Trao đổi với VnExpress.net, kỹ sư Lê Đình Dũng, khoa Côn trùng, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết ấu trùng không gây hại cho sức khỏe nhưng nhiều loại côn trùng thì có hại.
"Các loại ấu trùng thường trong trạng thái chờ trưởng thành và ít thấy ấu trùng nào có thể gây hại đến sức khỏe con người. Ví dụ như ấu trùng của bướm, ruồi, ong", ông Dũng nói.
Theo kỹ sư Dũng, các loại côn trùng điển hình thường gây bệnh hoặc gây kích ứng da cụ thể như sau:
Bọ chét
Đây là loại côn trùng thường sống trên vật chủ là chuột, dơi, mèo, chó. Nguy hiểm nhất là bọ chét sống trên chuột bị mắc bệnh hạch. Quy trình gây bệnh khi bọ chét hút máu chuột mang bệnh, sau đó đốt cho người. Bệnh từng tạo thành dịch lớn và làm tử vong nhiều người. Hơn 20 năm qua dịch bệnh này đã được khống chế. Người bệnh thường sốt cao sau khi bị bọ chét cắn. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là nên đến bệnh viện để bác sĩ khám.
Các loại bọ chét sống trên mèo, chó, dơi thường không gây bệnh cho người.
Ong độc
Một số loại ong có nọc cực độc như vò vẽ có thể gây suy hô hấp, suy thận và chết người nếu bị đốt quá nhiều. Đặc tính của ong là thường chỉ tấn công khi bị con người vô tình hoặc cố ý chọc phá tổ. Cách điều trị hữu hiệu khi bị ong đốt là đến bệnh viện để được theo dõi. Trường hợp nặng phải vừa hỗ trợ hô hấp vừa lọc máu liên tục.
Kiến ba khoang
Loại côn trùng này có tên khoa học là Rove Beetle, mang trên mình loại độc chất có thể gây dị ứng da. Không gây tử vong nhưng kiến ba khoang có thể gây ngứa và viêm loét da người. Nếu điều trị không đúng cách, chữa theo dân gian, người bị đốt dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Cách tốt nhất là mua thuốc sát trùng, thuốc chữa côn trùng cắn để thoa trên da, hoặc dùng xà phòng rửa sạch vùng da tiếp xúc với công trùng.
Sâu
Đây cũng là một trong những loại côn trùng gây kích ứng da. Loại sâu có lông, có gai dễ gây kích ứng hơn sâu thân trơn. Người tiếp xúc có cảm giác ngứa, nhức hoặc phồng da. Cách điều trị tại chỗ là rửa sạch điểm tiếp xúc, bôi thuốc sát trùng.
Bọ xít hút máu người
"Hút máu" người, nhưng đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy bọ xít hút máu gây bệnh hoặc làm tử vong. Một số người cơ địa dễ bị kích ứng mà bị bọ xút cắn nhiều lần có thể gây sốt và cơn sốt sẽ chóng khỏi.
Ve chó mèo
Đây cũng là loại côn trùng không chọn người làm vật chủ mà chỉ đốt do vô tình. Ve chó mèo không gây bệnh, nguy hiểm khi chúng chui vào tai của trẻ em. Một số trường hợp phải vào bệnh viện để gắp ra vì ve chui vào trú ngụ và hút máu. Chính vì điều này, gia đình có nuôi chó mèo cần trị sạch ve hoặc thường xuyên tắm cho vật nuôi bằng xà phòng diệt côn trùng.
Muỗi
Đây là loài gây bệnh nhiều nhất vì số lượng lớn, sinh sản nhanh và lại biết bay. Hai loại muỗi thường gây bệnh là muỗi sốt xuất huyết và muỗi gây bênh sốt rét. So với nỗi lo về các loại côn trùng khác thì muỗi là đáng lưu tâm hơn cả bởi sốt xuất huyết và sốt rét đều có khả năng làm chết người.
Hiện có 3 cách chính để diệt côn trùng. Một là phương pháp cơ học, tức giết bằng vợt điện, giết trực tiếp bằng tay, tránh tiếp xúc, ngủ mùng. Hai là dùng phương pháp sinh học, tức nuôi cá diệt lăng quăng. Ba là dùng hóa chất, cách cuối cùng theo kiểu "đặng đừng chớ" vì ít nhiều có hại cho môi trường và con người.
Ở gia đình, khi phun hóa chất cần cẩn trọng, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Nên phun hóa chất trước 30 phút rồi mới tiếp xúc với môi trường đã phun.
Thiên Chương