Chương trình "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712) Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, đã qua hơn 8 năm thực hiện.
Hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia Chương trình được tư vấn giải pháp nâng cao năng suất và tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma.
Là cơ quan chủ trì, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua thời gian triển khai Chương trình bộc lộ nhiều khó khăn. Trong đó tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương còn chậm. Nhiều dự án quy mô còn quá nhỏ chưa thực sự tương xứng với quy mô của dự án thuộc Chương trình quốc gia.
Bên cạnh đó, trách nhiệm triển khai thực hiện dự án năng suất chất lượng trong nhiều trường hợp phó mặc cho các cơ quan khoa học và công nghệ, chưa có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành khác, do đó việc thực hiện, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc dự án với các chương trình, dự án khác đang triển khai còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tham gia chương trình, năng suất lao động tăng 20 - 30%. Ảnh: TTXVN.
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của năng suất chất lượng và chưa tin tưởng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Các dự án hầu hết sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, chưa huy động được các nguồn kinh phí khác, vốn đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án còn hạn chế.
Vì vậy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiến nghị Chính phủ tiếp tục khởi xướng, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình, phương pháp và công cụ quản lý, đổi mới công nghệ... tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thực tế thành công hay thất bại của phong trào năng suất chất lượng nói chung, của hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nói riêng phụ thuộc nhiều vào tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng.
Trong khi đó Việt Nam còn thiếu đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng, trình độ chuyên nghiệp chưa cao. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sớm có kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia nòng cốt về năng suất chất lượng, đồng thời có chính sách, chế độ để duy trì và phát triển đội ngũ chuyên gia này để hỗ trợ doanh nghiệp trong các dự án tới.