Chủ nhật, 29/12/2024
Thứ bảy, 24/9/2016, 07:34 (GMT+7)

Những khoảnh khắc và ngôi sao đáng nhớ nhất của Paralympic Rio 2016

Thế vận hội của người khuyết tật tại Rio de Janeiro đã kết thúc hôm 18/9 sau 11 ngày tranh tài, nhưng để lại nhiều hình ảnh có sức truyền cảm hứng mạnh.

Tay vợt Ibrahim Hamato. “Chứng kiến Hamato thi đấu bóng bàn tại Paralympic Rio là để thêm một lần biết rõ không có gì là không thể”, CNN bình luận. VĐV 41 tuổi người Ai Cập này mất cả hai cánh tay trong một tai nạn tàu hỏa khi anh mới mười tuổi. Anh những tưởng sẽ mãi biến mất khỏi môn thể thao đam mê. Nhưng sau nhiều nỗ lực thử mọi cách khác nhau để giữ vợt và bóng, anh cuối cùng cũng hoàn thành được ước mơ tiếp tục chơi bóng bàn, thậm chí có những trận đánh với các tay vợt bình thường hàng đầu thế giới thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube. Anh giờ đây tung bóng bằng các ngón chân, và dùng miệng để giữ vợt. “Khuyết tật không nằm ở cánh tay hay đôi chân, khuyết tật chính là sự không kiên trì với những gì mà bạn muốn làm”, Hamato phát biểu.

Nhà vô địch cao nhất lịch sử Paralympic. Đó là Morteza Mehrzadselakjani, 29 tuổi, cao hơn 2,46 mét. Anh là người cao nhất Iran và cao thứ nhì thế giới khi đứng thẳng. Tay đập hàng đầu của môn bóng chuyền ngồi này góp công lớn vào tấm HC vàng của đội tuyển nam Iran ở Rio 2016, sau chiến thắng ở chung kết trước Bosnia & Herzegovina. Mehrzad mắc bệnh to cực - một bệnh hiếm gặp do dư thừa hormone tăng trưởng, dẫn tới phát triển xương bất thường ở tay, chân và mặt. Khi di chuyển sinh hoạt hằng ngày, anh phải dùng nạng hoặc xe lăn. Tuy nhiên, lúc ở yên một chỗ, anh vẫn có thể đứng thẳng, như tại lễ khai mạc và bế mạc. Ở tuổi 15, Mehrzad gặp tai nạn nghiêm trọng với xe đạp, khiến xương chậu bị gãy. Chân phải của anh kể từ đó dừng phát triển. Điều đó khiến anh đi bộ rất khó khăn, bởi chân trái hiện giờ dài hơn chân phải tới hơn 15 cm.

Cung thủ không tay. Mong muốn đơn giản ban đầu, có thể tự đặt đồ ăn lên trên bàn, đã thúc đẩy Matt Stuzman đến với môn bắn cung cách đây bảy năm. VĐV 33 tuổi người Kansas City, Mỹ, chia sẻ: “Trước đây tôi không thể tìm được một việc làm. Tôi rất buồn. Không có gã nào có tới ba đứa con như tôi có thể cảm thấy bình thường trước việc không thể chăm sóc bọn trẻ”.

 

Với kỹ thuật siêu hạng, kéo dây bằng mồm và giương cung bằng chân, giờ đây anh đã nổi tiếng toàn thế giới, giữ kỷ lục Guinness dành cho cung thủ có cú bắn xa chính xác nhất thế giới. Dùng chân và vai, anh đã bắn trúng đích từ cự ly 283,47 m, phá kỷ lục trước đó của một cung thủ lành lặn. Anh giành HC bạc tại London 2012, nhưng bị loại tại vòng tám cung thủ mạnh nhất của Rio 2016, khi thua VĐV của Brazil chỉ một điểm (141-142).

Câu chuyện cổ tích của Alex Zanardi. Một trong những khoảnh khắc cảm xúc nhất của Rio 2016 là khi cựu tay đua xe F1 người Italy giành HC vàng đua xe đạp loại dùng lực tay, vào đúng ngày mà cách đây 15 năm anh bị tai nạn suýt mất mạng. Tại đường đua Eurospeedway ở Đức hồi năm 2001, Zanardi, khi ấy trở lại với nội dung xe CART, và chiếc ôtô của anh như bị cắt làm đôi sau cú va chạm mạnh. Tim anh ngừng đập bảy lần, khi chỉ còn ít hơn một lít máu trong cơ thể. Nhưng sau khi chiến thắng ở Rio 2016, VĐV 49 tuổi này cho rằng vụ tai nạn kinh hoàng năm xưa trên đường đua ôtô đã trao cho anh một trong những cơ hội lớn nhất của cuộc đời. Anh còn giành thêm một HC bạc ở cuộc đua xe đạp đường trường hạng thương tật H5, và HC vàng đồng đội tiếp sức.

Quà tặng của bà nội tạo cảm hứng cho nhà vô địch bóng bàn. Will Bayley sụp xuống sàn nhà thi đấu trong đau khổ cách đây bốn năm, khi thua chung kết tại Paralympic London. Nhưng tại Rio 2016, VĐV 28 tuổi của Anh quốc đã trèo lên bàn thi đấu trong niềm phấn khích, sau khi giành HC vàng. Một thẻ vàng cho hành động đó, nhưng xem ra đó chỉ là một cái giá rất nhỏ anh phải trả để có được cơ hội ôm tất cả mọi người xung quanh thời điểm ấy, từ trọng tài cho tới diễn viên hài người Anh Johnny Vegas.

 

Nhưng phần thưởng tuyệt vời, tấm HC vàng bóng bàn nam, có lẽ đã không bao giờ tới tay anh nếu không có sự khích lệ từ người bà quá cố. Khi Bayley còn là cậu bé phải cùng lúc chiến đấu với ung thư và bệnh co cứng khớp bẩm sinh, bà nội đã tặng cho anh một cái bàn chơi bóng bàn. Món quà đó đã làm dấy lên niềm đam mê của đời anh. Sau hành động leo lên bàn mừng HC vàng khiến đối thủ người Brazil hoảng hốt, Bayley đã trào nước mắt khi phát biểu: “Đây là phần thưởng cho bà tôi. Tôi nhớ bà, và hy vọng bà đang xem tôi vui mừng từ trên thiên đường”.

Sarah Storey. VĐV của Anh quốc giành ba HC vàng đua xe đạp tại kỳ Paralympic năm nay, giúp cô củng cố vị thế huyền thoại thể thao khuyết tật với tổng cộng 14 HC vàng ở hai môn thể thao khác nhau. Ngoài tổng cộng 9 HC vàng xe đạp qua các kỳ Paralympic, nữ VĐV 38 tuổi này trước đó đã giành năm HC vàng Paralympic môn bơi, bắt đầu từ Barcelona 1992 khi mới 14 tuổi.

Daniel Dias. Anh được ví như Michael Phelps của Paralympic. VĐV bơi 28 tuổi người Brazil này giành được tới chín huy chương ở Rio 2016, qua đó nâng tổng số HC vàng trong sự nghiệp thành 14. Anh trở thành nam VĐV bơi thành công nhất trong lịch sử Paralympic.

Tatyana McFadden. Sinh ra với chứng rối loạn tê liệt bẩm sinh, cô phải trải qua sáu năm đầu đời tại Nga đi bằng hai tay. Sau khi bị mẹ bỏ lại trong trại trẻ mồ côi, sức khỏe của cô xuống nghiêm trọng tới mức các bác sĩ lo ngại cô sẽ không thể sống lâu. Cuộc đời cô thay đổi kể từ khi gặp Deborah McFadden, một du khách Mỹ ghé qua trại trẻ và nhận cô làm con nuôi. Hai thập kỷ qua đi, cô trưởng thành cùng niềm tin có thể chiến thắng mọi trở ngại. VĐV 27 tuổi này tranh tài ở tất cả các nội dung đua xe lăn tại Rio 2016, từ nước rút 100 mét cho tới marathon. Cô chia tay Brazil với sáu huy chương từ bảy nội dung tham gia, đồng thời nhận giải thưởng đặc biệt của Ủy ban Paralympic quốc tế trao cho tấm gương của tinh thần Paralympic Games. Cô và VĐV bơi tị nạn người Syria, Ibrahim Al Hussein, cùng được trao HC bằng vàng nguyên chất, nặng 75 gram, tại lễ bế mạc.

Những VĐV Paralympic nhanh nhất thế giới. Sau khi đã giành HC vàng chạy 100m hạng thương tật T13 dành cho người khiếm thị ở cả Bắc Kinh 2008 và London 2012, nam VĐV 29 tuổi Jason Smyth của Ireland lại có HC vàng ở Rio 2016.

Trong khi đó, VĐV 24 tuổi Omara Durand của Cuba chiến thắng ở cả ba đường chạy 100m, 200m và 400m của nữ hạng thương tật T12, trong đó thành tích ở cự ly 100m là kỷ lục thế giới mới của người khuyết tật.

Nguyễn Phát 
Ảnh: AFP, Reuters.