Thống kê toàn cầu của OMFIF Gender Balance Index vào 2019 cho thấy, tỷ lệ nữ giới trong ngành ngân hàng với các vị trí nhân viên cao cấp là 80% nhưng chỉ 32% được giao vị trí phó thống đốc và chỉ 8% nữ giới trở thành người đứng đầu lãnh đạo một ngân hàng trung ương (thống đốc).
Với việc vừa được Quốc hội phê chuẩn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng đã đi vào lịch sử khi trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ vậy, bà là một trong số ít ỏi (chỉ 15) nữ lãnh đạo đứng đầu các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới, bên cạnh các Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Nga, Malaysia, Ecuador, Cuba...
Chính sách tiền tệ, xương sống của bất kỳ một ngân hàng trung ương nào, dưới thời bà Nguyễn Thị Hồng, được kỳ vọng tiếp tục ổn định để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô - một trong những nhiệm vụ chính của Ngân hàng Nhà nước.
Đây cũng là lĩnh vực bà Hồng đã có hàng chục năm theo dõi và chuyên trách khi đi lên từ một cán bộ trong Vụ Chính sách tiền tệ trước khi làm vụ phó rồi vụ trưởng. Sau 6 năm làm phó thống đốc dưới thời ông Nguyễn Văn Bình hay ông Lê Minh Hưng, bà Nguyễn Thị Hồng, theo lời một chủ tịch ngân hàng, được đánh giá là người "nắm vững chuyên môn, tham mưu chính cho các chính sách quan trọng của Ngân hàng Nhà nước lâu nay".
Tuy nhiên, bà Hồng nhận nhiệm vụ trong một giai đoạn nhiều khó khăn. Chính sách tiền tệ sắp tới có thể chịu áp lực khi Mỹ liên tục phát đi các thông điệp hoài nghi tiền đồng bị định giá thấp so với giá trị thực và có rủi ro Việt Nam bị gắn mác "thao túng tiền tệ".
Theo giới chuyên gia, áp lực này thực tế có thể là công cụ để Mỹ muốn Việt Nam tham gia vào chính sách và quan điểm của họ như chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do rộng mở, hoặc ủng hộ Mỹ trong việc tạo ra thế đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Là người nhiều năm làm Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ rồi Phó thống đốc 6 năm phụ trách mảng này và Quản lý Ngoại hối cộng thêm ưu thế mềm mỏng của phụ nữ, bà Nguyễn Thị Hồng được kỳ vọng không chỉ đưa ra được chính sách phù hợp mà còn có thể giúp Việt Nam giải thích được với Mỹ, chúng ta không dùng tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không công bằng.
Cán cân vãng lai Việt Nam thặng dư chủ yếu do khoản kiều hối hơn chục tỷ USD chảy về hàng năm – không phụ thuộc vào tỷ giá. Việt Nam là quốc gia có lạm phát tuy gần đây xuống thấp nhưng vẫn cao hơn nhiều nước đối tác. Trong rổ tiền tệ đó, VND mất giá so với USD là điều dễ hiểu.
Một "gánh nặng" lớn khác người phụ nữ 52 tuổi phải đối mặt là đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó đặc biệt là phương án xử lý các ngân hàng 0 đồng còn dang dở. Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn II (2016 - 2020)" đã ở giai đoạn nước rút và đề án tái cơ cấu giai đoạn mới đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng. Tuy nhiên, một số mục tiêu có thể gặp thách thức như việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng yếu kém bị tắc nghẽn, đề án tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng chưa được thông qua... Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,96% (đến cuối tháng 8) và có thể đạt mục tiêu dưới 3% (cả năm 2020). Nhưng áp lực nợ xấu cho các năm tới sẽ là rất lớn do các khoản nợ được tái cơ cấu trước đó dồn sang.
Chủ tịch một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM đánh giá, đây sẽ là việc nặng và thách thức nhất bởi để xử lý câu chuyện này, người lãnh đạo sẽ phải rắn. "Tái cơ cấu một hệ thống mà chủ các ngân hàng trong đó đều là những người đàn ông rắn, lại máu lửa có lẽ sẽ cần một người đàn bà 'thép', bên cạnh việc am hiểu chuyên môn", ông nói.
Bên cạnh đó, bà Hồng sẽ còn phải đương đầu với nhiều vấn đề như nợ xấu tăng mạnh hậu Covid-19; làm sao thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trở lại vào sản xuất kinh doanh mà không tập trung vào các lĩnh vực rủi ro lớn như bất động sản... Áp lực đảm bảo an toàn vốn của ngành ngân hàng cùng với việc giám sát lộ trình áp dụng Basel II và các tiêu chuẩn quốc tế tân tiến hơn để hệ thống ngân hàng lành mạnh và bền vững hơn cũng là bài toán không đơn giản.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia từng là cố vấn cho Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bà Hồng sẽ có khá nhiều việc phải làm sau khi nhậm chức, và một trong số đó là xây dựng, kiện toàn bộ máy, chất lượng của ngân hàng trung ương.
Với việc bà Hồng được bổ nhiệm là Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ còn 3 phó thống đốc là ông Đào Minh Tú, ông Nguyễn Kim Anh và ông Đoàn Thái Sơn. Trong đó, hai trong số 3 "cánh tay" kỳ cựu và đắc lực của bà Hồng lúc này là ông Đào Minh Tú và ông Nguyễn Kim Anh hiện 54 và 56 tuổi, có thể nghỉ hưu ngay trong nhiệm kỳ này. Nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước đang thiếu lãnh đạo cấp cao lẫn lãnh đạo cấp trung (lớp lãnh đạo kế cận) cho ngân hàng trung ương trong nhiều năm tới và đây sẽ là nhiệm vụ cũng đầy thách thức với bà Hồng.
Nhưng kỳ vọng giới ngân hàng và thị trường không chỉ dừng lại ở sự ổn định. Họ còn muốn đặt lên vai Thống đốc câu chuyện đổi mới ngành ngân hàng khi Fintech ngày càng xoá mờ ranh giới giữa công nghệ và tài chính.
Về chia sẻ thách thức với người đứng đầu hiện nay, một cựu Phó thống đốc cũng là nữ giới nói, điều mà một Thống đốc cần có, kể cả thời trước hay bây giờ, là sự "mở" – tức là khả năng đón nhận cái mới và mức độ hội nhập cao.
Phó tổng giám đốc của một nhà băng thẳng thắn nói thêm, nếu hàng ngày nói về ngân hàng số mà tất cả giao dịch như mở tài khoản, cho vay... chưa thể lên môi trường điện tử thì "chưa thể có ngân hàng số".
Do đó, những điều mà giới ngân hàng đang trông đợi về mặt pháp lý từ phía nhà điều hành là hướng dẫn cụ thể để ngân hàng mở tài khoản trực tuyến cho người dân, việc hợp thức hoá cho vay điện tử cũng như triển khai ngân hàng đại lý và cuối cùng là cơ chế thí điểm Sandbox.
Nhìn chung, trở thành một nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử sẽ là một nhiệm vụ đầy tự hào và thách thức. Nhưng với một người làm phó thống đốc hơn 6 năm, hiểu rõ từng Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống các nhà băng như bà Nguyễn Thị Hồng, ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ có nhiều làn gió mới tích cực.
Quỳnh Trang - Thanh Lan