Hiền Trang, 30 tuổi, đang sống và viết tại Hà Nội, là cây bút đoạt giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ sáu với tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa. Cuốn mới nhất của Hiền Trang - Những khán giả ngồi trong bóng tối - do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành giữa tháng 6, được xem là một "vũ trụ văn chương", nơi tâm tư, cuộc đời các nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học Việt được kể một lần nữa qua góc nhìn của nhân vật phụ, hoặc không có trong tác phẩm gốc.
Sách gồm 12 truyện, chung mô-típ về nhân vật vốn nổi tiếng của văn chương Việt (phần lớn có trích đoạn nằm trong chương trình giảng dạy ngữ văn phổ thông) như Chí Phèo, chị Dậu, Xuân Tóc Đỏ, Huấn Cao, Trương Ba.
Trong truyện về Chí Phèo, cuộc đời của nhân vật này được kể qua góc nhìn của một chắt nội (Lời nguyền làng Vũ Đại), cuộc sống giáo Thứ được kể qua giấc mộng của chính anh (Nơi yên nghỉ một giấc mộng mòn), cơn tức giận của Diêm Vương thể hiện con người Xuân Tóc Đỏ (Xuân Tóc Đỏ chơi xỏ Diêm Vương), tay chân của thống lý Pá Tra nói về Mị và A Phủ (Ở Hồng Ngài có hai người mọc cánh), chân dung người tử tù Huấn Cao hiện lên qua quan sát của tay đao phủ đã chặt đầu ông (Người tử tù không đầu).
Hiền Trang viết tập truyện với quan niệm: "Văn chương có thể trải qua vô lượng kiếp sống, liên tục sinh nghĩa, liên tục thở đều kể cả khi tác giả đã thành người thiên cổ". Cô cho rằng chính những người ngồi trong bóng tối ở hàng ghế khán giả, dõi theo các nhân vật chính trong ánh sáng của sân khấu, với cảm xúc khóc cười, sự cắt nghĩa, cách hiểu của họ tiếp thêm sức sống cho văn học, giúp nhân vật hư cấu tiếp tục sống thêm những đời sống khác.
Cô tự gọi cách viết của bản thân là phái sinh, giống Franz Kafka từng viết Sự thật về Sancho Panza với các nhân vật từ Don Quixote, hay Marcel Duchamp vẽ Mona Lisa với ria mép. Tác giả cho biết "dịch một góc thật xa", để nhìn Chí Phèo, Mị, chị Dậu qua chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phỏng theo phong cách Garcia Marquez, hoặc kể về Xuân Tóc Đỏ qua cách trào lộng của Mikhail Bulgakov.
Vận dụng kiến thức văn chương, đưa nhiều dụng ý vào trang viết để tạo một không gian văn học mới, song về tổng thể, Những khán giả ngồi trong bóng tối chưa thoát khỏi thông điệp của tác phẩm gốc.
Để hiểu được những truyện ngắn, mỗi độc giả cần đọc qua tác phẩm gốc (hoặc ít nhất là đoạn trích). Nếu chưa từng biết vì sao Chí Phèo rạch mặt ăn vạ trong tác phẩm của Nam Cao, người đọc có thể sẽ không thể hiểu được lời nguyền trong truyện của Hiền Trang. Nếu không đọc Số đỏ, sẽ khó hiểu được tại sao Xuân Tóc Đỏ bằng sự trí trá có thể chơi xỏ được Diêm Vương. Do vậy, những gì tập truyện mang tới chỉ dừng lại ở một cách "đọc lại", "đọc khác" tác phẩm nổi tiếng của văn chương Việt.
Hiền Trang từng là tác giả của tiểu thuyết Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ (2015), tập tiểu luận Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi (2016), tập truyện ngắn Dưới mái hiên đêm, những khách lạ (2020), truyện dài Chopin biến mất (2022), tiểu luận Tại sao ta yêu (2022). Cô cũng là người chuyển ngữ một số đầu sách như Dưới bánh xe cuộc đời (tác giả Hermann Hesse), Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 (tác giả Philip Norman), Chơi jazz ở Việt Nam - Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội (tác giả Stan BH Tan-Tangbau và Quyền Văn Minh).
Minh Trung