Trong các cộng đồng trực tuyến và các trang mạng xã hội ở Hàn Quốc, từ "người trợ giúp" thường được gắn hashtag cùng những từ khác như "gachul" (bỏ nhà đi), "jatei" (bỏ học cấp ba) và "yeoja" (con gái).
Sự kết hợp các hashtag này đóng vai trò như một mã khẩn cấp, thường được sử dụng bởi những cô gái tuổi teen trốn nhà đang tìm chỗ để ngủ và đồ ăn. Nhưng tín hiệu này cũng thu hút những kẻ săn mồi muốn lợi dụng tình cảnh dễ bị tổn thương của họ.
Đóng giả cô bé 13 tuổi bỏ nhà đi, phóng viên của Korea Herald tạo một cuộc trò chuyện nhóm công khai với nội dung: "Tôi đang tìm 'người trợ giúp' sống ở khu vực Seoul". Năm phút sau, tin nhắn đổ về từ bốn người đều là đàn ông trưởng thành.
Một người tự giới thiệu là nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30, sống ở Jamsil hỏi cô gái rằng đây có phải là lần đầu bỏ trốn hay không. Anh ta đề nghị gặp mặt để ăn tối và qua đêm ở nhà nghỉ.
Một người khác yêu cầu cô gái gửi ảnh cá nhân, hẹn gặp sau giờ làm việc và ngủ lại chỗ anh ta.
Có thể dễ dàng tìm thấy các bài đăng của những thiếu nữ bỏ nhà đi đang tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng xã hội, đặc biệt là trên X (tên gọi cũ của Twitter). Tương tự, có nhiều bài đăng của những người đàn ông trưởng thành đề nghị giúp đỡ họ.
Một cô gái sinh năm 2007 bỏ học cấp ba viết trên X: "Bố mẹ em ly hôn, em sống với bố nhưng bị đánh nên em bỏ trốn. Mẹ em sống với bạn trai. Em cần bố mẹ cho phép mới được làm việc bán thời gian, nhưng điều đó là không thể. Vì thế em cần giúp đỡ".
Heo Min-sook, nhà nghiên cứu lập pháp tại Vụ Khảo cứu Quốc hội, cho biết những thiếu niên bỏ nhà đi đăng những thông điệp này lên mạng xã hội vì tin rằng đó là lựa chọn duy nhất để sinh tồn. "Họ cần tìm thức ăn và chỗ ngủ, và cách duy nhất họ có thể làm là nhờ ai đó giúp đỡ. Nhưng khả năng cao là những người trợ giúp này rất nguy hiểm".
Những thiếu niên bỏ trốn có xu hướng không suy nghĩ sâu về những nguy hiểm mà họ phải đối mặt vì đang gặp khó khăn về kinh tế. Họ rất dễ thành con mồi của tội phạm, và nếu là nữ giới, họ dễ bị tấn công tình dục, lạm dụng và buôn bán tình dục. Những người trợ giúp tự xưng có thể bắt đầu bằng việc đề nghị cung cấp nơi ăn chốn ở, sau đó đòi hỏi tình dục và cuối cùng là đề nghị mua dâm.
Một quan chức của tổ chức phi chính phủ về quyền thanh thiếu niên cho biết: "Các cô gái thường không biết rằng họ có thể đến những nơi tạm trú do nhà nước hoặc các tổ chức cung cấp, hoặc thậm chí nếu biết, họ cũng không thể đến vì khả năng tiếp cận hạn chế".
Những cô gái sống ở tỉnh lẻ thường thiếu tiền đi lại nên việc tiếp cận những nơi trú ẩn này rất khó khăn. "Trong tình huống này, nếu ai đó đề nghị đón họ hoặc cung cấp phí đi lại, họ sẽ chấp nhận vì điều đó dễ hơn là đến nơi tạm trú".
Khó khăn về kinh tế cũng có thể đẩy các cô gái vào con đường mại dâm. Theo một nghiên cứu năm 2015 của chính quyền thành phố Seoul, 18% thiếu nữ bỏ nhà đi tham gia hoạt động mại dâm. Trong số đó, 67% cho biết bắt đầu hành nghề mại dâm vì "cần tiền", 46% cho biết "không có chỗ ngủ" và 28% do "đói".
Trong số những người bỏ nhà đi trong năm qua, một nửa nói rằng có biết đến nơi tạm trú cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, chỉ 3,2% thực sự đến nơi trú ẩn, theo báo cáo năm 2022 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.
Ngày 12/6, một người đàn ông ở độ tuổi 20 tiếp cận một nữ sinh cấp hai bỏ nhà đi đã bị Tòa án quận Daegu kết án 5 năm tù. Anh ta cho cô bé chỗ ở, quay video quan hệ tình dục và đe dọa phát tán lên mạng.
Ngày 31/5, hai người đàn ông ở độ tuổi 40 bị đồn cảnh sát Osan ở tỉnh Gyeonggi bắt giữ vì tình nghi tấn công tình dục và mua dâm hai thiếu nữ bỏ nhà đi bị họ tiếp cận ở công viên Yeouido Hangang.
Theo thống kê năm 2022 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình với 17.140 người được hỏi, tỷ lệ bỏ nhà đi ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông năm 2021 là 2,5%. Số học sinh từ 10 đến 19 tuổi là khoảng 4 triệu.
Bộ cung cấp tư vấn trực tuyến và qua điện thoại 24/7 cho thanh thiếu niên gặp khủng hoảng, điều hành 138 nơi tạm trú an toàn cho thanh thiếu niên trên toàn quốc.
Nhà nghiên cứu Heo Min-sook lưu ý: "Chúng tôi không khuyến khích các em bỏ nhà đi, nhưng các em nên biết rằng có những đường dây nóng và nơi trú ẩn dành cho trẻ vị thành niên bỏ trốn vì các em thường không biết phải đi đâu để được giúp đỡ".
Theo Đạo luật Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em mất tích, những người chứa chấp trẻ em mất tích, bao gồm thanh thiếu niên bỏ nhà đi, mà không báo cảnh sát có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền tới 50 triệu won (hơn 36.000 USD).
Tuệ Anh (Theo Korea Herald)