Thứ năm, 31/1/2019, 11:00 (GMT+7)

Mỗi vùng miền có một cách riêng để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới. Với anh Hồ Minh Tú (quản lý truyền thông, quận 7, TP HCM), giao thừa gắn với 2 chữ bận rộn và ở tuổi nào cũng có cái bận rộn của riêng tuổi đó.

Anh kể, cứ gần tới giao thừa là ra khỏi nhà, tụ tập cùng đám bạn. 15 tuổi, học lớp 8, nguyên nhóm đến 7-8 người, mỗi thằng một xe đạp, cứ vừa qua khỏi 12h là đi đạp đất, mừng năm mới nhà bố mẹ và nhà thầy cô.

Hồi đó, giao thừa chẳng phải thời khắc thiêng liêng hay trời đất giao hoà gì cả. Chỉ là lúc hội họp, chúc mừng. Là suy nghĩ tự tin rằng mấy thằng con trai chơi nhanh, nghịch nhanh sẽ mang đến may mắn cho gia đình và thầy cô của mình trong năm mới. "Tháng ngày trôi đi, không hiểu sao năm nào bố mẹ cũng xem tuổi, mà năm nào cũng là mình đi xông đất cho nhà mình", Minh Tú cười.

Giờ mỗi giao thừa, khi bày mâm cúng thiên cho gia đình nhỏ của mình, Tú lại nhớ về giao thừa năm cũ. Một năm có khi là 365 ngày. Cũng có khi chỉ là sau một phút. Như phút giao thừa. Thời khắc để lớn hơn lên. Thời khắc để ôn kỷ niệm. Thời khắc để gửi lời chúc một năm tốt đẹp hơn đến gia đình, bè bạn. Là bận, cũng là một phút thảnh thơi. Năm qua, còn lại một phút này.

Bao năm qua đi thì nồi bánh chưng vẫn gần như là biểu tượng của ngày Tết cổ truyền. Cứ thấy mùi bánh vấn vít trong khói, Huyền Trang (nhân viên ngân hàng, Gia Lai) lại hít một hơi dài, thấy cái Tết như đã về sát bên.

Chiều 30, ba ra vườn. Ông chọn từ bụi dong ở góc một lớp lá to, đẹp nhất mà ông gọi là lá bánh tẻ - không non cũng chẳng quá già. Gạo nếp, đỗ xanh đều mua ở hàng quen, hạt mẩy căng thơm mới. Thịt ba chỉ bì mỏng, mỡ - nạc xen đều, ướp cùng hạt tiêu cay.

Gói bánh chưng, cũng cần phải "có tay". Mẹ Trang chẳng cần khuôn, cứ thế xếp từng lớp lá, bỏ nhân rồi thắt lạt, vừa thoăn thoắt tay, vừa ôn lại ngày Tết quê. Đường làng mới được lát nhựa, ông bà đi chợ phiên cũng tránh được cái sình lầy. Cây đa đầu làng chiều nào cũng ríu rít tiếng trẻ con, chúng bện từng đám rễ cây thành chiếc võng. Mẹ Trang cũng từng vô tư vắt chân trên chiếc võng ấy, lắc lư quên cả giờ cơm chiều.

Mẹ gói bánh, lúc nào cũng làm thêm một cặp bánh chưng tí hon cho cậu em út. Cậu hí hửng xếp bánh vào nồi, chạy chơi một chặp rồi lại chạy về, hỏi mãi một câu: bánh đã chín chưa ạ? Bên bếp, mái đầu hoa râm của ba vẫn kiên nhẫn nhóm từng mẩu lửa, nghe ùng ục tiếng nước sôi reo.

Đến giờ, khi 3 đứa con đều đã lớn, ba của Trang vẫn ra vườn chiều 30, mẹ vẫn thoăn thoắt đong nếp gói bánh. Bởi khói bánh chưng ấy gợi nhắc về một miền tuổi thơ đầy tiếng cười, những ngày Tết ấm áp tình thân, bởi "Mẹ phải làm, để con có cái mà ăn Tết".

Từ ngày ông bà Quế Trâm (nhân viên kế toán, quận 5, TP HCM) chuyển lên thành phố sống cùng gia đình, ngày Tết không còn bếp than hồng, nồi bánh chưng. Mẹ cô bảo ông bà cả đời lam lũ bên ruộng khoai, thửa lạc, nên ngày Tết nghỉ dài, muốn đưa ông bà đi đây đi đó. Nhưng lần đầu đi máy bay, lần đầu ra nước ngoài, lần đầu được nghe người đối diện nói ngôn ngữ khác lạ lẫm, ăn món Tây, uống vang đỏ... vô số cái lần đầu như vậy, vẫn không đổi được nụ cười móm mém hiền từ của ông bà.

Quanh quẩn trong 4 bức tường resort, ông bà cứ thế chép miệng, sao Tết mà đi xa quê thế. Đến mùa Tết thứ 3, hoài niệm về sự đoàn viên, về không khí ấm áp, ông bà không chịu đi đâu nữa. Ba Trâm hủy vé, chở ông đi sắm chậu quất chưng ở cửa nhà. Một tuần trước Tết, mẹ và bà ghé siêu thị mua gà, mua nếp, đi chợ hoa... Bận bịu sớm tối là vậy, thế mà nhà chẳng lúc nào vắng tiếng cười.

Thiếu nồi bánh chưng, không khí ấm áp ngày Tết được tìm lại qua một nghi thức sáng mùng một mà mẹ Trâm gọi là khai bếp. Ngày trước, ông bà hay trở dậy sớm để nhóm than hồng, giữ bếp luôn đỏ lửa, nấu ấm trà để cặp vợ chồng già ngồi lại chuyện trò. Ngày nay bố Trâm cũng dậy từ sớm, cũng bày biện nồi ấm để nấu nước, pha trà, nhưng khác biệt là có cả gia đình tam đại đồng đường cùng quây quần, chia nhau hơi ấm đầu xuân.

Khai bếp đầu năm vốn là khoảnh khắc có giá trị linh thiêng với các gia đình Việt

Mẹ Trâm bảo, khai bếp có nhiều ý nghĩa. Bởi không gian phố xá hiện đại gần như làm phai màu ngày Tết truyền thống, cũng chẳng còn nồi bánh để ngồi lại bên nhau, lúc này khoảnh khắc khai bếp cũng chính là thời khắc sum họp ấm áp, hiếm hoi của cả gia đình. Lúc khai bếp, mẹ trịnh trọng bày biện đồ đạc, kéo cả chị em Trâm đứng cùng, tỉ mẩn giải thích khai bếp cần có đủ nồi, đũa, dầu ăn hoặc nước, bếp, người khai bếp, đại diện cho 5 hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Khai bếp không cầu kỳ mà đơn giản, thời gian nào trong ngày cũng được, nhưng để suôn sẻ thì lửa không được quá lớn, dầu phải đầy ăm ắp vì tượng trưng cho của cải, tài lộc cho cả năm mới.

Nếu nấu nồi bánh chưng gửi gắm mong ước về một năm mới ấm no, thì mẹ Trâm bảo, khai bếp cũng cùng có chung ngụ ý. Mọi thành viên hội tụ, cái Tết tự khắc ấm áp, ngũ hành đủ đầy, vạn sự sẽ tương sinh, năm mới hanh thông may mắn.

Cả một năm dài, cây bưởi trước nhà Đức Huy (giáo viên, Hà Tĩnh) lúc nào cũng trĩu trịt quả. Gốc bưởi được mẹ Huy gieo xuống từ chục năm trước, vốn là bưởi thờ. Cái giống ấy chỉ được mỗi quả to thôi chứ ăn không có vị, ấy thế mà chẳng hiểu sao, riêng cây bưởi nhà Huy lại ngọt lừ.

Bản tính chân thành của người miền Trung đến củ khoai điếc cũng sẻ nửa để tặng bạn bè, thế nên cây bưởi nhà Huy là của chung cho cả làng. Nhà ai có công, có giỗ, cúng rằm, lễ Tết, đều ghé nhà Huy cắt trái. Trang trọng nhất, quả bưởi luôn được chưng trên mâm ngũ quả, kính dâng ông bà tổ tiên những thứ ngon ngọt nhất của đất trời.

Điều kiện thời tiết thổ nhưỡng khắt nghiệt nên trái cây miền Trung không phong phú. Ngoài bưởi, bất cứ loại trái cây nào trong vườn chín mọng, ngon lành đều được lựa chọn đưa vào mâm ngũ quả ngày Tết. Mỗi nhà một khác, duy chỉ có lòng thành tâm là đồng điệu.

Mâm ngũ quả "cầu giàu vừa đủ xài" gửi gắm mong ước khởi ngàn tài lộc cho năm mới

Mâm ngũ quả nhà Huy cũng mỗi năm mỗi đổi. Lúc em trai thi đại học, mẹ cùng Huy cắt một bình hoa trạng nguyên thật to, chưng trong mâm ngũ quả cạnh bàn thờ. Khi cậu Hai đi làm kinh tế mới ở miền Nam về thì học cách ghép vần: cầu sung vừa đủ xài (mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài...), mẹ nhất định bảo Huy kiếm đủ ngần ấy loại trái. Đến thời Huy vào TP HCM công tác, lại được nghe mẹ dặn dò mua cả dầu ăn cùng ngũ quả, để biếu tặng họ hàng, ngụ ý: cầu giàu vừa dư xài (mãng cầu, chai dầu ăn, dừa, dưa hấu, xoài).

Mẹ bảo dầu ăn vàng sóng sánh tượng trưng cho tiền tài, giàu sang. Người miền Nam chuộng lối đọc biến âm, dầu đọc trại đi thành "giàu", nên đem biếu ai cũng vui vẻ cả, vì có ai mà không mong ước năm mới đủ đầy, nhiều tài lộc.

Lời mẹ dặn dò, Huy bảo, nghe đến cả cuộc đời vẫn nặng yêu thương đến vậy. Mâm ngũ quả luôn hội tụ đủ loại trái cây ngon lành tứ phương, cũng chất chứa bao tâm tư mà mẹ gửi gắm, để bước sang năm mới gia đình luôn khỏe mạnh, an bình.

Việc tắm cuối năm khá quan trọng với nhiều người. Ở xứ Nam Định mà Minh Dự (nhân viên marketing, TP HCM) lớn lên, nó lại càng có ý nghĩa đặc biệt.

Mỗi độ Tết về, Dự nhớ nhất là mùi hương từ nồi nước lá thơm của mẹ để cả nhà "tắm tất niên". Hồi bé, năm nào cũng vậy, cứ chiều 30, bên cạnh bếp củi nấu bánh chưng là nồi nước đun sôi với đủ loại lá mẹ kiếm trong vườn nhà. Từ lá tám thơm, mùi già, bưởi đến sả, chanh... đều được đun thành thứ nước tắm thơm lừng.

Đó là mùi hương gợi nhắc về Tết nhất trong ký ức của Dự. Trời mùa đông lạnh se sắt, mẹ pha một chậu nước tắm tỏa khói nghi ngút và ngào ngạt hương thơm để "thanh tẩy" những điều không may từ năm cũ. Trời lạnh là thế, đứa con nít nào bị lùa đi tắm cũng í ới phản đối. Thế mà cả Dự lẫn em gái, chỉ chực chờ nồi lá của mẹ sôi, để được hít hà đến căng tràn lồng ngực mùi hương ấy, để làm theo mẹ, vừa tắm vừa lầm rầm nguyện ước năm mới bình an.

Về sau này, ở thành phố, cuộc sống hiện đại, mỗi dịp Tết về nhớ nao lòng hương thơm ấy mà chả bao giờ có lại được. Dự kể, có dạo cũng học mẹ mua mỗi thứ lá một ít, về nấu trong chiều cuối năm. Ấy vậy mà cái mùi thơm nồng nàn ấy vẫn không tìm lại được. Mãi đến khi Dự đón mẹ lên thành phố sống cùng, mẹ lại cần mẫn làm xanh một góc vườn nhà, để bốn bức tường mỗi chiều 30 lại thơm nồng mùi nước lá.

Khai bếp: Từ thói quen trong nếp nhà đến ước vọng giàu có cả năm
 
 

Nội dung: Hoài Nhơn
Thiết kế: Thế Bình