Đại dịch Covid-19 từng khiến khách sạn Leopolis ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine, phải đóng cửa hai tháng năm 2020. Tuy nhiên, kể từ đó cho tới hơn một năm sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, Leopolis duy trì hoạt động liên tục.
Ban quản lý khách sạn thậm chí quyết định tiếp tục dự án cải tạo, bắt đầu từ đầu năm 2019 và hoàn thành vào mùa hè năm 2022, thời điểm thành phố đang hứng các cuộc không kích. "Chúng tôi đã phải ngừng cải tạo vài tháng, nhưng sau khi thảo luận, chúng tôi quyết định tiếp tục để sẵn sàng cho thời điểm xung đột kết thúc", Kateryna Matiushchenko, tổng giám đốc khách sạn Leopolis, nói.
Tinh thần lạc quan này không phải không có cơ sở. Ngay cả trong xung đột, tỷ lệ khách lưu trú ở khách sạn 70 phòng này đã vượt qua thời điểm đại dịch. "Tháng 1 và 2 năm nay không tệ lắm. Dù liên tục bị đe dọa vì các cuộc không kích và tình trạng mất điện, hiệu quả hoạt động vẫn tốt hơn dự kiến", Matiushchenko nói.
Leopolis mở cửa vào năm 2007 và trở thành khách sạn nổi tiếng khi tài trợ cho lễ hội nhạc jazz và trở thành điểm lưu trú yêu thích cho những người tham dự Diễn đàn Sách Lviv, lễ hội văn học lớn nhất Ukraine. Hiện giờ, khách sạn vẫn là điểm đến được nhiều người ưa chộng, nhưng vì những lý do khác.
Thời trước xung đột, Igor Gut, đến từ Kiev, thường đặt phòng ở Leopolis khi tới Lviv dự lễ hội nhạc jazz. Ông hiện vẫn thường xuyên tới đây vì công việc, nhưng cũng là để đoàn tụ với vợ và con trai hiện ở Croatia. Anh thích cảm giác an toàn khi ở đây.
Các khách sạn ở miền tây Ukraine như Leopolis hay những khu nghỉ dưỡng trên dãy Carpathian trở thành địa điểm đoàn tụ lý tưởng cho các gia đình đang bị ly tán ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine, thậm chí là ở những nước khác.
Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) thống kê sau một năm xung đột, hơn 13 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, trong đó khoảng 8 triệu người di tản ra nước ngoài và hơn 5 triệu người sơ tán trong nước.
Nhiều người di tản chọn cư trú ở những khách sạn miền tây vì đây được xem là nơi an toàn hơn so với phần còn lại của đất nước. Cả Gut và Hanna Karttunen, vũ công Phần Lan hoạt động tình nguyện ở Ukraine, đều đánh giá cao hầm trú bom của Leopolis.
Dù tất cả khách sạn ở Ukraine đều có hầm trú ẩn, hầu hết được hoán cải từ hầm đỗ xe hoặc hầm rượu. Trong khi đó, hầm trú ẩn của Leopolis thậm chí còn được trang bị phòng tập gym nhỏ.
"Tôi cùng những đứa trẻ trường múa từng ở nhiều hầm trú ẩn đầy mùi ẩm mốc. Hầm trú ẩn ở Leopolis sẽ là nơi tôi tiếp tục lựa chọn vì nó rất đẹp", Karttunen nói.
Gut sống ở khu vực ngoại ô phía bắc Kiev nhưng cũng thỉnh thoảng đến ở khách sạn Radisson Blu ở thủ đô. Anh thích ở khách sạn vì nó mang tới cơ hội giao lưu với mọi người. "Bạn luôn có người để uống cùng. Tôi giờ ở khách sạn nhiều hơn, bởi ở nhà tôi cảm thấy cô đơn. Ở khách sạn giống như một liệu pháp tâm lý bởi luôn có người bên cạnh", anh nói.
Nhiều khách tới khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Edem trên dãy Carpathian ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine, để thoát khỏi chiến sự, dù chỉ trong vài ngày.
Khu nghỉ dưỡng này từng chật kín du khách quốc tế, nhưng hiện 100% khách lưu trú là người Ukraine, bởi không có chuyến bay quốc tế hoạt động.
"Người dân Ukraine cần làm mới tinh thần để tiếp tục chiến đấu. Mọi người giờ đều là những người lính trên các mặt trận khác nhau", Oleksii Voloshyn, CEO của tập đoàn khách sạn Edem, nói.
Không chỉ là nơi lưu trú cho những người di tản, nơi đoàn tụ cho các gia đình chia cách vì xung đột, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở miền tây Ukraine còn là nơi giúp đỡ những người lính bị thương. Sau khi xuất viện, một số được đưa đến khu nghỉ dưỡng Edem ở Lviv để tiếp tục phục hồi chức năng thể chất và tinh thần.
Thông qua Edem Golf Club, khu nghỉ dưỡng phát triển chương trình hợp tác giữa các chuyên gia về golf và các bác sĩ để giúp đỡ những người lính bị thương. Họ cung cấp các bài tập yoga hoặc chương trình phục hồi chức năng khác theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Voloshyn cho biết một số nhân viên của Edem đã tình nguyện nhập ngũ và tử trận. "Chúng tôi đã mất một bồi bàn. Anh ấy thiệt mạng khi đang chiến đấu. Một người từng làm trong bộ phận thực phẩm và đồ uống cũng mất tích trong giao tranh".
"Chúng tôi giữ mối quan hệ bền chặt với tất cả nhân viên đang tham chiến. Chúng tôi viết thư, gửi tin nhắn, chúc mừng họ qua video, mua cho họ những thứ họ cần và liên lạc với gia đình họ", Voloshyn nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)