Thứ ba, 24/12/2024
Thứ năm, 23/4/2020, 15:56 (GMT+7)

Những lao động đêm ở chợ Long Biên

Hà NộiTranh thủ những phút nghỉ ngơi, những người bốc vác, lái xe... chợ đêm Long Biên chia sẻ về cuộc sống và khó khăn ngày dịch.

Kéo xe hàng ở chợ Long Biên 11 năm, bà Phạm Thị Huế (45 tuổi, quê Nam Định) chưa từng thấy cảnh chợ vắng kéo dài nhiều ngày. Giờ vợ chồng bà đang nuôi con gái học đại học, vừa lo bữa ăn hàng ngày, vừa sợ dịch bệnh căng thẳng.

“Dịch bệnh nên chợ vắng, không có việc làm vì có khách đâu. Có nhiều hôm, tôi phải về tay trắng. Chi tiêu ăn uống cũng hạn chế hơn trước vì không biết tình hình còn kéo dài đến bao giờ. Tôi chỉ mong kiếm đủ tiền trả phòng với thuế xe kéo để tiếp tục công việc là được.”, bà Huế nói.

Ông Trịnh Thúc Thủy (50 tuổi, quê Nam Định) cho biết hơn 10 năm đi làm ở Thủ đô, năm ngoái ông đã xây được căn nhà mới, khang trang hơn. Ông dự tính, cuối năm nay sẽ trả hết nợ tiền xây nhà. Nhưng dịch bệnh kéo dài, thu nhập của ông đang bị giảm hơn nửa so với trước.

"Dịch kéo dài đã gần ba tháng, nhiều hôm tôi không đủ tiền ăn thậm chí có ngày chẳng có việc, nhưng vẫn sẽ phải bám trụ ở đây để có đồng ra đồng vào", người đàn ông kéo xe 17 năm ở chợ kể.

1h30 sáng 16/4, ngồi ăn miếng bánh mì được một người đồng nghiệp cho, bà Phạm Thị Cúc (50 tuổi, quê Hưng Yên) băn khoăn không biết đi về hay ngồi đợi thêm lúc nữa. 

“Chỗ tôi đang ngồi là bãi xe chở hàng, luôn trong tình trạng chật kín bãi. Lần đầu tiên trong 20 năm đi kéo xe ở chợ, tôi mới thấy cảnh vắng vẻ này. Giờ ít khách và ít việc hơn trước nên chi tiêu hàng ngày của gia đình cũng phải hạn chế.”, bà Cúc nói. 

Cũng như những lao động ở chợ, bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, quê Phú Thọ) trăn trở lo kiếm tiền mùa dịch. Bà cho biết sau gần 2 tháng ở nhà tránh dịch và chăm sóc con cái, bà đã trở lại công việc vì hết tiền.

Mỗi tháng bà Hiền phải đóng 472.000 đồng tiền xe kéo cho Ban quản lý chợ. Tháng 4 này, bà xin nợ đến tháng sau trả kép. “Tiền nhà trọ, tiền xe kéo hàng tháng và cả tiền thuốc men điều trị bệnh hở van tim… tôi đều phải đóng. Sức khoẻ yếu nên từ khi có dịch, tôi luôn đeo khẩu trang, mang găng tay và hạn chế đi lại. Cái khẩu trang tôi đang đeo cũng là của người ta cho.”, bà Hiền nói.

Bà Lê Thị Hợp (59 tuổi, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) gánh hàng ở chợ 7 năm. Ban đêm gánh, ban ngày bà Hợp làm đồng nát để kiếm thêm tiền. Từ khi thành phố có ca nhiễm nCoV, bà phải nghỉ nghề đồng nát, chỉ ở nhà sau khi kết thúc công việc tại chợ.

 Công việc gánh hàng của bà mùa dịch cũng “nhàn rỗi” vì chợ vắng. “Mỗi gánh, tôi nhận từ 10.000 đến 20.000 đồng tùy khoảng cách và khối lượng hàng. Thời gian làm nhiều hơn trước nhưng có buổi chỉ kiếm được 15.000 đồng, không đủ cả tiền ăn, phải đi vay rồi hôm sau trả bù. Từ rằm tháng Giêng đến giờ, tôi chưa dám về quê lần nào.”, bà Hợp chia sẻ.

Bà Đào Thị Tân (75 tuổi, quê Phú Thọ) bán xôi ở chợ đêm Long Biên đến nay được 7 năm. Bà ở một mình trong căn phòng trọ 5 m2 gần chợ. Vì đã có tuổi, mỗi tháng bà chỉ đi làm 15 đến 20 ngày, còn lại dành thời gian để nghỉ ngơi. Từ khi có dịch, khách mua xôi giảm, bà giảm nửa nguyên liệu mới có thể bán hết hàng.

“Tôi nghỉ bán hơn 2 tuần từ đầu tháng đến giờ. Giờ bán lại có hôm gần ế hàng, may mà được mấy chú lái xe mua nốt. Thuộc diện “hoàn cảnh” nên khi có dịch tôi cũng được hỗ trợ gạo và thực phẩm. Tôi không tiêu pha nhiều nên túc tắc vẫn đủ sống”, bà cụ nói.

“Tôi có tuổi rồi, lưng đau, không kéo hàng nặng như trước được. Dịch bệnh khó khăn chung, chuyện kéo xe đi rồi kéo xe về không còn lạ nữa. Giờ tôi phải để dành từng chút mỗi ngày thì mới có thể xoay sở nuôi thân được.”, ông Trương Quang Tạ (56 tuổi, quê Hưng Yên) kéo xe ở chợ 10 năm chia sẻ.

Gần 2h sáng 16/4, bà Đặng Kim Liên (40 tuổi, quê Hưng Yên) kéo xe hàng trong chợ. Mỗi chuyến xe bà Liên có thể kiếm khoảng 30.000 đến 70.000 đồng tuỳ số lượng và điểm giao hàng. "Trước chồng tôi làm kéo xe hơn 10 năm nhưng rồi bị đau khớp không đi được nên tôi chuyển sang làm nghề này. Chúng tôi cũng mua được chiếc xe chở người cùng quê lên đây làm nhưng dịch bệnh nên chồng phải ở nhà, còn tôi vẫn đi về trong ngày bằng xe máy", bà nói. 

Long Biên là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội. Những hoạt động chính thường diễn ra từ buổi đêm đến sáng sớm. Trong hai ngày 18 và 19/4, Trung tâm y tế quận Ba Đình đã xét nghiệm cho 254 tiểu thương, người lao động tại đây, toàn bộ kết quả âm tính nCoV.

Thanh Huế