Màn ngược dòng ở giây cuối của Man City năm 2012
“Khoảnh khắc này sẽ không bao giờ tái hiện” là lời bình của bình luận viên Martin Tyler lột tả trọn vẹn màn trở về từ cõi chết của Man City, để vô địch Ngoại hạng Anh 2011-2012. Đội quân của HLV Roberto Mancini có quyền tự quyết trước vòng cuối, cơ hội chấm dứt 44 năm không có danh hiệu vô địch quốc gia. Ngai vàng tưởng như đã tuột khỏi tầm tay chủ sân Etihad, khi họ bị QPR dẫn 2-1 đến phút 92, trong khi Man Utd cầm chắc thắng lợi ở Sunderland. Man City cần hai bàn thắng trong vài phút bù giờ ít ỏi ấy mới vượt qua "gã hàng xóm".
Và điều tưởng chừng không thể đã xảy ra. Trong vòng hai phút cuối, lần lượt Edin Dzeko san bằng tỷ số, rồi Sergio Aguero tung cú đá quyết định. Chân sút người Argentina tỏa sáng ở giây cuối cùng của mùa giải, giúp đội nhà thắng 3-2, vừa đủ để vượt lên trên “Quỷ Đỏ”.
Theo Sky Sports, đến giờ, tiếng hét “Agueroooo” vang vọng của Tyler vẫn in hằn trong tâm trí CĐV Man City. “Sẽ không có cái kết nào kịch tính hơn bàn thắng ở phút 94, trong ngày cuối mùa giải Ngoại hạng Anh thứ 20. Không bao giờ xuất hiện nữa”, Tyler nói vài năm sau.
Đại tiệc bàn thắng của Chelsea
Chelsea vô địch Ngoại hạng Anh 2009-2010 theo cách không thể ngầu hơn, khi hủy diệt Wigan với tỷ số 8-0 tại Stamford Bridge ở vòng 38. HLV Ancelotti và các học trò cần chiến thắng để đảm bảo ngôi vương, và họ còn làm tốt hơn thế. Chelsea chấm dứt hy vọng của những đội bám đuổi, chỉ qua sáu phút đầu, khi Nicolas Anelka mở tỷ số cho chủ nhà.
Chân sút người Pháp ghi thêm một bàn, bên cạnh hat-trick chỉ trong 17 phút của Didier Drogba. Salomon Kalou, Frank Lampard và Ashley Cole cũng góp công vào bữa tiệc cuối mùa. Cả tám bàn thắng của Chelsea đều được khán giả Stamford Bridge reo hò cuồng nhiệt như thể pha lập công quyết định. CLB áo xanh cũng phá kỷ lục về số bàn thắng trong một mùa giải, với 103 bàn.
Man Utd khởi đầu cho cú ăn ba
Cuộc đua song mã kịch tính được Man Utd và Arsenal thể hiện đến ngày cuối cùng của mùa 1998-1999. “Quỷ đỏ” tiếp Tottenham tại Old Trafford, trong khi Arsenal chào đón Aston Villa ở Highbury. Đội bóng do Sir Alex Ferguson dẫn dắt cần ba điểm để vô địch, nhưng sớm bị vượt lên bởi pha làm bàn của Les Ferdinand cho Tottenham.
Nhưng hai pha lập công của David Beckham và Andy Cole trong mỗi hiệp giúp đội chủ nhà lật ngược thế cờ. Tinh thần không từ bỏ còn được các cầu thủ áo đỏ thể hiện sau đó, để đoạt Cup FA và Champions League, khép lại cú ăn ba lịch sử.
Miklosko lên đồng trước Man Utd, giải cứu Blackburn Rovers
Mùa giải cuối cùng có 42 trận của Ngoại hạng Anh (1994-1995) khép lại căng như dây đàn. Blackburn đứng trên nhì bảng Man Utd hai điểm trước vòng cuối, nhưng trải qua thử thách cực đại ở Anfield. Trong khi đó, “Quỷ đỏ” chỉ phải đụng độ West Ham.
Kịch bản diễn ra có lợi cho Alan Shearer và đồng đội, khi West Ham dẫn trước. Nhưng sau đó, Brian McClair gỡ hòa cho Man Utd, còn tại Anfield, John Barnes và Jamie Redknapp giúp Liverpool dẫn Blackburn 2-1.
Blackburn không thể vùng vẫy ở thành phố cảng, nhưng họ được thủ thành Ludek Miklosko của West Ham phù trợ. Tuyển thủ CH Czech tạo ra hàng loạt pha cứu thua xuất thần để ngăn cản Man Utd ghi bàn quyết định, qua đó, gián tiếp giúp Blackburn đoạt ngôi vương.
“Tôi không hiểu tại sao anh ấy có thể phản xạ xuất sắc như thế. Như thể số phận không muốn Man Utd lên ngôi năm đó”, Michael Hughes – cầu thủ ghi bàn cho West Ham – bình luận. Blackburn mừng chức vô địch quốc gia sau 81 năm, và đó cũng là danh hiệu đầu tiên của họ qua 67 năm trắng tay.
Arsenal vô địch tại White Hart Lane
Không gì trọn vẹn hơn lễ mừng chức vô địch trên sân đối thủ truyền kiếp, như cách Arsenal từng làm ở mùa 2003-2004. Patrick Vieira và Robert Pires đưa “Đội hình bất bại” dẫn trước 2-0. Dù Tottenham đã cố gắng gỡ gạc thể diện với hai bàn gỡ, trong đó có quả phạt đền phút bù giờ, kết quả hoà vẫn đủ giúp Arsenal lên ngôi khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
“Tôi không muốn hạ thấp hai danh hiệu Ngoại hạng Anh trước đây, nhưng chức vô địch lần này thực sự đặc biệt”, HLV Arsene Wenger nói thời điểm đó.
Xuân Bình
Ảnh: Reuters, EPL