Cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng
Sáng 12/12, ông Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cục trưởng Hàng Hải (Bộ Giao thông vận tải) cùng 9 bị can khác hầu tòa tại Hà Nội. Đây được cho là một trong số 10 “đại án” được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xét xử vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, cựu Chủ tịch Vinalines bị truy tố về hai tội: Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Hành vi này gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt Nam.
Cụ thể, khi nắm quyền điều hành Vinalines năm 2007-2008, ông Dương Chí Dũng đã chỉ đạo cấp dưới mua bằng được ụ nổi 83M, vốn đã rất cũ kỹ và hư hỏng nhiều. Thương vụ trót lọt, bên bán đã “lại quả” cho phía Việt Nam 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng), trong đó riêng ông Dũng đút túi 10 tỷ đồng. Hành vi của Dương Chí Dũng cùng các bị can khác được tính toán gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 335 tỷ đồng (chốt vào giữa năm 2012).
Quá trình bắt ông Dương Chí Dũng cũng không dễ dàng khi cơ quan điều tra phát hiện bị can đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi có lệnh bắt vào tháng 5/2012. Phải mất 4 tháng, bị cáo mới được tìm thấy và đưa về Việt Nam điều tra, xử lý. Liên quan đến việc đưa người ra nước ngoài bỏ trốn có ông Dương Tự Trọng - nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, em trai Dương Chí Dũng và nhiều cán bộ công an, hải quan khác.
Cựu Chủ tịch và Phó Tổng giám đốc Vifon
Cũng liên quan đến một vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 21/11 vừa qua, TAND TP HCM đã xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon). Chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng giám đốc công ty, bị truy tố về các tội Tham ô và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông Nguyễn Bi, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng bị buộc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, từ năm 2002 đến 2006, lợi dụng Vifon đang trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, ông Nguyễn Bi và bà Thanh Huyền đã chỉ đạo cấp dưới lập khống nhiều phiếu chi nhằm lấy tiền Nhà nước và các cổ đông, sau đó hợp thức hóa thành nguồn huy động vốn của cá nhân rồi rút ra chiếm đoạt. Tổng cộng, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng, trong đó riêng bị cáo Huyền tham ô hơn 10 tỷ.
Kết thúc xét xử, bà Nguyễn Thanh Huyền phải nhận 30 năm tù, ông Nguyễn Bi 22 năm tù. Tòa cũng buộc bà Huyền phải hoàn trả cho Nhà nước số tiền chiếm đoạt 9,8 tỷ đồng và Vifon 1,3 tỷ đồng. Ông Bi hoàn trả cho Vifon 2,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên và lãnh đạo ACB
Tháng 8/2012, thông tin ông Nguyễn Đức Kiên - thành viên sáng lập nên Ngân hàng Á Châu (ACB) bị bắt vì hành vi "kinh doanh trái phép" đã làm rúng động thị trường tài Việt Nam. Trước đó, cơ quan điều tra đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật của 3 công ty do ông Kiên làm Chủ tịch là Đầu tư thương mại B&B, Đầu tư ACB Hà Nội và Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Sau ông Kiên, ông Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB cũng bị bắt vì hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án còn được xác định có các đồng phạm là cựu Chủ tịch ACB Trần Xuân Giá cùng 3 thành viên trong HĐQT.
Theo cơ quan điều tra, giai đoạn 2005 - 2011, ACB huy động một lượng tiền lớn với lãi suất cao nhưng không cho vay được. Trước tình hình này, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho các tổ chức, cá nhân gửi tiền số tiền này vào các tổ chức tín dụng lấy lại suất. Tổng tiền lãi vượt trần thu được ước gần 260 tỷ đồng.
"Hành vi này đã làm ảnh hưởng đến chủ trương điều hành, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ", cơ quan điều tra xác định.
Ngoài ra, các bị can trên còn chỉ đạo trái phép Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) - do ACB nắm 100% vốn đầu tư cổ phiếu của chính ngân hàng, gây thiệt hại lên đến 688 tỷ đồng. Cá nhân ông Kiên còn liên quan đến hành vi đầu tư kinh doanh tài chính trái phép, lừa đảo, trốn thuế.
Lãnh đạo 5 ngân miền Tây liên quan Thủy sản Phương Nam
Ngành ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi vận hạn khi từ đầu tháng 9 đến nay, gần 30 cán bộ, trong đó có các Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh, sở giao dịch của 5 ngân hàng khu vực Sóc Trăng (LienVietPostBank, Vietcombank, Sacombank và VDB) vướng vào vòng lao lý do liên quan tới những khoản vay trái quy định của Công ty Thủy sản Phương Nam - một trong những đại gia thủy sản vài năm trước.
Trong tổng dư nợ 1.600 tỷ đồng của Phương Nam, 5 chi nhánh ngân hàng trên chiếm tới 65%. Theo xác định ban đầu, do cả nể đây là khách hàng VIP, cán bộ ngân hàng đã dễ dãi trong việc cấp tín dụng, cho vay số tiền lớn nhưng tài sản đảm bảo thấp. Đến năm 2012, khi cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam là ông Lâm Ngọc Khuân cùng gia đình sang Mỹ, bỏ lại số nợ khổng lồ trên thì các ngân hàng miền Tây hoàn toàn chao đảo.
Tổng giám đốc chứng khoán Tràng An và SME
Tháng 1/2013, ông Lê Hồ Khôi - nguyên Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tràng An bị bắt. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán cho biết, ông Khôi đã có hành vi chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hóa hồ sơ nhận ủy thác đầu tư của khách hàng để vay và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank, nay đã sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội).
Phía lãnh đạo SHB khi đó xác nhận, dư nợ gốc mà Tràng An còn nợ tại ngân hàng là 19,8 tỷ đồng, được đảm bảo bằng lượng chứng khoán trị giá 17,6 tỷ đồng. Hiện Chứng khoán Tràng An đã bị chấm dứt tư cách thành viên và ngừng giao dịch tại hai Sở giao dịch Hà Nội và TP HCM, bao gồm cả sàn UPCoM.
Trước đó, tháng 8/2012, ông Phan Huy Chí - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME cũng bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông tin điều tra ban đầu, năm 2010, ông Phạm Minh Tuấn đã chỉ đạo giả mạo giấy tờ của một cá nhân để ký hợp đồng tham gia góp vốn đầu tư lô chứng khoán và nhận 107 tỷ đồng của một công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, SME mới trả được một phần tiền để khắc phục hậu quả, không thể trả hết gần 60 tỷ đồng còn lại. Hiện nay, thông tin về tình hình kinh doanh của SME hầu như không còn xuất hiện trên thị trường.
Chủ dự án bất động sản B5 Cầu Diễn
Cuối tháng 9 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc liên quan tới dự án khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Giai đoạn 2009-2010, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đầu tư nhà đất Housing (Housing Group) để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn. Sau đó, ông này đã ký ký hợp đồng với hơn 200 khách hàng, song số tiền trên không được dùng để thực hiện dự án khi mà cho đến nay, sau gần 3 năm huy động vốn, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Chủ tịch MB24
Tháng 8/2012, Công an Hà Nội ra quyết định truy nã đặc biệt với Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24. Ông Minh bị cơ quan điều tra tình nghi có hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm cho hay, với việc thu tiền của người mua gian hàng ảo trên mạng bằng hình thức giống kinh doanh đa cấp, MB24 có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng. Sau khi phát hiện sai phạm tại MB24, cơ quan điều tra cũng đã triệu tập và bắt hàng loạt lãnh đạo, quản lý của công ty này.
Chủ tịch Tập đoàn Y dược Bảo Long
Tháng 6/2013, ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch tập đoàn Bảo Long đã bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “sử dụng trái phép tài sản”, liên quan đến khu đất và tài sản công ty tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Cụ thể, năm 2011, Tập đoàn Bảo Sơn chuyển 227,5 tỷ đồng cho Bảo Long để mua cổ phần gồm toàn bộ vốn cổ phần và vốn góp bổ sung của các cổ đông, hơn 50.000 m2 quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, hạ tầng kỹ thuật, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm... Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Hữu Khai đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.
Huyền Thư (tổng hợp)