Khó tìm việc, lương thấp
Là một công chức nhà nước, chị Thư (Hà Nội) trăn trở suốt mấy tháng nay khi biết con trai đang học lớp 12 có nguyện vọng thi vào đại học ngành Thiết kế đồ họa. Trong suy nghĩ của chị, vẽ vời chỉ để giải trí, làm sao có thể kiếm được việc làm ổn định, lương cao, chưa kể cơ hội thăng tiến gần như không có. Chị cố hướng con học các ngành kinh tế, tài chính kinh doanh với hy vọng ra trường có việc làm ngay, đỡ vất vả.
Theo bà Julia Gaimster, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Thiết kế - Đại học RMIT, những trăn trở của chị Thư cũng là tâm trạng chung của hầu hết phụ huynh có con muốn học ngành thiết kế, làm những công việc sáng tạo như thiết kế đồ họa, nội/ngoại thất, thời trang, hay thực tế ảo ứng dụng.
Thực tế hiện nay, mọi ngành nghề từ sản xuất, bán hàng, marketing cộng với đời sống tinh thần ngày càng cao, nhu cầu thưởng thức cái đẹp ngày càng lớn, những người làm nghề thiết kế dần được coi trọng và có nhiều cơ hội trong thế giới việc làm.

Kinh tế phát triển nên nhu cầu nhân sự thiết kế ngày càng cao.
Các website tuyển dụng hàng đầu như Vietnamworks, Navigos, HR channel thường xuyên tuyển dụng Giám đốc sáng tạo, Thiết kế đồ họa... Trong bối cảnh của nền công nghiệp 4.0, nhiều công ty quảng cáo lớn nhỏ bắt đầu "săn tìm" nhân sự thiết kế thực tế ảo ứng dụng để phục vụ những dự án marketing. Việc này dẫn tới nhu cầu nhân sự thiết kế thực tế ảo ứng dụng - một ngành mới tại Việt Nam tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo một khảo sát của Viet Designer – Diễn đàn designer lớn nhất Việt Nam, mức lương đối với người có kinh nghiệm 4, 5 năm ngành Thiết kế đồ họa là 800 USD – 2.000 USD/ tháng (18 triệu đồng đến 45 triệu đồng/ tháng).
Tại nhiều quốc gia phát triển, thiết kế đồ hoạ luôn nằm trong top những ngành nghề được trả lương cao, như ở Mỹ, thiết kế đồ họa đứng thứ 22 trong số 50 ngành nghề đang có thu nhập tốt nhất với mức lương trung bình là 45.846 USD/năm (hơn một tỷ đồng/ năm).
Thiếu tính thực tế
Nhiều cha mẹ nghĩ con theo nghề thiết kế sẽ thiếu tính thực tế, đầu óc lúc nào cũng trên mây. Thực tế, nghề thiết kế hiện đại đòi hỏi người làm có tư duy mạch lạc, khả năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, tiếng Anh... để thích ứng với thay đổi trong môi trường kinh doanh và xã hội, tiến xa trên con đường phát triển sự nghiệp.
Theo bà Julia Gaimster, giờ đây, kiến thức chuyên môn, năng khiếu chỉ là yếu tố "cần", để "đủ", người làm thiết kế cần giỏi tiếng Anh, hiểu biết về văn hóa để có thể làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra, các em cần có khả năng giao tiếp, tư duy mạch lạc, hiểu biết về thị hiếu, nắm bắt xu hướng thị trường để đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược chứ không chỉ là "thợ vẽ" chỉ đâu đánh đấy.
"Khi hội đủ những yếu tố cần và đủ này, người làm thiết kế có thể làm việc trong bất cứ môi trường nào dù khắc nghiệt đến đâu, đòi hỏi cao đến mấy", bà Julia Gaimster khẳng định.

Sinh viên Thiết kế tại RMIT được đánh giá có khả năng tư duy và giao tiếp tốt.
Xuất thân là một designer chuyên nghiệp trước khi trở thành một social blogger nổi tiếng như hiện nay, chị Phan Anh (Esheep) cho rằng, những kỹ năng tích lũy được từ quá trình làm thiết kế là chìa khóa để chị có thành công như ngày hôm nay, ở một lĩnh vực tưởng như không liên quan gì tới thiết kế.
Theo chị, dù bắt đầu từ đâu và như thế nào, điều quan trọng nhất là rèn luyện, phát triển những kỹ năng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm, đồng thời phải có trí tuệ cảm xúc và tư duy linh hoạt. "Nghề thiết kế cho tôi tư duy sáng tạo, khả năng nhìn thấy cái đẹp ở mọi thứ, hỗ trợ cho tôi rất nhiều ở công việc hiện tại. Tất cả những thứ đó đã trở thành nội lực để tôi có thể giỏi thứ mà mình đam mê và biến nó thành thứ mà xã hội cần", chị Phan Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, chị Mai Phạm, một phụ huynh có con đang học cấp 3 chia sẻ, gia đình chị dự định cho con học thiết kế tại Đại học RMIT theo nguyện vọng của con. "Tôi đã tìm hiểu và thấy tại RMIT, ngoài kiến thức chuyên môn, con sẽ tích lũy được nhiều kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng dùng ngoại ngữ, tư duy phản biện, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin... Khi có những kỹ năng này, ngoài các công việc trong ngành thiết kế, các con có thể thử sức và thành công ở cả các ngành khác nên gia đình không phải lo lắng đầu ra", chị Mai Phạm cho hay.
Môi trường làm việc vất vả, nhiều biến động
Bà Julia Gaimster nhận định, làm nghề nào cũng có sự vất vả riêng của nghề đó. Với thiết kế, một khi đã theo đuổi bằng đam mê, những người làm nghề sẽ vượt qua mọi khó khăn, vất vả.

Đam mê sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn của nghề thiết kế.
Anh Châu Chấn Quyền, nhà sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo Công ty quảng cáo The Secret A, đơn vị sáng tạo thực hiện các TVC của Điện Máy Xanh, cựu sinh viên ngành Thiết kế, Đại học RMIT, chia sẻ, sau vài năm làm việc tại các công ty ở những vị trí thiết kế, giám đốc sáng tạo... anh thấy nhiều cơ hội mở ra cho mình và muốn tận dụng lợi thế của kỹ thuật số để chuyển hướng sang khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo. Những kiến thức và kỹ năng tích lũy được từ trường đại học đã giúp anh rất nhiều trong quá trình làm việc và khởi nghiệp thành công.
Cũng thành công trong ngành thiết kế, anh Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Nghệ thuật cao cấp tại Công ty quảng cáo Delphys Hakuhodo (Nhật), cựu sinh viên ngành Thiết kế, Đại học RMIT, cho rằng cơ hội từ nghề thiết kế không chỉ là việc tốt lương cao mà còn giúp sinh viên mở mang kiến thức, gặp gỡ những người thú vị trong và ngoài ngành để xây dựng mạng lưới nghề nghiệp thông qua những hoạt động trong quá trình học tại trường.
Thế Đan