Theo Phó Giáo sư Tiến Sĩ Dương Thị Hoàng Oanh, nền giáo dục nặng lý thuyết sẽ khiến học sinh tuy được trang bị kiến thức nền tảng cần thiết, nhưng có nguy cơ làm các em bị động và cứng nhắc trong nghề nghiệp và cuộc sống. Nhiều em tuy đạt thành tích cao trên lớp nhưng khi ra xã hội lại không thích nghi tốt và bị tụt hậu so với bạn bè. Một trong những lý do chính của vấn đề này là do trẻ không được trang bị kỹ năng sống cơ bản.
Cũng theo PGS. TS Hoàng Oanh, tuy kiến thức là nền tảng thiết yếu có thể giúp con người mang tính chuyên nghiệp, các kỹ năng mới là công cụ giúp con người tồn tại trong xã hội. Các kỹ năng sống còn này có thể được hiểu như trí thông minh đa dạng (Howard, Đại học Havard, 1999), bao hàm cả trí tuệ lẫn cảm xúc, cụ thể là trí thông minh về ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, tự hiểu chính mình, âm nhạc, thể chất, không gian (bằng hình ảnh), toán học, hòa hợp với thiên nhiên… Dưới đây là một số kỹ năng cơ bản phụ huynh nên trang bị cho con ngay từ sớm.

Nền giáo dục nặng lý thuyết sẽ khiến học sinh tuy được trang bị kiến thức nền tảng cần thiết, nhưng có nguy cơ làm các em bị động và cứng nhắc trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Kiểm soát cảm xúc
Ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý của trẻ có sự thay đổi rõ rệt. Các con thay đổi cảm xúc nhanh, mới lúc trước còn đang đùa vui với bạn bè, một lúc sau đã có thể rơi nước mắt vì một câu mắng của cha mẹ. Việc này hoàn toàn bình thường ở giai đoạn vị thành niên, tuy nhiên khi lớn hơn, việc để cảm xúc chi phối quá nhiều sẽ khiến con gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống.
Vì thế, giai đoạn mới lớn là lúc cha mẹ cần dạy con cách quan sát tiếng nói của bản thân, từ đó học cách điều hoà cảm xúc và suy nghĩ, tránh những hành động bồng bột có thể gây hậu quả đáng tiếc cho tương lai.
Quản lý tài chính cá nhân
Đa phần cha mẹ cho rằng quản lý tài chính cá nhân là việc con sẽ tự học được sau khi tốt nghiệp đi làm. Tuy nhiên, không phải ai lớn lên cũng đủ khả năng cân đối chi tiêu để có một đời sống tài chính khoẻ mạnh.
Việc dạy con quản lý tài chính cá nhân không đơn giản là tiêu tiền, mà còn là cách lên kế hoạch về tiền bạc và chi tiêu dựa trên thực tế dự toán tài chính của bản thân. Các bạn trẻ phương Tây thường học kỹ năng này từ rất sớm, trong khi tại Việt Nam, điều này gần như bị bỏ ngỏ.
Làm đẹp và chăm sóc thể chất
"Mới tý tuổi đầu đã bày đặt làm đẹp - đây có lẽ là suy nghĩ của nhiều bậc làm cha làm mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã có phần lạc hậu trong xã hội hiện tại", PGS. TS Hoàng Oanh nói.
Sự phát triển kinh tế xã hội cùng với sự phổ biến của Internet khiến áp lực gây dựng hình ảnh của các con ngày càng cao. Các con có nhu cầu được làm đẹp lành mạnh cho bản thân và cảm thấy tự tin về hình ảnh của chính mình. Tuy nhiên, làm đẹp ở đây không chỉ gói gọn trong ý nghĩa trang điểm mà có thể hiểu rộng ra là việc trẻ cần phải học cách chăm sóc bản thân và giữ cho cơ thể luôn khoẻ mạnh.
Thoát hiểm và sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp
Đây là một trong những kỹ năng sống còn mà trẻ vị thành niên cần biết. Nó sẽ giúp trẻ biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, các hoạt động kỹ năng kiểu này thường là những giờ học thú vị, khi con được thực hành ngay những lý thuyết vừa học và làm quen được với các bạn mới.
Các kỹ năng trên nếu được lồng ghép nhuần nhuyễn trong các lớp học và sinh hoạt ngoại khóa sẽ trở thành những hoạt động vừa bổ ích, vừa mang tính giáo dục và giải trí cao và sẽ là hành trang cho trẻ khi bước vào đời.
Thế Đan
Summer Explorers - Khoá học tiếng Anh mùa hè dành riêng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi của Đại học RMIT Việt Nam. Đây là nơi trẻ được học cách tự tin sử dụng ngoại ngữ, đồng thời là cơ hội để các con rèn luyện những kỹ năng cần thiết. Xem thêm thông tin tại website.