Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Living Planet Repor vào năm ngoái, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết mức độ phong phú tương đối của các loài được giám sát trên thế giới đã giảm 69% kể từ năm 1970. Khoảng 1 triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và hiện có nhiều bằng chứng cho rằng Trái Đất đã bước vào sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu.
Biến đổi khí hậu góp phần vào những rủi ro tuyệt chủng này theo những cách phức tạp và liên kết với nhau. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô của quần thể loài bằng cách gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tăng nhiệt độ hoặc giảm lượng mưa vượt quá ngưỡng mà một loài cần để tồn tại và thu hẹp môi trường sống chính mà động vật phụ thuộc vào. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tác động gián tiếp đến hệ sinh thái khi làm mất cân bằng chuỗi thức ăn.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances do nhà sinh thái học Giovanni Strona từ Ủy ban châu Âu dẫn đầu đã chỉ ra rằng các loài động vật lớn hơn và có vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ngược lại, những sinh vật đứng thấp hơn trong chuỗi thức ăn như côn trùng và động vật gặm nhấm có thể sinh tồn tốt hơn trong một thế giới ngày càng nóng lên.
Trong một nghiên cứu khác xuất bản trên tạp chí Global Change Biology vào năm ngoái, các nhà khoa học đã xem xét 461 loài động vật trên khắp 6 lục địa và phân tích tác động của sự thay đổi nhiệt độ cũng như việc sử dụng đất trong quá khứ đối với quần thể của chúng.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy những loài sinh sản nhanh rất giỏi trong việc khai thác môi trường sống mới", nhà sinh vật học bảo tồn Gonzalo Albaladejo Robles từ Đại học College London, tác giả chính của nghiên cứu, nói với Live Science.
Chu kỳ sinh sản nhanh mang lại cho các loài động vật cơ hội sống sót cao hơn trong điều kiện môi trường bị gián đoạn, chẳng hạn như thời tiết khắc nghiệt hoặc mất môi trường sống. Trong khi đó, những động vật sinh sản chậm hơn - thường là các loài lớn hơn - cho thấy xu hướng ngược lại trong nghiên cứu: quần thể của chúng giảm khi nhiệt độ và môi trường sống thay đổi.
Kích thước cũng là một yếu tố có thể chống lại các loài. Robles cho biết thêm rằng động vật lớn hơn phải vật lộn nhiều hơn với biến đổi khí hậu vì chúng cần nhiều thức ăn hơn và dễ bị đe dọa do mất môi trường sống.
"Nếu bạn là một con voi, nhiều khả năng bạn sẽ nhạy cảm với hạn hán và nạn phá rừng hơn so với các loài nhỏ bé cần ít tài nguyên hơn. Nói chung, động vật nhỏ sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn trước các tác động do con người như biến đổi khí hậu và thay đổi sử dụng đất", nhà nghiên cứu giải thích.
Các loài có chế độ ăn đa dạng cũng đương đầu tốt hơn với biến đổi khí hậu, theo WWF. Ví dụ, động vật ăn tạp như gấu mèo và quạ có thể thích ứng tốt khi một nguồn thức ăn biến mất, trong khi gấu trúc (chủ yếu ăn tre trúc) và gấu túi (chủ yếu ăn lá bạch đàn) sẽ gặp rắc rối lớn.
Khả năng di cư và thích nghi với các môi trường sống khác nhau cũng có thể đảm bảo cho động vật trước một tương lai không chắc chắn. Ví dụ, nhiều sinh vật chỉ có thể tồn tại ở các vĩ độ đóng băng hoặc trong các rạn san hô sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn do môi trường suy thoái khi Trái Đất nóng lên. Các loài động vật như vẹt, dơi và chuột chù đang "biến hình" qua nhiều thế hệ: phát triển mỏ, cánh và đuôi lớn hơn để giúp chúng hạ nhiệt hiệu quả hơn ở vùng khí hậu ấm hơn, qua đó thích nghi tốt hơn.
Tất cả điều này cho thấy động vật phục hồi tốt hơn trước những thay đổi môi trường và nhiệt độ có nhiều khả năng phát triển mạnh trong một thế giới ấm hơn. Nhìn chung, các loài nhỏ bé, phổ biến, sinh sản nhanh, có vị trí thấp trong chuỗi thức ăn sẽ thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu, có thể kể đến như gián, chuột nhắt, chuột cống, dơi, quạ, chim bồ câu, một số loài chim ăn thịt và gấu mèo.
Đoàn Dương (Theo Live Science)