ hội sống sót cho chúng.
Trăn anaconda xanh (10 m)
Trăn anaconda xanh (Eunectes murinus) lặng lẽ trườn qua đầm lầy và khe suối ở Amazon, nơi chúng có thể sống đủ lâu để đạt chiều dài hơn 9 m. Đây là loài rắn nặng nhất trên Trái Đất ngày nay, một số cá thể nặng tới 250 kg, theo Vườn thú quốc gia và Viện sinh vật học bảo tồn Smithsonian.
Loài trăn này sử dụng cơ thể đồ sộ để siết chết con mồi như chuột lang nước, cá sấu caiman và hươu. Không có kỷ lục chính thức nào về con trăn anaconda xanh lớn nhất, nhưng năm 2016, công nhân xây dựng ở Brazil từng gặp một con trăn dài ước tính 10 m và nặng 399 kg. Theo Patrick Campbell, quản lý ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, khối lượng cơ bắp trong cơ thể trăn quấn quanh con mồi gây đau tim, khiến tim ngưng đập và tuần hoàn máu. Cách đó làm con mồi bất động hồi lâu để trăn anaconda xanh có thời gian nuốt chửng toàn bộ, thường từ phần đầu trước.
Gigantophis garstini (9,8 m)
G. garstini là quái vật to lớn sống cách đây 40 triệu năm. Các nhà nghiên cứu ước tính nó có cơ thể dài 7 - 10 m. Loài vật siết mồi này được phát hiện ở Ai Cập năm 1901, có thể cuộn quanh con mồi lớn như tổ tiên loài voi thuở sơ khai và nuốt chửng toàn bộ. Giới khoa học phát hiện Gigantophis có họ với một loài khổng lồ đã tuyệt chủng khác là Madtsoia ở Ấn Độ, chứng tỏ loài rắn khổng lồ từng phân bố rộng khắp châu Á.
Palaeophis colossaeus (12 m)
P. colossaeus là loài rắn biển sinh sống ở đại dương cổ đại từng bao phủ nhiều nơi ở Bắc Phi cách đây 100 triệu năm. Khi phát hiện bộ xương hóa thạch của nó trên sa mạc Sahara ngày nay, các nhà nghiên cứu tính toán từ mẫu vật thu thập sau đó trong chuyến đi thực địa vào năm 1999 và 2003 rằng loài này có thể dài hơn 12 m, theo bài báo đăng trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica. Con số đó biến P. colossaeus thành loài rắn biển dài nhất từng được tìm thấy. Dựa trên bộ xương, giới nghiên cứu xác định chiếc miệng của nó đủ lớn để nuốt chửng những con cá voi nhỏ.
Titanoboa cerrejonensis (13 m)
Lớn ngang khủng long bạo chúa, Titanoboa từng thống trị các khu rừng ẩm ướt và sông ngòi ở Nam Mỹ. Đây là loài rắn lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Có niên đại 60 triệu năm trước, Titanoboa là tổ tiên tiền sử của trăn anaconda ngày nay. 250 chiếc xương sống của nó tạo thành bộ xương dài 13 m. Nó phát triển nhờ ăn cá sấu và cá trên sông. Cân nặng ước tính của Titanoboa vào khoảng 1.130 kg, theo Đại học Indiana. Hóa thạch loài này được phát hiện vào đầu những năm 2.000 ở thành hệ Cerrejón tại Colombia.
An Khang (Theo Live Science)