Công ty của Elon Musk phóng 96 nhiệm vụ lên quỹ đạo trong năm 2023, bước tiến lớn so với kỷ lục 61 chuyến bay được thiết lập trước đó một năm. SpaceX đang lên kế hoạch cho kỷ lục mới vượt xa mốc 100 vào năm 2024. Theo Bill Gerstenmaier, phó chủ tịch phụ trách Xây dựng và Độ tin cậy chuyến bay của SpaceX, cho biết họ sẽ tăng tỷ lệ bay lên khoảng 12 chuyến mỗi tháng, tức 144 chuyến/năm. Con số đó tương ứng với mỗi lần phóng cách nhau 2,8 ngày, nhịp độ dường như bất khả thi cách đây chỉ vài năm. Nhưng SpaceX đã làm nhiều điều tưởng chừng không thể trong lịch sử bay vũ trụ, vì vậy công ty hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tham vọng đó.
Khoảng 2/3 số lần phóng của SpaceX trong năm 2023 dành cho phát triển Starlink, siêu chòm vệ tinh Internet của công ty. Hiện nay, Starlink bao gồm khoảng 5.230 tàu vũ trụ đang hoạt động, theo nhà vật lý thiên văn kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell. Nhưng SpaceX được cấp phép để triển khai tổng cộng 12.000 vệ tinh Starlink ở quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO), và công ty cũng nộp đơn xin phóng thêm 30.000 vệ tinh. Vì vậy, các cụm vệ tinh Starlink sẽ tiếp tục được phóng từ hai địa điểm là căn cứ Vandenberg ở California và trạm Cape Canaveral ở Florida trong năm 2024.
Ngoài vệ tinh, SpaceX còn thực hiện 3 nhiệm vụ chở người tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong năm 2023, gồm hai nhiệm vụ cho NASA và một nhiệm vụ cho Axiom Space, công ty ở Houston đang hướng tới xây dựng trạm vũ trụ riêng ở LEO trong vài năm tới.
Năm nay, SpaceX sẽ phóng 5 nhiệm vụ chở phi hành gia, nếu tất cả theo đúng kế hoạch. Chuyến bay Crew-8 và Crew-9 cho NASA được lên lịch cất cánh lần lượt vào tháng 2 và tháng 8/2024. Nhiệm vụ Ax-3 của Axiom sẽ phóng vào ngày 17/1, và Ax-4 sẽ bay sớm nhất vào tháng 10/2024. Trong tháng 4, SpaceX lên kế hoạch phóng Polaris Dawn, nhiệm vụ bay tự do tới LEO bao gồm chuyến đi bộ không gian đầu tiên của phi hành gia tư nhân.
91 trên 96 chuyến bay lên quỹ đạo của SpaceX năm ngoái được thực hiện bởi tên lửa Falcon 9, còn lại bay trên tên lửa Falcon Heavy cực mạnh của công ty. Nhưng năm 2023 cũng đánh dấu hai chuyến bay thử nghiệm của tên lửa hứa hẹn cách mạng hóa hoạt động bay và khám phá vũ trụ. Đó là Starship, tên lửa lớn và mạnh nhất từng được chế tạo.
Cả Falcon 9 và Falcon Heavy đều sở hữu tầng đầu tiên có thể tái sử dụng, đột phá lớn trong công nghệ bay vũ trụ. Nhưng phương tiện Starship cao khoảng 122 m ở cấu hình đầy đủ, được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn. Musk muốn tên lửa đẩy Super Heavy khổng lồ của Starship hạ cánh trực tiếp trên trụ phóng sau khi cất cánh, cho phép kiểm tra, tân trang và bay lại nhanh chóng. Hai chuyến bay thử nghiệm của Starship cất cánh từ cơ sở Starbase của SpaceX ở Nam Texas vào tháng 4 và tháng 11 năm ngoái. Hai nhiệm vụ hướng tới phóng tầng trên của phương tiện xa nhất có thể và hạ cánh xuống Thái Bình Dương gần Hawaii.
Chuyến bay hồi tháng 4 không kéo dài lâu. Starship gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng, bao gồm trục trặc khi hai tầng tách rời. SpaceX buộc phải phá hủy phương tiện chỉ 4 phút sau khi cất cánh. Starship tiến xa hơn trong lần bay thứ hai. Tất cả 33 động cơ Raptor của Super Heavy đều hoạt động như dự kiến và tên lửa đẩy tách thành công khỏi tầng trên. Nhưng nhiệm vụ kết thúc sớm với tầng trên phát nổ khoảng 8 phút sau khi rời bệ phóng.
Tuy nhiên, chuyến bay thứ 3 của SpaceX sẽ diễn ra trong tương lai gần. Tuần trước, SpaceX thử nghiệm khai hỏa động cơ của nguyên mẫu Starship mới nhất, dự kiến phóng sau khi nhận giấy phép từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ. SpaceX cũng đang chuẩn bị các phương tiện Starship khác theo phương châm phát triển của công ty, ưu tiên bay thử thường xuyên và cải tiến nhanh.
Thời gian rất quan trọng đối với việc phát triển Starship. NASA chọn phương tiện khổng lồ này làm tàu đổ bộ có người lái đầu tiên cho chương trình Artemis. Theo kế hoạch, Starship sẽ chở phi hành gia đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần đầu tiên trong nhiệm vụ Artemis 3, cất cánh vào cuối năm 2025 hoặc năm 2026 theo lịch trình hiện nay.
An Khang (Theo Space)