Trái Đất có dạng hình cầu hoàn hảo
Hình dạng Trái Đất luôn thay đổi không ngừng do sự chuyển động của các mảng kiến tạo. Nhưng tốc độ di chuyển của chúng rất nhỏ, khoảng 5 cm mỗi năm, theo Bright Side. Trái Đất không phải là hình cầu hoàn hảo mà có dạng ellipsoid, dẹt ở hai cực và phình ra tại khu vực xích đạo. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu và băng tan chảy đang khiến Trái Đất phình ra to hơn.
Mặt Trăng có một mặt luôn tối
Quan điểm cho rằng ánh sáng Mặt Trời chỉ chiếu một phía của Mặt Trăng và phía còn lại luôn chìm trong bóng tối là khá phổ biến. Niềm tin này bắt nguồn từ thực tế đó là Mặt Trăng chỉ có một mặt đối diện với Trái Đất, trong khi mặt còn lại không thể quan sát được từ Trái Đất.
Trên thực tế, Mặt Trời tỏa sáng và sưởi ấm cả phần có thể nhìn thấy và không thể nhìn thấy trên Mặt Trăng. Khoảng thời gian Mặt Trăng quay quanh trục của nó trùng với khoảng thời gian Mặt Trăng bay theo quỹ đạo quanh Trái Đất. Đây là lý do chúng ta chỉ nhìn thấy một mặt của Mặt Trăng.
Cận cảnh Mặt Trăng quay quanh trục
Sao Thủy là hành tinh có nhiệt độ cao nhất
Sao Thủy ở gần Mặt Trời nhất nên theo lẽ thông thường nhiệt độ bề mặt của nó phải cao hơn các hành tinh khác. Nhưng thực tế cho thấy, hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt Trời là sao Kim, dù nó cách xa Mặt Trời hơn sao Thủy 50 triệu km. Nhiệt độ trung bình vào ban ngày của sao Thủy là 350°C, trong khi đó nhiệt độ sao Kim có thể đạt tới 480°C.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do sao Thủy không có bầu khí quyển, còn sao Kim có bầu khí quyển đậm đặc cấu tạo chủ yếu từ carbon dioxide (CO2) gây ra hiệu ứng nhà kính cường độ cao.
Mặt Trời là một quả cầu lửa khổng lồ
Nhiệt độ trên bề mặt của Mặt Trời cao khủng khiếp, khoảng 5.700°C. Nhiều người so sánh Mặt Trời với một quả cầu lửa khổng lồ. Tuy nhiên đây không phải là sự so sánh chính xác. Những gì chúng ta thấy giống như lửa thực chất là năng lượng giải phóng dưới dạng nhiệt và ánh sáng. Năng lượng này được tạo ra bởi phản ứng nhiệt hạch trong lõi của Mặt Trời.
Ánh sáng Mặt Trời có màu vàng
Những người am hiểu về thiên văn học có thể nói với bạn rằng Mặt Trời thuộc về một nhóm sao gọi là sao lùn vàng. Nhưng giống như tất cả các ngôi sao lùn vàng khác, Mặt Trời hoàn toàn có màu trắng.
Ánh sáng có bước sóng dài trong phần màu vàng và màu đỏ của quang phổ đi qua bầu khí quyển Trái Đất tốt nhất. Ánh sáng ở các bước sóng ngắn hơn trong phần màu xanh lá cây đến tím của quang phổ sẽ bị tán xạ nhiều hơn trong tầng cao khí quyển. Điều này làm cho Mặt Trời có màu vàng.
Trái Đất nằm xa Mặt Trời hơn vào mùa đông
Đây là một sự hiểu lầm khá phổ biến khác dựa trên thực tế mùa đông thời tiết trở nên lạnh hơn so với mùa hè. Nguyên nhân không phải do Trái Đất ở xa nguồn phát nhiệt nên nhiệt độ trở nên thấp hơn. Thực tế là vào mùa đông Trái Đất đến gần Mặt Trời hơn 5 triệu km so với mùa hè.
Đây là do bên cạnh việc quay quanh Mặt Trời, Trái Đất còn tự quay quanh trục của chính nó. Đây cũng là lý do khiến chúng ta có ban đêm và ban ngày. Trục tự quay của Trái Đất không vuông góc với quỹ đạo dịch chuyển của nó quanh Mặt Trời.
Trong thời gian 6 tháng, phần lớn lượng nhiệt ấm áp từ Mặt Trời sẽ chiếu xuống Nam bán cầu, trong khi nửa năm còn lại chiếu xuống Bắc bán cầu, tạo ra các mùa trong năm. Mùa hè ở Nam bán cầu ấm hơn so với ở Bắc bán cầu. Đây là kết quả của việc Trái Đất di chuyển đến gần Mặt Trời nhất vào tháng một, tức là khi Nam bán cầu đang vào mùa hè.
Lê Hùng