Tại tập thứ 6 của chuỗi UniPrep với chủ đề "Đào tạo marketing - bối cảnh mới, xu hướng mới", bà Lưu Thanh Huyền - Giám đốc nhân sự phát triển năng lực và tổ chức L'Oréal Việt Nam cho biết nhu cầu về marketing của các doanh nghiệp ngày càng nhiều bởi cốt lõi của ngành này là xây dựng, thay đổi hành vi người dùng để tạo thị trường. Xã hội ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ bởi nhu cầu của con người tăng cao không ngừng.
Theo đó, nhu cầu nhân sự và số lượng sinh viên muốn theo ngành cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty vẫn còn bỏ trống rất nhiều vị trí marketing bởi lực lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hoặc năng lực để tồn tại và phát triển với ngành còn hạn chế.
Điều này đặt ra vấn đề, trước khi bước vào thị trường lao động, các bạn trẻ không chỉ cần trang bị kiến thức, mà còn phải nhận thức đúng về ngành và trau dồi kỹ năng phù hợp với thực tiễn.
Bà Lê Huỳnh Phương Thục - Tổng giám đốc Chuỗi bán lẻ Guardian Việt Nam cho biết, ngay từ khi chọn ngành, nhiều bạn trẻ có quan niệm "nghề marketing nghe sang", có thu nhập tốt.
Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn nhận một chiều. Nghề này có tính chọn lọc rất cao. Người làm marketing rất nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân viên và người quản lý bộ phận marketing giỏi. Đồng thời, tuổi thọ của nghề cũng không dài. Nếu làm marketing, sau 10 năm, người lao động cần nghĩ con đường kế tiếp của mình là gì bởi sức cạnh tranh trong nghề rất lớn.
"Chúng ta không thể nghĩ bản thân càng già càng kiếm được nhiều tiền. Nghề này có sự chọn lọc tự nhiên. Marketing rất đẹp nhưng rất khắc nghiệt", bà nói thêm.
Nữ diễn giả khuyên các bạn chuẩn bị bước vào đại học nên chọn học và làm lĩnh vực đúng với sở trường của mình để phát huy, có cơ hội thể hiện thế mạnh của mình, từ đó, có thu nhập tốt, chỗ đứng trong nghề. "Nghề nào cũng ‘sang’ và có thể kiếm được nhiều tiền nếu bạn giỏi", bà Thục khẳng định.
Ở khía cạnh khác, ông Tăng Gia Hải Lam - Phó tổng giám đốc YouNet Group cho rằng các bạn trẻ không nên "ảo tưởng" làm marketing tức là làm những quảng cáo hay, fanpage hài hước... "Đó chỉ là một phần của marketing, cốt lõi của nghề này vẫn là kinh doanh", anh nhấn mạnh.
Trong quá trình tương tác với sinh viên, anh nhận thấy nhiều bạn trẻ chọn marketing vì cảm thấy nghề này vui, hoành tráng do dễ được truyền cảm hứng khi nghe nói nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, mọi hoạt động marketing cần hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Do đó, tư duy kinh doanh là điều không thể thiếu.
Bà Thanh Huyền cũng cho biết, quan niệm "ai cũng làm được marketing" cũng là một sai lầm phổ biến. Kiến thức nền tảng là điều rất quan trọng trong mọi ngành nghề, đặc biệt là marketing.
Ví dụ, có thể có nhiều người làm được một sự kiện, chương trình quảng cáo... thú vị. Thế nhưng, quá trình lên ý tưởng, nội dung và xác định tác động từ các hoạt động này đối với đối tượng mục tiêu của nhãn hàng mới là yếu tố quyết định người làm giỏi hay không. Bởi lẽ, với một người có nền tảng vững chắc, họ sẽ chọn nội dung, thông điệp dựa trên quá trình nghiên cứu hành vi, sự thật ngầm hiểu (insight), vấn đề của người dùng..., thay vì cảm thấy các hoạt động, ý tưởng này có vẻ hay, dựa theo những điều đang được nhiều người quan tâm.
"Điều đầu tiên nhà tuyển dụng hỏi ứng viên là tại sao bạn có ý tưởng đó để đánh giá cách các bạn suy nghĩ, tư duy", bà nói thêm.
Marketer trẻ cần trang bị gì?
Trong thời đại truyền thông đa chiều, nhu cầu người dùng thay đổi nhanh chóng, nhiều bạn trẻ có thể gặp tình trạng fomo, sợ mất thông tin hay không theo kịp những chuyển biến đó. Do đó, ông Lam khuyên marketer trẻ, nếu muốn theo nghề, các bạn cần có tư duy mở và trau dồi kỹ năng tự học, cập nhật liên tục đọc, xem... sau đó, tự đúc rút kinh nghiệm.
"Dữ liệu của riêng social marketing đã cập nhật liên tục, không giới hạn trong việc người dùng nói gì mà còn là mua gì, ưu tiên điều gì hơn. Quan trọng là người làm nghề có thể liên kết, tận dụng các dữ liệu đó với kinh doanh như thế nào", ông phân tích.
Đồng quan điểm, bà Thanh Huyền khẳng định, nhà tuyển dụng đánh giá rất cao tinh thần ham học, tò mò và mong muốn hiểu, giúp đỡ người dùng của ứng viên. Theo hai diễn giả, dù là "dân chuyên" hay "tay ngang", người trẻ đều có thể thành công với nghề này nếu có kỹ năng này. Tuy nhiên, người không xuất phát từ ngành học marketing sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Thứ hai, marketer trẻ cần có tư duy dữ liệu. Để đưa ra chiến dịch hay, người làm nghề cần phân tích hành vi người dùng. Hiện tại, với sức mạnh của công nghệ, dữ liệu về người dùng dễ nắm bắt hơn.
"Nếu phân tích đúng, chúng ta sẽ nhìn ra được hành vi thật của người dùng còn tốt hơn là làm khảo sát. Bởi có rất nhiều thông tin, mong muốn, vấn đề của họ ẩn sâu trong những dữ liệu đó", bà Huyền nhận định.
Nữ diễn giả khẳng định, một bạn trẻ có nền tảng marketing tốt, hiểu insight, thói quen, thị trường, có niềm đam mê với nhãn hàng hoặc mong muốn thay đổi hành vi người dùng và hiểu, tư duy dữ liệu nhanh, liên tục cập nhật xu hướng chắc chắn là một hình mẫu lý tưởng về một marketer mà công ty nào cũng muốn tuyển dụng.
Bà Phương Thục khuyên người trẻ nên tích lũy kỹ năng sáng tạo. Một marketer được săn đón trên thị trường là những người có thể tạo dựng thương hiệu từ con số không, có khả năng thay đổi định vị và tạo ra một sự mới mẻ.
Ngoài ra, đạo đức nghề nghiệp cũng là một trong những điều người trẻ cần lưu ý. Theo bà, marketing, truyền thông có thể thay đổi hành vi, thái độ của người dùng đối với một sản phẩm, dịch vụ. Do đó, người làm nghề cần làm việc ít có hại nhất có thể.
"Các bạn làm marketing rất dễ rơi vào những cái con đường 'tà đạo' trong ngành. Hãy chỉ marketing những sản phẩm, dịch vụ có ích cho con người, phục vụ được sự phát triển của xã hội và tốt cho con người", bà nói thêm.
Đồng quan điểm, lãnh đạo YouNet Group cho biết, điều ông thường xuyên dặn nhân viên chỉ quảng cáo cho sản phẩm bản thân dám dùng. "Nếu mình còn không dám thì đừng nói, khi đó sẽ thành nói khoác. Làm marketing là nói hay, chứ không có nói khoác", ông nhấn mạnh.
Nhật Lệ
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.