Dịp sắp phát hành sách kỷ niệm 40 năm tác phẩm khởi quay, trên Bejiing Daily, nhà quay phim Vương Sùng Thu tiết lộ một số chuyện hậu trường được đưa vào sách. Ông cho biết để có những bối cảnh vừa đẹp đẽ vừa mang màu sắc thần thoại, đạo diễn Dương Khiết - vợ ông - cùng cả đoàn đều dũng cảm và luôn mang tinh thần khắc phục mọi thử thách.
Nhà quay phim nhớ lại ở tập Thu phục Trư Bát Giới, Lâm Chí Khiêm - đóng Nhị Lang Thần - có cảnh bị Trư Bát Giới (Mã Đức Hoa đóng) ném xuống hồ nước. Quay xong, lên bờ, mọi người mới thấy nước hồ có màu đỏ. Hóa ra quần của Lâm Chí Khiêm bị cào rách, chân của ông bị đá chọc chảy nhiều máu. Nhưng vì quá tập trung làm việc, Lâm Chí Khiêm không để ý đến vết thương.
Êkíp đi qua 128 địa danh ở Trung Quốc và nước ngoài để ghi hình, trong đó có nhiều vùng núi cao, địa hình hiểm trở. Một lần leo núi khảo sát địa điểm quay Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh ở Trương Gia Giới, Dương Khiết và một cộng sự trượt chân ngã, rơi xuống vách núi, lúc đó, Dương Khiết chỉ nghĩ trong đầu: "Xong rồi, vậy là đời mình chấm dứt". Nhưng bà không biết có sức mạnh nào, cả hai chạm được chân xuống đất, còn lành lặn. Khi hoàn hồn, Dương Khiết mới nhận ra cả hai rơi trúng cành cây trước khi chạm đất, nhờ vậy được an toàn.
Năm 1987, xe chở đoàn phim gặp mưa lũ, nửa chiếc xe lao xuống sông. Người trong xe thoát ra ngoài được nhưng nếu không di chuyển sớm, cả đoàn nguy hiểm vì phía trên núi có thể sạt lở. Tất cả chạy đôn đáo tìm nhà dân mượn dụng cụ, nhờ người tới kéo xe lên. Trong đêm, êkíp rời khỏi khu vực.
Có lần, đoàn phim ngồi trên một chiếc xe cũ để tới sân bay, di chuyển tới địa điểm quay khác. Tài xế lái xe còn những người khác chợp mắt, bỗng Trì Trọng Thụy (đóng Đường Tăng) nói có tiếng động lạ ở dưới xe. Tài xế dừng lại, phát hiện bình nhiên liệu gần rớt khỏi xe, chạm vào sỏi đá dưới lòng đường, gây tiếng động lạ. Tài xế tốn nhiều thời gian mới lắp được bình nhiên liệu nhưng sau đó, cả đoàn không ai chợp mắt nổi vì nghĩ đến những nguy cơ cháy nổ, rò rỉ xăng.
Trong cuốn sách Xin hỏi đường ở nơi nào, xuất bản năm 2013, đạo diễn Dương Khiết viết trong sáu năm làm phim, từ 1982 tới 1987, bà chưa từng sợ hãi điều gì. Trong bất kỳ trường hợp nào, bà luôn nghĩ dữ sẽ hóa lành, như Đường Tăng luôn được trời Phật độ trì. Vấn đề làm bà đau đầu nhất là kinh phí làm phim. Lãnh đạo nhà đài thúc giục có phim để chiếu, thời gian gấp gáp, bà buộc bỏ bớt năm tập để cân đối chi tiêu.
Vương Sùng Thu tiết lộ bấy giờ, diễn viên nhận cátxê thấp nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. Hai diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không) và Mã Đức Hoa nhận mức thù lao cao nhất, 80 nhân dân tệ mỗi tập (264 nghìn đồng, tổng cộng 25 tập) vì lượng cảnh quay nhiều, lại phải đeo mặt nạ cả ngày, vô cùng khó chịu.
Những người khác nhận được khoảng 40-50 tệ. Vợ chồng đạo diễn và các nhân viên của nhà đài ban đầu nhận lương theo tháng do được tính là làm việc cho đài. Nhưng vì cường độ làm việc cao, điều kiện khắc nghiệt, sau đó họ được cộng thêm vài chục tệ cho mỗi tập phim.
Điều làm Vương Sùng Thu cảm thấy được an ủi là Tây du ký thành công vượt xa mong đợi của vợ chồng ông và cả êkíp. Cho dù phim còn nhiều thiếu sót, sơ hở, khán giả vẫn yêu thích tác phẩm. Đến nay, phim được phát lại hơn 4.000 lần ở Trung Quốc.
Sách kỷ niệm 40 năm bấm máy Tây du ký do Vương Sùng Thu và 10 trợ lý biên soạn, gần hoàn thiện, dự kiến phát hành vào tháng 1/2024. Đây là ấn phẩm hoàn chỉnh nhất về bộ phim huyền thoại của màn ảnh Trung Quốc, giới thiệu 105 chuyện hậu trường, 128 địa điểm ghi hình, 260 diễn viên, nhân viên tham gia tác phẩm cùng 1.200 bức ảnh.
Nhà quay phim nói đây là món quà ông dành cho bạn đời quá cố và những "chiến hữu" cùng ông xây dựng bộ phim. Vương Sùng Thu thu thập hàng chục nghìn tư liệu gồm nhật ký trường quay, kịch bản, thư từ, dấu visa, vé tàu xe... để chọn lọc, sử dụng. Ông cũng liên hệ với các cộng sự để đối chứng thông tin, phỏng vấn họ về quá trình quay Tây du ký.
Như Anh