Trên báo VnExpress ngày 3/3, GS Nguyễn Văn Tuấn giảng dạy tại Australia đã đưa ra 10 đề nghị về quy trình và tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam. Tôi đồng thuận với 8 đề nghị và chỉ có quan điểm hơi khác với GS Nguyễn Văn Tuấn ở những điểm sau đây.
Thứ nhất, ở Việt Nam đang có một luồng ý kiến là việc phong giáo sư, phó giáo sư nên giao về cho các đại học theo nguyên tắc tự chủ đại học. Tuy nhiên, hệ thống đại học Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ. Trong thời kỳ quá độ cần duy trì những chuẩn mực tối thiểu và chung, cần có một lộ trình và những quy định để tiến dần đến tự chủ hoàn toàn ở các đại học.
Trong việc xét duyệt hồ sơ giáo sư và phó giáo sư, có thể chỉ bắt đầu giao về cho khoảng ba đại học, giao có điều kiện và một trong những điều kiện này là phải có thẩm định quốc tế về hồ sơ nghiên cứu của ứng viên giáo sư và phó giáo sư. Còn ở những đại học khác, như GS. Ngô Việt Trung đã đề nghị, hội đồng ngành nên đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì những chuẩn mực chung và tối thiểu. Để được phong, hội đồng xét duyệt phải đồng thuận cao. Ở Đại học Toronto, hội đồng xét duyệt có 6-8 thành viên, và chỉ cần hai thành viên bỏ phiếu là ứng viên chưa đạt chuẩn thì hồ sơ sẽ bị loại.
Thứ hai, như GS. Nguyễn Văn Tuấn trình bày, quy trình hiện nay ở Việt Nam đặt nặng về lượng và chưa quan tâm đúng mức về chất. Cần có thẩm định kỹ và chi tiết về hồ sơ nghiên cứu của ứng viên, cần thẩm định quốc tế, cho cả các hồ sơ trong các ngành Khoa học xã hội và nhân văn.
Khá nhiều các nhà khoa học xã hội và các nhà nghiên cứu nhân văn quốc tế chuyên về Việt Nam đọc thông thạo tiếng Việt, ngay cả khi tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của họ. Đối với hồ sơ nghiên cứu cho chức danh giáo sư, cần ít nhất hai thẩm định quốc tế, và cần lựa chọn rất cẩn thận.
Thứ ba, để phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong các ngành khoa học xã hội và ngành nhân văn, một chương sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín nước ngoài xuất bản, uy tín qua việc phải có hai phản biện kín và chi tiết để thẩm định giá trị bản thảo, cần được xem tương đương với một bài trong một tạp chí ISI/Scopus.
Trong việc xếp hạng các đại học trên thế giới, Times Higher Education cũng tính cả những sách và chương sách chuyên khảo của các nhà xuất bản uy tín để công bằng với các ngành khoa học xã hội và các ngành nhân văn. Đây là bảng xếp hạng các đại học cân đối tốt hơn cả về các ngành kỹ thuật, y học, khoa học tự nhiên với các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
GS Lương Văn Hy
Dương Tâm ghi