Chuyên cơ này đang được bài trí lại bởi Comlux - một công ty Thụy Sĩ chuyên thiết kế máy bay hạng sang. Nó cho thấy nhu cầu sống xa xỉ ngày càng tăng của giới siêu giàu.
Hai thập kỷ qua, số tỷ phú trên thế giới ngày càng nhiều lên, mở ra một thị trường mới đầy tiềm năng cho chuyên cơ hạng sang. Để phục vụ thị trường này, các hãng sản xuất máy bay đã thành lập những bộ phận chuyên phát triển phiên bản VIP cho những mẫu máy bay bán chạy nhất, như Boeing Business Jet (BBJ) của Boeing hay Airbus Corporate Jet (ACJ) của Airbus.
Khách hàng có rất nhiều máy bay để lựa chọn, như Airbus A320 hay Boeing 737. Những người rủng rỉnh hơn có thể đặt cỡ lớn hơn, như Boeing 747 và Airbus A340, hoặc các loại mới nhất như Boeing 787 và Airbus A350.
Hiện trên thế giới có khoảng 300 chuyên cơ bản VIP. Một vài trong số đó thuộc sở hữu của Chính phủ để vận chuyển các nguyên thủ quốc gia. Số còn lại thuộc về các tập đoàn lớn hoặc giới siêu giàu.
Dù có phần khung giống với máy bay thương mại, thị trường chuyên cơ hạng sang lại có những tiêu chuẩn hoàn toàn khác. Trong khi một hãng hàng không cân nhắc tính kinh tế và hiệu quả vận hành, khách hàng cá nhân lại chú ý hơn tới cảm giác thoải mái và thuận tiện khi bay.
Chẳng hạn như chiếc A330 được nâng cấp bởi Comlux có thể chở tới 60 người và bay liền 17 tiếng mà không cần nạp nhiên liệu. "Khách hàng của chúng tôi chú trọng tới sức chứa và phạm vi bay. Ví dụ, các nguyên thủ quốc gia mong muốn có thể bay tới một nước khác mà không phải dừng lại giữa đường".
Nội thất cũng là một yếu tố không thể bỏ qua với một chuyên cơ VIP. Nhiều khách hàng không ngại chi mạnh tay để có nội thất thiết kế theo ý mình.
Thiết kế và nâng cấp phần bên trong máy bay là một công việc phức tạp và chỉ một vài công ty trên thế giới mới có đủ chuyên môn thực hiện. Kết quả cuối cùng không những phải khiến cho khách hàng hài lòng, mà còn phải phù hợp với kết cấu máy bay và các quy định về an toàn.
Ví dụ, Boeing 787 và A350 phiên bản VIP sử dụng chất liệu composite giúp máy bay nhẹ hơn so với cấu trúc thép truyền thống. Nhưng nó cũng đòi hỏi phương pháp xử lý và nâng cấp tinh vi hơn.
Nhưng liệu có phải chiếc chuyên cơ nào cũng mang phong cách độc đáo? David Velupillai, chuyên gia tại Airbus cho biết hầu hết giới siêu giàu lại chuộng thiết kế trung tính để giữ giá khi bán lại. "Họ rất bận và chỉ cần một chiếc chuyên cơ với thiết kế như văn phòng để công việc không bị gián đoạn khi di chuyển", ông cho biết.
Đồ đạc trên những chiếc chuyên cơ này thường không giống bề ngoài. Đồ gỗ có thể được làm từ vật liệu nhẹ và bọc bên trong lớp gỗ để giảm bớt trọng lượng.
Tuy nhiên, không vì thế mà chuyên cơ hạng sang đánh mất đi đẳng cấp của mình. Một vài chiếc thậm chí được trang trí bằng 200-300 kg vàng nguyên chất.
Bất cứ chiếc chuyên cơ xa xỉ nào cũng trang bị hệ thống giải trí và kết nối Internet chất lượng cao. Richard Gaona - chuyên gia tại Comlux cho biết công ty của ông còn lắp đặt hệ thống tăng độ ẩm trên máy bay nhằm mang lại cảm giác thư giãn hơn khi bay cho hành khách.
"Thị trường chuyên cơ xa xỉ tuy nhỏ nhưng tạo ra lợi nhuận cao, bởi sẽ không có chuyện giảm giá khi mua số lượng lớn như đối với các hãng hàng không. Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội để quảng cáo bởi những sản phẩm xa xỉ thường thu hút rất nhiều sự chú ý từ công chúng", Adam Twidell - CEO công ty môi giới chuyên cơ PrivateFly kết luận.
Hà Tường (theo CNN)