VnExpress có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).
Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Võ Thành. |
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Trịnh Xuân Thanh, ông bình luận gì về kết luận này?
- Khoảng một tháng sau ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh. Theo tôi, tinh thần vào cuộc của cơ quan chức năng như vậy là khẩn trương, nghiêm túc. Tuy nhiên, có thể thời gian ngắn nên chưa làm rõ hết vấn đề. Tới đây các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, vì trách nhiệm không riêng của ông Trịnh Xuân Thanh.
Tối qua (11/7), sau khi được tiếp cận thông báo kết luận, tôi đã gọi điện cho một lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị hai vấn đề. Thứ nhất, cần làm rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh với tư cách lãnh đạo của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) về khoản thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng của PVC (giai đoạn 2011-2013). Thứ hai, với một “di sản” trách nhiệm nặng nề ở PVC như vậy, vì sao ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang, thậm chí được giới thiệu để bầu và trúng cử đại biểu Quốc hội.
- Theo quy định của Chính phủ, lãnh đạo để doanh nghiệp thua lỗ hai năm liên tiếp mà lý do không được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì sẽ bị cách chức. Trong khi đó PVC thua lỗ liên tục nhiều năm, ông nghĩ sao?
- Tôi được biết Thủ tướng từng yêu cầu Tập đoàn dầu khí kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của PVC. Về phía lãnh đạo Tập đoàn dầu khí, tháng 9/2013, bên cạnh nguyên nhân khách quan, Tập đoàn cũng đánh giá ông Trịnh Xuân Thanh “có phần trách nhiệm” trong việc PVC không hoàn thành kế hoạch, làm ăn thua lỗ.
Ở đây, ông Trịnh Xuân Thanh không những không bị xem xét trách nhiệm vì thua lỗ của PVC mà lại được bổ nhiệm lên vị trí quản lý cao hơn. Các cơ quan chức năng cần làm rõ khuất tất này để trả lời dư luận.
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tiêu chuẩn để được đề bạt các chức vụ cao hơn, nhưng ông này “vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang”. Là người làm công tác tổ chức cán bộ lâu năm, ông giải thích như thế nào về “đề nghị” của ông Trịnh Xuân Thanh?
- Về nguyên tắc, một cán bộ có thể chủ động đề nghị tổ chức bổ nhiệm mình lên vị trí cao hơn. Nhưng, nếu một cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ mà lại đề nghị như vậy thì thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu.
Vấn đề là anh có quyền đề nghị, còn chấp nhận đề nghị đó hay không là các khâu trong quy trình tổ chức cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu. Trước hết trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang, những người có thẩm quyền và đã ký các quyết định liên quan đến việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu bầu ông Trịnh Xuân Thanh. Chẳng lẽ anh bổ nhiệm người khác mà không hay biết kết quả công việc người đó tốt, xấu ra sao? Muốn biết kết quả hoạt động của PVC đâu khó khăn gì, vì đây là công ty cổ phần, đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Một người bình thường sử dụng Internet cũng có thể biết ngay.
- Được xác định không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị, vậy ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó chủ tịch tỉnh theo đường nào?
- Tháng 3/2014, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động, luân chuyển với 44 cán bộ lãnh đạo. Theo quy định thì cán bộ diện luân chuyển phải qua “bộ lọc” 5 cơ quan ở Trung ương và trong danh sách này không có tên ông Trịnh Xuân Thanh.
Có ý kiến cho rằng việc ông Trịnh Xuân Thanh tuy không có tên trong danh sách luân chuyển, nhưng vẫn về làm phó chủ tịch tỉnh là thoả thuận giữa tỉnh Hậu Giang và Bộ Công Thương. Nếu đúng như vậy thì các cơ quan chức năng cần làm rõ đây là thoả thuận gì? Tỉnh Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch dựa trên cơ sở nào và vì sao lại “xin” đích danh ông Trịnh Xuân Thanh?
Hiện tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy có vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Những vấn đề cụ thể hơn chúng ta phải chờ cơ quan chức năng làm rõ.
- Qua vụ việc này ông thấy công tác cán bộ có vấn đề gì cần rà soát, sửa đổi?
- Phải đổi mới dứt khoát, mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Đảng lãnh đạo để chuyển mạnh sang cơ chế tranh cử thực chất, bầu cử có số dư, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Nếu trước khi ông Trịnh Xuân Thanh được cân nhắc một vị trí mới nào đó, thực hiện công khai hồ sơ bổ nhiệm để người dân, cán bộ, đảng viên đánh giá xem việc bổ nhiệm đó là đúng hay sai, thì chắc không đến nỗi kết cục như hôm nay.
Không thể nói thua lỗ là xong Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, cho rằng hơn 3.200 tỷ thua lỗ ở PVC là số tiền lớn, không thể gói gọn trong hai chữ “thua lỗ” mà phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào? Có ai bớt xén không, và PVC đã khắc phục được bao nhiêu. Trong vụ việc này, dư luận cũng quan tâm vì sao một người có vấn đề như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đi” qua tất cả khâu trong công tác cán bộ. Một mặt chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân sự, nhưng xin lưu ý là nhiều khi “đúng quy trình” rồi thì tiêu cực vẫn xảy ra. Chính vì vậy, gốc rễ của vấn đề là các cơ quan chức năng cần sớm trả lời câu hỏi mà Tổng bí thư đã nêu trong một số hội nghị về công tác tổ chức xây dựng Đảng gần đây, đó là: “Phải làm sáng tỏ những vấn đề dư luận quan tâm rằng có hay không việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển?”. |
Võ Văn Thành thực hiện