![]() |
Nhà thơ Mỹ John Balaban. |
Nhà thơ tâm sự: "Lần đầu đến Việt Nam, tôi mới 23 tuổi. Lúc đó, tôi là học viên cao học của Đại học Havard, nhưng đã bỏ để đến đất nước này với tổ chức International Voluntary Services. Tôi nghĩ nên cố gắng làm một điều gì đó để chống lại chiến tranh".
Chuyến đi cuối năm 2002 là lần thứ tám Balaban đến Việt Nam. Ông nhớ tất cả từng chuyến đi trước đó: “Lần thứ hai tôi trở lại Việt Nam để sưu tầm ca dao. Tôi lang thang một mình ở chốn quê với một cái máy ghi âm, xin người ta hát ca dao cho tôi nghe. Suốt 9 tháng trời như vậy, tôi trải qua cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui sướng. Cuối năm đó, tôi thu thập được 500 giờ ghi âm những bài ca dao”.
Từ tài liệu này, Balaban đã chọn dịch thuật và xuất bản tập Ca dao Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Anh ở Mỹ. Hồi đó, ông nói tiếng Việt sành sỏi, nhưng từ đó đến nay không dùng đến nên cũng bị mòn đi. Dù vậy, trong những cuộc trò chuyện với người Việt, ông vẫn đệm một số từ mà ông yêu thích. Trong những buổi đọc thơ và giới thiệu văn học Việt Nam với công chúng Mỹ, Balaban đôi khi cao hứng, hát một bài dân ca Nam Bộ.
“Lần thứ ba tôi trở lại Việt Nam theo Uỷ ban Cứu trợ trẻ em thương tật trong chiến tranh. Chúng tôi là một nhóm phản chiến, đứng đầu là các bác sĩ Benjamin Spock và Albert Sabin, Herbert Needleman. Công việc của tôi là đem những đứa trẻ bị thương trong chiến tranh sang Mỹ để chữa trị, rồi đưa chúng trở về gia đình khi đã khỏe mạnh”, nhà thơ nói.
Cuộc chiến kết thúc, Balaban tưởng là mình có thể xong nợ với Việt Nam để sống cuộc đời bình thường, dạy học và làm thơ. “Thế rồi, năm 1985, tôi được mời sang Việt Nam với hai nhà thơ chiến binh Mỹ. Bản thân tôi chưa bao giờ là lính, vì tôi từ chối phục vụ quân đội". Những điều mắt thấy tai nghe đã làm sống lại Việt Nam trong ông. Balaban quyết định viết lại cái duyên nợ của mình với đất nước này. Năm 1989, ông trở lại vùng sông Cửu Long, lặn lội đến những miền quê hẻo lánh để gặp lại những đứa bé ngày nào còn thương tật nặng nề, thậm chí thập tử nhất sinh, giờ đang sống an lành. Kết quả của chuyến đi là sự ra đời cuốn hồi ký Nhớ mặt của trời (Remembering Heaven’s Face). Cuốn sách đến nay vẫn còn được lưu hành và John Balaban vẫn là một cái tên được những người yêu hòa bình nghĩ tới khi muốn giao lưu văn hóa với Việt Nam.
Ông kể: “Vào thập niên 1990, tôi có dịp trở lại Việt Nam trên chiếc tàu đại học với 500 sinh viên. Tôi giảng về lịch sử văn hóa Việt Nam suốt một học kỳ trên biển. Trên tàu vui lắm. Sinh viên Mỹ vốn không biết gì về Việt Nam kể từ sau chiến tranh, giờ đây háo hức tìm hiểu văn hóa xứ sở này”.
Sau những chuyến đi về Việt Nam, Balaban đã bén duyên với một phụ nữ Việt: nhà thơ Hồ Xuân Hương. Cách đây ba năm, ông đến Hà Nội để gặp các học giả Hán Nôm, tham khảo về việc dịch thơ của nữ sĩ họ Hồ sang tiếng Anh. Tập thơ Spring Essence đã được xuất bản ở Mỹ năm 2001 và bán được 18.000 bản. Với thành tựu kỹ thuật số hóa chữ Nôm của tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, tập thơ đã được in bằng chữ Nôm, chữ Việt và tiếng Anh. Ngay sau đó, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm được ra đời. Balaban làm giám đốc, ông ra sức vận động để xúc tiến việc xuất bản bộ tự điển tiếng Nôm - Quốc ngữ.
(Theo Thanh Niên)