Thứ tư, 27/11/2024
Thứ hai, 24/7/2017, 16:58 (GMT+7)

Những kỷ vật 'đi qua cuộc chiến'

Chiếc bi-đông inox, mũ vải, xe thồ, cờ đỏ búa liềm bằng máu... là những kỷ vật được giới thiệu tại trưng bày "Đi qua cuộc chiến".

Ngày 24/7, Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc trưng bày chuyên đề "Đi qua cuộc chiến" với ba nội dung: Ký ức nơi chiến trường; khi cuộc chiến đã đi qua; ước mơ.

Nhiều câu chuyện xúc động của các cựu binh trên mọi miền đất nước được giới thiệu tại cuộc trưng bày này.

Ba nội dung trưng bày được thể hiện theo mạch hồi ức từ quá khứ đến hiện tại và mong ước cho tương lai của những cựu chiến binh. Trong đó, phần "ước mơ" thể hiện mong muốn của người lính sau chiến tranh, như: Một mái ấm gia đình; giấc ngủ sâu khi vết thương tái phát...

Bộ sưu tập hiện vật của trung tướng Nguyễn Trung Thu, sinh năm 1953, thương binh hạng 4/4, gồm: Chiếc bi đông, thắt lưng... là chiến lợi phẩm mà ông thu được từ lính Mỹ. 

Bộ sưu tập cũng có chiếc điện thoại được tướng Thu sử dụng để chỉ đạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong hai trận bão năm 2009.

Mũ vải, ca uống nước, bi đông đựng nước... là những đồ dùng cá nhân của bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Một số hiện vật của ông Nguyễn Thế Nghĩa, cựu tù binh của nhà tù Phú Quốc, thương binh hạng 3/4, ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang.

Năm 1970, khi ở nhà tù Phú Quốc, là Bí thư chi bộ, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị một lá cờ Đảng trong buổi kết nạp Đảng viên mới. Ông đã quẹt tay vào tấm tôn cánh cửa, xin băng gạc của giám thị quấn vào. Khi tháo băng gạc ra, chỗ đậm, chỗ nhạt nên các đồng đội trong tù đã cắn tay chảy máu để nhỏ vào, tạo thành lá cờ. Sau đó, ông tán viên thuốc chống phù nề của tù binh màu vàng rắc lên vẽ hình búa liềm. 

Chiếc xe chuyên dụng dành cho thương binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho các thương bệnh binh nặng, bị cụt tay, chân; đa số không có gia đình, không nơi nương tựa.

Chiếc xe đạp thồ của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Công Chấn, sinh năm 1947, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đây là chiếc xe của hãng “Con Nai nằm”, được các chiến sĩ trong tiểu đoàn 49 cải tiến để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ, từ tháng 2/1967 đến năm 1975. Khi lắp thêm giá đỡ, xe có thể vận chuyển được 8 thương binh.

Ông Phạm Công Cường, sinh năm 1949, thương binh hạng 1/4 ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tháng 6/1967, khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị Trinh sát đặc công thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Ngày 12/4/1972, khi đang làm nhiệm vụ chuẩn bị cho lực lượng bộ binh ở bên trong sông Thạch Hãn thì ông và đồng đội bị thám báo phát hiện.

"Hơn một giờ chống trả bằng súng AK, lựu đạn, tôi và đồng đội tiêu diệt toàn bộ nhóm thám báo. Một đồng đội của tôi hi sinh; riêng tôi bị trúng mảnh đạn pháo vào đầu, cột sống, đứt dây chằng ở cổ chân, bàn chân phải gần như đứt lìa", ông Cường kể.

Ông Phạm Công Cường và nhiều cựu chiến binh có mặt tại Lễ khai mạc cuộc trưng bày có chung mong ước, đó là "đất nước hòa bình, hòa bình mãi mãi".

Giang Huy - Hoàng Thùy