Chuyện đời, chuyện nghề, những kỷ niệm trong cuộc chiến chống Covid-19 được Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM; bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trải lòng trong talkshow "Điều phi thường của yêu thương" phát trực tiếp trên VnExpress ngày 3/3.
Làm việc với cường độ cao
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM chia sẻ, một trong những hành động nhanh, kịp thời của TP HCM là đưa đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh. Trong đợt Covid-19 đầu tiên, nhiều gia đình đón con cháu du học, từ nước ngoài về, điện thoại người dân gọi đến mức "cháy máy".
Bác sĩ Mai vẫn nhớ cuộc gọi sau 0h từ Hà Nội về việc cháu xét nghiệm 2 lần sau khi về nước nhưng chưa thấy được đoàn tụ gia đình. Bác sĩ Mai liền gọi đến phòng xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân. Đến 2h, nhận câu trả lời từ phòng xét nghiệm và giải thích cho người dân xong, bác sĩ mới yên tâm chợp mắt tiếp.
Bẵng đi một thời gian, bác sĩ Mai quên mất câu chuyện đó vì có quá nhiều việc ập đến. Một ngày nhận được tin nhắn cảm ơn từ gia đình, dù không có gì lớn lao nhưng nữ bác sĩ cảm thấy ấm lòng.
Đồng cảm với bệnh nhân
Bác sĩ Thanh Xuân, Khoa hồi sức cấp cứu chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kể, nghe tin Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, ngay từ sớm, y bác sĩ được tập huấn để tìm hiểu căn bệnh lạ.
Nằm trong ekip điều trị cho bệnh nhân phi công Anh, bác sĩ Xuân cảm nhận ca bệnh này rất đặc biệt. Thời gian trong phòng cách ly với bệnh nhân, ngoài theo dõi dấu hiệu bệnh, nữ bác sĩ thường nắm tay và thủ thỉ động viên "Ông ơi, ông cố lên nhé".
Bạn bè của bệnh nhân ở Anh gửi lời động viên, bài nhạc mà ông thích nhờ bác sĩ bật cho ông nghe. Dù mê man nhưng ông vẫn ý thức điều diễn ra xung quanh: mạch ông chậm lại, sinh hiệu có vẻ khả quan. Các bác sĩ "xem đây là ánh sáng cuối đường hầm".
Thời gian điều trị, bác sĩ Xuân trải qua bao lần áp lực. Là phụ nữ, chị chia sẻ không tránh khỏi giây phút yếu lòng, nhớ người thân. Có lần, bệnh nhân người Anh bảo muốn ăn những món quê nhà, rồi khó chịu, cáu gắt, đòi tắt, bật đèn liên tục... Bác sĩ Thanh Xuân bảo: "Tôi chưa gặp bệnh nhân nào khó chiều như ông!". Bệnh nhân đáp: "Tôi khó chịu, cô có biết tôi nhớ người nhà tôi lắm không?". "Tôi cũng nhớ chồng tôi vậy!", nữ bác sĩ trả lời với giọng vui đùa.
Qua những lần trò chuyện thật lòng, bác sĩ và bệnh nhân hiểu nhau như những người bạn. Lần gặp lại ekip bác sĩ chăm sóc sau khi phục hồi, bệnh nhân Anh đã khóc. "Khoảnh khắc hội ngộ thật xúc động", bác sĩ Xuân nhớ lại.
"Hoãn cưới" để chống dịch
Bác sĩ Xuân từng hoãn hai lần đám cưới để chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19. "Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của vợ chồng, giống như nét chấm phá cho tình yêu trong năm Covid-19", cô nói.
Cuộc điện thoại của bố chồng làm cô bất ngờ: "Con đừng lo lắng, cứ lo chống dịch, chuyện cưới để bố lo". Nữ bác sĩ vui, một phần vì được thấu hiếu, phần khác nhờ công tác tuyên truyền mà nhiều người hiểu sứ mệnh cấp bách của y bác sĩ.
Hai lần hoãn cưới, vừa kết hôn khoảng giữa tháng 7/2020 thì mấy ngày sau, dịch bùng phát ở Đà Nẵng. Hai vợ chồng chỉ gặp nhau lúc giao ca. "Mọi người hay đùa chúng tôi có 'tuần trăng mật' đáng nhớ trong phòng cách ly. Khi vợ về nhà, chồng đã nấu sẵn thức ăn và nhắn nhủ lại. Lúc đó, áp lực trong công việc tan biến hết", bác sĩ Xuân nói.
Lời động viên - "liều thuốc" tiếp thêm sức mạnh
Trong thời gian Covid-19, bác sĩ Mai cảm nhận công việc gắn bó gần 30 năm, nay được nhiều người quan tâm hơn, nhất là hàng xóm láng giềng. Chị kể, nhờ công tác truyền thông, mọi người không xa lánh khi bản thân tham gia chống dịch. Ngược lại, còn được hỏi han như "Hôm nay, chị có khỏe không?", "Sao chị đi làm sớm, về trễ thế?", "Có thêm ca bệnh mới không?..
Ngoài sự quan tâm của xã hội, là phụ nữ vừa chăm lo gia đình, đảm đương việc cơ quan nhưng bác sĩ Mai cho biết không gặp nhiều khó khăn. Một phần nhờ ủng hộ, thấu hiểu từ người thân, đồng nghiệp. Là phụ nữ nên được yêu thương, đồng nghiệp nam nhường nhịn hơn.
Covid-19 bùng phát, cả nhà sắp xếp để chị chuyên tâm làm việc vì có thể giúp hàng nghìn gia đình khác được bình an. Ba mẹ trên 85 tuổi, nữ bác sĩ xem đây là động lực đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ cho sức khỏe cho đối tượng có nguy cơ cao.
Giống như bác sĩ Mai, bác sĩ Xuân được gia đình hai bên tạo điều kiện cùng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Cô cảm thấy ấm lòng, gia đình bên cạnh hỗ trợ. Bạn bè gửi thức ăn vào khu cách ly, dù ở rất xa nhưng luôn hỏi han "có ổn không, có sao không, cố lên nhé"...
Trong bối cảnh đặc biệt của Covid-19, có nhiều câu chuyện hy hữu, nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, tình yêu thương là sợi dây vô hình để kết nối, giúp mọi người xích lại gần nhau vì mục tiêu chung. Còn với bác sĩ Mai, bác sĩ Xuân đã trải qua nhiều lần vượt lên chính mình một cách ngoạn mục.
Là đơn vị khởi xướng chương trình "Điều phi thường của yêu thương", ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mong muốn tri ân nữ y bác sĩ đã âm thầm gánh vác lo toan, tạo thành "lá chắn yêu thương" chung tay cùng cả nước chiến đấu với Covid-19.
Không chỉ đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu, mà trong cuộc chiến này còn có nữ phóng viên trực tiếp ghi nhận thông tin ở vùng dịch, tiếp viên hàng không trong chuyến bay "giải cứu". Những người mẹ nội trợ gia đình giúp chăm sóc con cháu để chị em yên tâm làm nhiệm vụ. Tại PNJ, hơn một năm, hơn hai phần ba là phụ nữ phải xén thời gian của gia đình để đến sớm, về trễ hơn, thực hiện công tác phòng chống dịch bảo vệ khách hàng. "Chúng tôi tri ân phụ nữ vì những đóng góp cho gia đình, xã hội của các chị em", ông nói.
Người đứng đầu PNJ cho biết, doanh nghiệp sẽ làm nhiều hơn để chương trình "Điều phi thường của yêu thương" do PNJ khởi xướng lan tỏa những điều tích cực, tạo các kênh thông tin để mọi người chia sẻ, tôn vinh phụ nữ làm nên điều phi thường cho bản thân, cộng đồng.
Ngọc An (Ảnh: Hữu Khoa)