Mỗi lễ hội, lễ tục trong năm mới luôn thực hiện theo đúng tuần tự nhất định nhằm xua tan cái xấu, đón những điều tốt lành đến trong năm mới.
Lễ hội Rija Nagar
Rija Nagar là lễ hội được tổ chức hàng năm vào tháng giêng Chăm lịch, được xem là Tết trong năm mới của người Chăm. Lễ được tổ chức trong 2 ngày dành cho cả cộng đồng Chăm không phân biệt Chăm Ahier hay Awal.
Ngày đầu của buổi lễ, mọi người trong làng cùng phụ giúp làm nhà lễ gọi là kajang để thực hiện nghi thức cúng,. Ông Ka-ing được xem là trung tâm của buổi lễ với những điệu múa nhập đồng, tay cầm roi, mía, quạt múa điệu dâng cúng các vị thần trong tín ngưỡng người Chăm.
Ngày thứ hai của buổi lễ sẽ dâng những lễ vật như dê luộc, rượu, trầu, mâm hoa quả và quả lựu tượng tưng cho Cei Dalim - vị thần mang những điều tốt lành cho người dân. Kết thúc buổi lễ là tiễn đưa hình nhân thay thế cho dân làng xuống dòng sông nhằm mang đi những tai ương, xấu xa, hoạn nạn của năm cũ và mang đến những điều tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, no ấm trong năm mới.
Lễ dâng xôi, chè
Một bãi đất trống lớn nhất ở đầu làng được người dân sử dụng cho lễ dâng xôi, chè. Trong ngày này, mọi gia đình trong làng đều phải chuẩn bị một mâm lễ vật là chè ngọt, xôi và hoa quả để dâng cúng cho vị thần cai quản địa phương nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa và bình an cho xóm làng.
Vào ngày lễ, mọi người trong làng nô nức, người lớn thì tất bật chuẩn bị cho gia đình một mâm xôi chè thịnh soạn, lũ trẻ thì háo hức được thụ hưởng những chén chè ngon ngọt sau buổi lễ. Một bầu không khí sôi động náo nhiệt ở một vùng quê Chăm yên bình và an lành.
Tục cúng đất đầu năm
Cúng đất là một lễ tục quan trọng trong năm mới của người Chăm, để cầu mong cho tổ tiên và thần thổ địa phù hộ cho gia chủ một năm mới có được những phúc lành, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.
Mâm lễ là hai con gà, một đực và một mái. Gà luộc chín và để đầy đủ các bộ phận, nước luộc gà được dùng làm canh cho lễ cúng, cùng với trứng vịt, trầu, cau, trà, rượu và chén lửa.
Sau lễ cúng, mọi người thân trong gia đình cùng hàng xóm láng giềng quây quần ăn bữa cơm và nhâm nhi vài chén rượu trò chuyện.
Lễ cúng gà đầu năm
Người Chăm sử dụng lịch pháp 12 con giáp như những dân tộc láng giềng khác ở Đông Nam Á như Tikuh (Chuột), Kabauw (Trâu), Rimaong (Hổ), Tapai (Thỏ), Inâ Girai (Rồng), Ula Anail (Rắn), Asaih (Ngựa), Pabaiy (Dê), Kra (Khỉ), Mânuk (Gà), Asau (Chó), Pabuei (Lợn). Mỗi người sinh ra đều ứng với năm con giáp theo lịch Chăm để định vị tuổi tác. Người Chăm cũng quan trọng tuổi theo con giáp như các dân tộc anh em khác, dựa vào con giáp để thực hiện các nghi lễ theo tín ngưỡng dân tộc cho phù hợp như đám cưới, dựng nhà mới, làm ăn buôn bán…
Vào đầu năm mới, người Chăm dựa vào những quan niệm xung khắc theo con giáp để thực hiện nghi thức cúng gà nhằm xua tan mọi thứ xấu xa, giải trừ nghiệp chướng và cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với người đó. Lễ vật là một con gà ứng với một thành viên trong gia đình do chức sắc Po Acar làm chủ lễ cùng với trầu cau và chén lửa.
Với gia đình có 6 người trong đó có 3 người không hợp tuổi thì lễ vật cúng là 3 con gà ứng với 3 thành viên. Cúng gà đầu năm là một nghi thức quan trọng trong những ngày lễ đầu năm của người Chăm.
Bài và ảnh: Putra Jatrai