Giải cứu những đứa trẻ ở Thái Lan
Trong sự cố hang Tham Luang, nơi 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên bị mắc kẹt vào năm 2018, Musk tập hợp một loạt các kỹ sư từ Tesla, SpaceX và Boring Company để tạo ra một chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ, sử dụng các bộ phận tên lửa.
Tuy nhiên, trưởng đoàn cứu hộ khi đó cho biết thiết bị này không thực tế. Cuộc giải cứu cũng thành công mà không cần thiết bị của Musk. Một thợ lặn người Anh tham gia cuộc giải cứu cũng gọi hành động của CEO Tesla là "trò PR" và cho rằng tàu ngầm không có cơ hội hoạt động trong kịch bản này.
Tuy nhiên, một quan chức quân sự Thái Lan đánh giá tàu ngầm của Musk có thể hữu ích cho các nhiệm vụ tương lai. Các kỹ sư từ SpaceX sau đó đã gặp gỡ các thành viên của Hải quân Thái Lan để huấn luyện cách sử dụng thiết bị.
Khủng hoảng nước nhiễm chì
Năm 2014, thành phố Flint thuộc tiểu bang Michigan phải chịu thảm họa môi trường sau khi nguồn cấp nước từ hồ Huron sang sông Flint bị nhiễm chì nặng. Một số cư dân mắc bệnh bị tổn thương da, trầm cảm và mất trí nhớ.
Tháng 7/2018, Musk cho biết sẽ sửa chữa các đường ống trong những ngôi nhà bị ô nhiễm. Cùng năm, tổ chức từ thiện Musk Foundation quyên góp 424.000 USD để mua máy tính cho học sinh trung học Flint, cũng như hơn 480.000 USD để lắp đặt hệ thống lọc mới cho các đài phun nước ở tất cả trường học ở thành phố này.
Giải pháp tránh ách tắc giao thông
Musk từng nói ghét việc tham gia giao thông, nhất là khi đường phố tắc nghẽn. Giải pháp của ông là đào một mạng lưới đường hầm dưới lòng đất.
Thông qua công ty Boring Company, ông đang tìm cách tạo ra hệ thống đường hầm dưới lòng đất với tên gọi Loop, cho phép các xe tự hành chở người với tốc độ di chuyển lên đến 250 km/h, giảm thời gian di chuyển và giảm thiểu ô nhiễm do giao thông gây ra.
Tuy nhiên, tham vọng của Musk đang diễn ra một cách chậm chạp. Hiện hai kế hoạch xây hầm ở Los Angeles và Chicago đã thất bại, còn dự án hoàn thành đầu tiên ở Las Vegas hoạt động chưa như kỳ vọng. Boring Company đang lên kế hoạch xây tiếp hệ thống hầm ở Texas và Nevada.
Thiếu điện sau bão Maria ở Puerto Rico
Cơn bão Maria hồi tháng 9/2017 khiến 3,5 triệu cư dân Puerto Rico không có điện sinh hoạt trong nhiều ngày. Tesla khi đó cam kết lắp đặt các bộ pin và sửa chữa các tấm pin mặt trời trên tại đây.
Sau cơn bão, công ty của Musk gửi hàng trăm viên pin cỡ lớn Powerwall tới Puerto Rico. Trên Twitter, ông cho biết pin Tesla đang cung cấp năng lượng cho 662 địa điểm trên đảo. Hai tháng sau, ông nói Tesla có "khoảng 11.000 dự án điện mặt trời được thực hiện ở Puerto Rico".
Trước đó, năm 2010, tổ chức Musk Foundation và công ty điện năng lượng mặt trời SolarCity cũng đã tặng hệ thống năng lượng mặt trời cho một trung tâm ứng phó bão ở làng Coden, Alabama. Năm 2011, quỹ quyên góp 250.000 USD xây dựng hệ thống điện mặt trời ở Soma, thành phố thuộc tỉnh Fukushima của Nhật Bản, nơi bị sóng thần tàn phá.
Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm
Elon Musk từ lâu đã thể hiện mong muốn con người hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các dạng năng lượng tái tạo để tránh gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp của ông là sử dụng xe điện và thay điện sản xuất từ dầu mỏ, khí đốt sang năng lượng mặt trời.
Tesla đang là một trong những công ty sản xuất xe điện tiên phong. Musk được đánh giá có nỗ lực nhiều hơn các công ty khác với tầm nhìn biến ôtô điện thành phương tiện di chuyển chủ đạo của loài người trong tương lai.
Ngoài ra, Tesla cũng có bộ phận chuyên về điện mặt trời, gồm pin mặt trời và thiết bị lưu trữ điện năng này, như pin Powerwall. Pin này có 2 phiên bản với giá 3.500 USD cho 10 kWh hoặc 3.000 USD cho bản 7 kWh.
Đưa con người lên Sao Hỏa
Musk từng cho biết một trong những tham vọng của ông khi thành lập SpaceX là chiếm lĩnh Sao Hỏa, đưa loài người sống trên "đa hành tinh". Đây là giải pháp ông đưa ra để giải quyết việc loài người có thể bị xóa sổ trên Trái đất trong tương lai.
"Hoặc chúng ta chuyển sang hành tinh khác, hoặc có nguy cơ tuyệt chủng", Musk nói, theo Futurism. "Việc loài người tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi và việc chúng tôi đang làm là cứu chính mình".
Musk đang có kế hoạch đóng 1.000 tàu Starship để chinh phục vũ trụ. Ban đầu, ông muốn sứ mệnh vận chuyển hàng hóa bằng tàu này lên Sao Hỏa vào 2022, nhưng hiện lùi sang 2024.
Giải quyết khủng hoảng cháy rừng ở California
Vụ cháy rừng ở California năm 2018 gây thiệt hại nặng nề với hàng trăm nghìn mẫu đất rừng bị thiêu rụi. Khi đó, Musk cho biết xe Tesla có "bộ lọc HEPA cấp bệnh viện" và có thể giúp di chuyển người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng. Thực tế, nhiều nạn nhân cho biết bộ lọc của Tesla giúp họ thở dễ dàng hơn.
Khi cháy rừng bùng phát trở lại vào năm 2019 gây mất điện khắp California, Musk lên Twitter kêu gọi người dân mua pin Tesla Solar và Powerwall để có nguồn điện sạch 24/7 và không mất điện. Tuy nhiên, theo Washington Post, giải pháp của Tesla có thể giúp một ngôi nhà có điện chỉ trong khoảng một hoặc hai ngày, nhưng chi phí lên đến hàng chục nghìn USD.
Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế do Covid-19
Trong thời gian đầu Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Musk huy động nguồn lực từ các nhà máy SpaceX và Tesla để sản xuất máy trợ thở. Các kỹ sư của hai công ty cũng nhanh chóng bắt tay vào việc chế tạo loại máy này sau đó.
Bên cạnh đó, ông cũng mua sắm các thiết bị y tế để phân phối cho các bệnh viện. Tuy nhiên, đến nay, số lượng máy thở và vật tư y tế mà các công ty của Musk cung cấp vẫn chưa được tiết lộ.
Sẽ tặng 6 tỷ USD giải quyết nạn đói toàn cầu
Musk khẳng định sẽ chi 6 tỷ USD từ cổ phiếu Tesla để khắc phục nạn đói, nhưng ra điều kiện rằng Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phải chứng minh được số tiền này thực sự giải quyết được nạn đói toàn cầu.
Thông tin được ông đăng trên Twitter sau khi David Beasley, Giám đốc WFP, ngày 26/10 kêu gọi sự ủng hộ của các tỷ phú giàu nhất thế giới. Beasley cho biết nhóm của Musk có thể "xem xét và làm việc với WFP để có sự tin tưởng hoàn toàn". Ông cũng giải thích mình không nói khoản quyên góp 6 tỷ USD sẽ "giải quyết nạn đói trên thế giới".
Musk sau đó chưa bình luận thêm.
Bảo Lâm (theo Business Insider)